04/11/2014 18:09 GMT+7

Say nồng với "mỹ tửu" của người Mông

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

TTO - Từ lâu, dưới thung lũng Ngã ba Kim (Mù Cang Chải, Yên Bái), người Mông đã chưng cất được thứ rượu quý làm ngất ngây bất kỳ ai thưởng thức, dù chỉ một lần.

Đồ chưng cất rượu thóc hết sức thủ công - Ảnh: N.T.Lượng

Rượu ở đâu chẳng có, nhiều nơi cũng nổi tiếng bởi rượu ngon, rượu quý nhưng ở Ngã ba Kim, loại “mỹ tửu” của đồng bào Mông không chỉ ngon, quý mà còn có “niên đại” từ bao đời nay.

Ở đây, trên núi cao, hầu như gia đình người Mông nào cũng nấu rượu thóc để thưởng thức và còn mang xuống chợ phiên bán. Rượu ở đây không lẫn với các loại rượu đặc sản ở các vùng khác như rượu ngô Quản Bạ, rượu San Lùng Bắc Hà, rượu làng Vân…

Đó không phải là thứ rượu nấu từ ngô hạt, gạo trắng hay sắn củ mà nấu từ hạt lúa để nguyên vỏ mới gặt từ trên nương, nơi núi rừng quanh năm mây mù bao phủ về.

Để chưng cất được những mẻ rượu ngon, làm ngất ngây lòng người, đồng bào Mông Mù Cang Chải trồng và chọn những rạ lúa nương gồm cả nếp và tẻ thật ngon sau mỗi vụ gặt để nấu rượu.

Thông thường, để nấu một nồi rượu thóc, người nấu ủ khoảng 70% thóc tẻ, 30% thóc nếp, thóc để nguyên cả vỏ. Người Mông ở đây bảo rằng, rượu của họ ngon và thơm từ vỏ trấu ngon vào. Thật lạ và hấp dẫn.

Mỗi mẻ rượu, người nấu phải nấu thóc thành cơm cho hạt thóc chín nứt hạt để lộ màu trắng trong của gạo, sau đó mới ủ với men lá đúng một tháng cho men và thóc ngấu rồi mới nấu.

Sắc vàng từ lúa đã ủ men nồng - Ảnh: N.T.Lượng
Lò nấu rượu thóc của đồng bào Mông - Ảnh: N.T.Lượng

Không giống như những công thức nấu rượu thông thường, người Mông Mù Cang Chải dùng nước suối trong vắt dẫn từ nguồn trên rừng sâu về để nấu rượu. Đó thứ nước tinh khiết của núi, của rừng hòa vào vị thơm của gạo để làm nên những giọt “mỹ tửu” đắm say lòng người. 

Mỗi nồi rượu nấu được 37kg thóc, chưng cất được khoảng 15 lít rượu ngon. Người Mông đắp lò bằng đất, dùng nồi đồng, chõ gỗ thủy thượng để chưng cất rượu. Để bếp lửa cháy đều, người ta dùng những chũa củi to, chắc đốn từ rừng già để đun nồi nấu.

Rượu thóc nơi Ngã ba Kim khi thưởng thức mang lại cảm nhận thật khác lạ. Rượu khá mạnh nên uống một chút đã biết ngay, men nồng lan tỏa lên tận đỉnh đầu và thoảng sâu vào trong cổ. Vị rượu nồng nàn mà ngây ngất. Có vị ngọt của gạo, vị men cay, vị thơm của nếp nương. 

Thưởng thức rượu thóc nơi đây, tâm hồn như lắng được cái chất nồng say của núi rừng, chất ngọt của cây lúa, vị trong vắt của nước suối rừng và cả tình người nồng ấm gửi cả vào trong từng giọt rượu.

Những thùng rượu thóc được bảo quản sau khi chưng cất - Ảnh: N.T.Lượng
Nồi nấu rượu thóc  được đúc bằng đồng - Ảnh: N.T.Lượng
Nồng say những giọt mỹ tửu của người Mông - Ảnh: N.T.Lượng

Một điều khá thú vị là rượu thóc Ngã ba Kim của người Mông nhanh làm cho tâm hồn người ngất ngây, thăng hoa giữa núi rừng thơ mộng nhưng không gây cho thực khách những cảm giác khó chịu như đau đầu, đau người, cồn ruột…

Thưởng thức rượu vào một buổi tối giữa màn đêm giăng kín sương mờ bên bếp lửa, ngả lưng bên nhà sàn ngủ một giấc thật sâu, sáng hôm sau trở dậy thấy người nhẹ nhõm, dễ chịu và không còn dư âm nặng nề khó chịu như một số loại rượu khác.

Vì thế, thưởng thức một lần rượu thóc Ngã ba Kim, người ta vẫn muốn tìm lại cảm giác say nồng lần thứ hai giữa chốn mờ sương đầy quyến rũ này.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp