22/07/2015 12:02 GMT+7

Mùa chay về

HOÀNG HÂN
HOÀNG HÂN

TTO - Về thăm nhà, được thưởng thức cái vị chua chua, ngọt ngọt trong bát nước rau muống của mẹ, mới chợt nhận ra chay đã vào mùa.

Quả chay vừa hái - Ảnh: Hoàng Hân

Đối với những người dân các tỉnh trung du, miền núi như Bắc Giang, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An… cây chay có lẽ chẳng xa lạ gì. Cây chay thường mọc hoang trong rừng, nhưng vì có nhiều tác dụng nên giờ nhiều người đã mang về trồng trong vườn nhà. 

Quả chay mang một vị chua, dịu khác hẳn với vị chua từ những thứ quả khác. Đây là một loại quả mà các mẹ, các chị quê tôi rất thích dùng để chế biến các món ăn hàng ngày, cái hương vị làm bữa ăn gia đình thêm đầm ấm, là hương vị để nhớ về quê nhà mỗi khi đi xa.

Bố tôi cũng cất công trồng một cây trong vườn để thưởng thức cái hương vị chua chua mà cả gia đình đều mê của quả chay trong các món ăn giản dị hàng ngày mà mẹ vẫn nấu.

Cây chay là loại thân gỗ to, thường có khi cao tới 15m, thân nhẵn mọc thẳng, phân cành nhiều, vỏ màu xám. Cành lá non có lông hung. Lá mọc so le, xếp thành hai hàng, phiến bầu dục hoặc trái xoan, gân nổi rõ, mặt dưới phiến lá thường có lông.

Chay thường ra hoa vào tháng 3 - tháng 4, hoa li ti và mọc đơn độc dưới nách lá. Quả chay rất lạ, khi còn non có màu vàng nhẹ, đến khi to mang một màu xanh mướt, và khi chín thì màu vàng.

Quả là dạng quả phức, hình hơi tròn hoặc tạo thành nhiều hình thù khác nhau. Thịt màu hồng, có vị chua. Hạt to có nhiều nhựa dính. Mùa quả thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9.

Cây chay - Ảnh: Hoàng Hân
Quả chay xanh - Ảnh: Hoàng Hân

Quả chay cũng có thể gọi là thứ quả “xanh vỏ, đỏ lòng”, quả khi già có màu xanh nhưng trong ruột lại có màu hồng rất đẹp mắt, bởi vậy khi dùng làm dấm đánh nước rau muống luộc ngoài vị chua dịu còn có màu hồng trông rất đẹp mắt. 

Mùa hè, chỉ cần bát cơm rau muống luộc đánh đấm với miếng chay thêm ít muối vừng là có thể đánh bay nồi cơm của mẹ, xua tan đi sự ngại ăn giữa tiết trời nóng nực của mùa hè.

Ngoài để đánh canh dấm, vị chua trong quả chay còn góp phần vào những món ăn mang hương vị không thể nào quên.

Nhớ ngày bé, khi mẹ đi làm đồng về cùng với mớ cá rô con là chị em tôi rất háo hức chờ đến bữa cơm, thể nào mẹ cũng có món cá rô kho nhừ, gắp một miếng cá vị mềm, ngọt vừa gia vị của thịt cá hòa quyện cùng với vị chua của chay tạo lên một món ăn giản dị nhưng chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy thèm.

Bên cạnh đó những món ăn như canh cá thêm chút chay vào cũng đủ làm cho bát canh thêm phần hấp dẫn.

Hấp dẫn chay dầm nước rau muống - Ảnh: Hoàn Hân

 

Quả chay có màu chín hồng đẹp mắt - Ảnh: Hoàng Hân

Khi quả chay đã già, những trái chay lúc lỉu trên cành thường được người đân hái xuống, thái mỏng, phơi khô để dành dùng dần và làm món quà tuy dân dã nhưng đượm tình quê gửi cho người thân nơi phương xa.

Và khi những trái trên cây dần chuyển sang vàng thì những lũ trẻ như chúng tôi lại nhanh tay hái xuống để thưởng thức vị chua ngọt của chay. 

Chay chín rất nhanh nếu không hái kịp là hôm sau đã rụng đầy gốc. Trái chay chín vàng, bửa đôi ra, thịt chay mang màu hồng rực đẹp mắt, lúc này ruột đã không còn nhựa. Cái vị chua chua, ngọt của trái chay không chỉ lũ trẻ con mà những người dân quê tôi cũng thích mê.

Mùa chay nữa lại về, nhìn những trái chay lúc lỉu, như thấy mình trở về với tuổi thơ, mè nheo mẹ đãi một bữa cơm với những món ăn được nấu từ quả chay, để thưởng thức cái vị chua ngọt đặc trưng riêng của miền quê mà khi đi xa vẫn thấy lưu luyến.

Những miếng chay được phơi khô mang màu hồng nhẹ - Ảnh: Hoàng Hân
Theo y học cổ truyền: quả chay có vị chua, tính bình, cầm máu và thanh nhiệt. Người ta thường dùng quả chay chữa nóng phổi, ho ra máu, thổ máu, chảy máu mũi, đau họng hoặc trẻ kém ăn. Rễ chay thường để chữa tê thấp, đau lưng và mỏi gối.
HOÀNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp