Kênh NBC News bình luận: "Thẩm phán Amy Coney Barrett (vị trí bên phải trong ảnh) phản đối nhiều thứ mà cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đã dành cả đời mình để đấu tranh" - Ảnh: NBC News
Tuần này truyền thông phương Tây cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố ứng viên thẩm phán tòa án tối cao Mỹ để thay thế vị trí của cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg trong ngày 26-9 (giờ Mỹ). Và tên ứng viên cuối cùng được chọn chính là nữ thẩm phán Amy Coney Barrett, 48 tuổi.
Tòa án tối cao Mỹ là nơi đưa ra các quyết định quan trọng ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ gồm vấn đề phá thai, chăm sóc sức khỏe, quyền sở hữu súng...
Có 9 thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời tại tòa và họ chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. Vậy thẩm phán Amy Coney Barrett có gì đặc biệt để lọt vào mắt của ông Trump?
Amy Coney Barrett vốn không phải là cái tên xa lạ với Tổng thống Trump vì vào năm 2018, bà từng nằm trong danh sách ứng viên được ông Trump xem xét đưa vào thế chỗ thẩm phán Anthony Kennedy (về hưu). Tuy nhiên, cuối cùng người được chọn là Brett Kavanaugh.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, bà sẽ gia nhập cùng 2 thẩm phán trẻ và cực kỳ bảo thủ khác đã được ông Trump đề cử trước đây là ông Neil Gorsuch (53 tuổi) và ông Brett Kavanaugh (55 tuổi). Họ sẽ đại diện cho 1/3 số thẩm phán của tòa án tối cao.
Nhật báo Los Angeles Times đánh giá đối với nhiều thành viên đảng Cộng hòa, bà Barrett - với tuổi khá trẻ và có quan điểm bảo thủ - dường như là một ứng viên gần như hoàn hảo. Bà từng là thư ký của cố thẩm phán Antonin Scalia - vốn được xem là nhân vật bảo thủ hàng đầu tại tòa án Mỹ trong 3 thập niên trước khi ông qua đời vào năm 2016.
Amy Coney Barrett và chồng là Jesse M. Barrett - Ảnh chụp màn hình
Bà Barrett sinh năm 1972 tại TP New Orleans, bang Louisiana và có cha từng làm luật sư cho công ty dầu Shell của Mỹ. Bà kết hôn với một cựu công tố viên liên bang và là mẹ của 7 người con. Người phụ nữ này cũng là giáo sư luật tại Trường luật Notre Dame, dạy về luật hiến pháp, tố tụng dân sự...
Bà Barrett lần đầu tiên được khoác chiếc áo thẩm phán vào năm 2017 và bà là thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 7 của Mỹ. "Thẩm phán Amy Coney Barrett phản đối nhiều thứ mà cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đã dành cả đời mình để đấu tranh" - kênh NBC News bình luận.
Là người theo đạo Thiên chúa được đánh giá sùng đạo và cực kỳ bảo thủ, bà Barrett là người phản đối các quyền nạo phá thai - một vấn đề quan trọng đối với nhiều thành viên đảng Cộng hòa. Bà từng nhấn mạnh rằng nạo phá thai "luôn luôn trái đạo đức".
Bà Barrett từng nhận bằng luật tại Trường Luật Notre Dame và sau đó giảng dạy tại trường. Trong ảnh, bà phát biểu tại Trường Luật Notre Dame vào năm 2018 - Ảnh: AP
Đối với những người bảo thủ muốn lật ngược quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Mỹ năm 1973 vốn hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc, bà Barrett có thể sẽ là cái tên được họ yêu thích. Theo báo New York Times, bà Barrett được xem là "một người hùng với phong trào chống phá thai".
Bà cũng là người ủng hộ các chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump và bày tỏ quan điểm ủng hộ các quyền về sở hữu súng đạn.
Những người bảo thủ hi vọng bà cũng sẽ giúp "khai tử" chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc Obamacare ra đời dưới thời người tiền nhiệm của ông Trump - Tổng thống Barack Obama. Khoảng 20 triệu người Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu tòa án tối cao chấm dứt Đạo luật chăm sóc sức khỏe phù hợp túi tiền (ACA).
Vài giờ trước khi ông Trump công bố ứng viên, báo New York Times đã đăng bài bình luận với dòng tít: "Amy Coney Barrett không phải là Ruth Bader Ginsburg". Bài bình luận cho rằng lá phiếu mang tính quyết định của bà Barrett về nhiều vấn đề pháp lý có thể sẽ "xóa bỏ" những thành quả mà thẩm phán Ginsburg đã làm việc cả đời để đạt được.
Amy Coney Barrett chỉ mới khoác vào chiếc áo thẩm phán được 3 năm - Ảnh: C-SPAN.ORG
Theo tường thuật, di nguyện của cố thẩm phán Ginsburg - được gia đình công bố - là chiếc ghế trống của bà nên được người thắng cử sắp tới quyết định. Tuy nhiên, ông Trump đã hoài nghi về tính xác thực của điều đó, cho rằng đây là thủ đoạn của các lãnh đạo đảng Dân chủ và rằng đảng Dân chủ đã viết di nguyện này, nhưng không cung cấp bằng chứng.
Việc bà Barrett nhảy vào thay thế chiếc ghế của cố thẩm phán Ginsburg sẽ khiến cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao Mỹ nghiêng sang phe bảo thủ nhiều hơn. Cụ thể, nếu đề cử của ông Trump được thông qua trước bầu cử tổng thống Mỹ, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ có 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ như ý muốn của ông Trump, bà Barrett cũng sẽ trở thành thẩm phán thứ 115 và là người phụ nữ thứ 5 phục vụ tại tòa án tối cao trong lịch sử Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận