20/03/2016 08:04 GMT+7

Người trồng cà phê tranh tài

MAI VINH
MAI VINH

TT - Nhiều nông dân Đà Lạt trồng cà phê đã có cuộc tranh tài gay cấn và hấp dẫn tại Cuộc thi tuyển chọn cà phê ngon Đà Lạt vừa diễn ra hôm 18-3, với giám khảo là những chuyên gia thế giới.

Nông dân trồng cà phê trao đổi với các chuyên gia tại cuộc thi - Ảnh: M.Vinh
Nông dân trồng cà phê trao đổi với các chuyên gia tại cuộc thi - Ảnh: M.Vinh

“Phải biết cà phê ngon ra sao mới trồng được cà phê ngon. Năm nay nông dân ở đây biết được chuẩn chung của cà phê ngon và mẫu cà phê ngon nhất Đà Lạt, năm tới họ sẽ biết cách sản xuất ra mẫu cà phê ngon hơn

Ông Armando Sierra ​(giám đốc quản lý chất lượng cà phê arabica Tập đoàn Olam)

Cuộc thi cà phê ngon do Công ty UCC (Nhật Bản), Olam (Singapore), Là Việt (Việt Nam) tổ chức nhằm chọn ra người nông dân sản xuất cà phê arabica ngon nhất Đà Lạt.

Từ hơn 15.000ha cà phê arabica của Đà Lạt, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, nông dân trồng cà phê Đà Lạt tuyển chọn 50 mẫu cà phê vào vòng sơ tuyển, trong đó có 15 mẫu được vào vòng chung khảo.

Cà phê “nói” lên đức tính người trồng

Trong không gian sang trọng của một khách sạn lớn ở trung tâm Đà Lạt, nông dân trồng cà phê lần đầu tiên ngồi trên những chiếc ghế sang trọng theo dõi ban giám khảo đánh giá cà phê của mình theo một cách mà họ chưa bao giờ được biết và được thấy.

“Chúng tôi muốn những người nông dân nhìn thấy những mẫu cà phê được trồng một cách tử tế xuất hiện ở một không gian sang trọng, tự hào về công việc mình làm và cà phê mình trồng” - ông Trần Nhật Quang, thành viên ban tổ chức, nói.

Sau khi 15 mẫu cà phê vào vòng chung khảo có đánh số ngẫu nhiên, được đưa lên bàn chấm điểm, các giám khảo lần lượt đánh giá từ hương cho đến vị, từ khi chưa xay cho đến đã xay... rồi cho điểm theo những tiêu chuẩn đánh giá cà phê có tính quốc tế.

“Mỗi vị trong cà phê “nói” lên đức tính của người trồng, anh có siêng năng và trung thành với tiêu chí sản xuất cà phê đặc sản sạch hay không sẽ bộc lộ ngay trong mẫu cà phê dự thi của mình qua sự đánh giá của giám khảo” - ông Quang cho biết.

Nhìn vị giám khảo người Colombia cúi gập người xuống bàn chấm điểm, đưa mũi hít một hơi sâu như lấy cạn mùi vị ly cà phê bột rồi cầm bút chì đánh dấu nhiều mục vào bảng điểm, chị Nguyễn Thị Huệ - nông dân trồng cà phê tại Măng Lin, khu vực giáp giữa Đà Lạt và huyện Lạc Dương, người có sản phẩm lọt vào vòng chung khảo - ngạc nhiên cho biết “cứ nghĩ cà phê ngon dở gì đó tùy cái miệng người uống, giờ mới biết có chuyện ngon dở có cái chuẩn của nó”.

Trước đó, khi cùng một chuyên gia cà phê của Nhật Bản hái cà phê đang chín trên cây và cùng nếm thử để cảm nhận độ đường, nông dân Nguyễn Văn Sơn cho biết nếu trồng cà phê nhân xô như ở các nơi khác, ông sẽ chọn một khu vườn có địa hình bằng phẳng.

Tuy nhiên, để có loại cà phê ngon đặc sản, ông Sơn chọn một khu vườn nằm dọc sườn đồi, trồng cà phê trên đồi theo kiểu ruộng bậc thang. “Tốn công nhiều lắm nhưng chỗ này có độ cao phù hợp để trồng cà phê đặc sản” - ông Sơn cho biết.

Giá cao cho cà phê ngon

Ông Masaro Ueshima, tổng giám đốc UCC, cho biết 7 mẫu cà phê đoạt giải đều được mua toàn bộ sản lượng với giá đặc biệt, cao hơn giá thị trường ít nhất 10%. “Chất lượng cao, công lao động được trả cao” - ông Ueshima khẳng định.

Theo ông Ueshima, những cuộc thi cà phê ngon dành riêng cho nông dân mới manh nha tại VN nhưng ở các nước trên thế giới đã thành lệ vào cuối mùa thu hoạch, đầu vụ mới như một lễ hội nhỏ khởi động nông vụ.

“Đó là cơ hội để nông dân tranh tài nghệ, học hỏi nghề và tự giới thiệu cà phê của mình đến những công ty thu mua uy tín. Tôi nghĩ cuộc thi này nên trở thành thường niên và thành phần giám khảo là chuyên gia cà phê quốc tế, được mời đánh giá độc lập tạo sự công bằng” - ông Ueshima đề xuất.

Đặc biệt, ông Ueshima khẳng định qua cuộc thi này, các nhà tổ chức muốn kích thích người nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn mà thị trường chung thế giới đang chấp nhận.

Nếu sản xuất đúng quy trình, sản phẩm sẽ được đón nhận và được mua với mức giá cao phù hợp với công sức đã bỏ ra. Ngoài ra, đây cũng là phương cách để nông dân rút kinh nghiệm trong việc sản xuất cà phê chất lượng cao.

“Ban giám khảo sẽ giải thích vì sao mẫu cà phê của một nông dân nào đó đoạt giải, họ đã làm thế nào để đạt được vinh dự đó. Những đánh giá này thay cho việc đúc kết kinh nghiệm và nông dân dựa vào đó làm bài học cho mình” - ông Ueshima nhấn mạnh.

Theo ông Armando Sierra - giám đốc quản lý chất lượng cà phê arabica Tập đoàn Olam, với những tiêu chuẩn đánh giá cà phê ngon của thế giới được áp dụng cho cà phê Đà Lạt để tìm ra mẫu cà phê ngon nhất, nông dân sẽ biết tại sao nó ngon từ khi bắt đầu trồng cho đến khi rang xay.

Bán cà phê kèm chỉ dẫn địa lý

Theo ông Armando Sierra, cà phê arabica Đà Lạt đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nên khi bán phải kèm các thông tin về độ cao, xuất xứ và nhiều thông tin khác. Tuy nhiên, cần nâng cao chất lượng dần dần để chỉ dẫn địa lý được nâng giá trị. Điều này cần làm ngay từ bây giờ để mang lại lợi ích lâu dài cho Đà Lạt và cả Việt Nam.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp