15/11/2015 14:03 GMT+7

Món ăn Nhật chinh phục thực khách Việt

LÊ NAM - NHƯ BÌNH (lenam@tuoitre.com.vn)
LÊ NAM - NHƯ BÌNH ([email protected])

TT - Không chỉ tinh tế qua cách trình bày, mùi vị, hương thơm mà còn chứa đựng thiên nhiên bốn mùa, những món ăn Nhật Bản đã chinh phục thực khách Việt trong Ngày hội tinh hoa ẩm thực Nhật Bản, diễn ra ngày 14-11.

Các bạn trẻ VN thử bào cá khô katsuo (loại gia vị đặc trưng của Nhật) - Ảnh: L.Nam
Các bạn trẻ VN thử bào cá khô katsuo (loại gia vị đặc trưng của Nhật) - Ảnh: L.Nam

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Nhật Bản 2015 tại TP.HCM, Ngày hội tinh hoa ẩm thực Nhật do Bộ Nông, lâm, thủy hải sản Nhật Bản tài trợ với toàn bộ nguyên liệu đều được vận chuyển từ Nhật sang, được bảo quản trong điều kiện khắt khe nhất để đảm bảo sự tươi, ngon và an toàn.

Không chỉ vậy, thực khách còn đắm chìm trong một không gian đậm chất văn hóa Nhật Bản với những cô gái mặc áo kimono dịu dàng, tiếng đàn tranh thánh thót hay gian hàng trà đạo nhẹ nhàng, chậm rãi.

Thưởng thức sự tinh tế

Chia sẻ cảm nhận về món ăn Nhật, bà Trần Thị Minh Trang - giám đốc Công ty Japan Circle - cho biết các món ăn không chỉ nhìn đẹp mắt, cách chế tạo món ăn rất tinh tế như một nghệ thuật sắp đặt mà còn toát lên sự chăm chút, tỉ mỉ của đầu bếp.

Món ăn của Nhật rất thú vị là ăn theo mùa, tôn trọng thiên nhiên, mỗi món ăn hay cách chế biến đều mang một ý nghĩa riêng nào đó. Sự tinh tế trong cách ăn chính là giá trị ẩm thực quan trọng mà món ăn Nhật Bản làm được.

Theo bà Trang, món ăn của VN cũng rất phong phú, ngon miệng nhưng lại thiếu câu chuyện để kể. Trong khi đó, mỗi món ăn Nhật Bản đều mang một câu chuyện, kể được nét đặc trưng, xuất xứ vùng miền, tên gọi, vì vậy rất dễ đi vào lòng người.

“Nhiều lần mời các đối tác đi thưởng thức món ăn Việt, ai cũng tấm tắc khen ngon nhưng khi họ hỏi sâu hơn thì tôi lại không biết phải giới thiệu thế nào, thế là ấn tượng ngon đấy cũng trôi qua” - bà Minh Trang chia sẻ.

Mở đầu là món khai vị tái hiện lộng lẫy hình ảnh của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông theo phong cách Kaiseki Ryori, nghệ thuật ẩm thực của Nhật Bản có đặc trưng sử dụng nguyên liệu theo mùa như mùa xuân có măng, nghêu trộn với tiêu và miso trăng; mùa hạ có tôm củ bách hợp, lươn cuộn chiên rau; mùa thu có món nấm Matsutake, rau Junsai, quả hống và nấm shimeji trộn xốt mè và mùa đông không gì ngon hơn thưởng thức đậu hủ gạch cua, quả quất phủ tuyết hay cua Alaska nướng tái ngọt lịm...

Ngoài ra, thực khách còn được thưởng thức những đặc sản vùng miền Nhật Bản như cá thu đao của thành phố Nemuro, bò Wagyu hay sushi thập cẩm...

Đến từ Nhật Bản để tham gia chương trình lễ hội Nhật Bản lần này, ông Yutaka Goto - chủ tịch Tập đoàn Tokiwa Group - khẳng định những món ăn được giới thiệu trong ngày hội này đều giữ đúng hương vị, cách chế các món ăn truyền thống Nhật.

“Đây là món ăn dành cho những ngày đặc biệt như lễ, tết hay ngày quan trọng với chất lượng cao” - ông Yutaka nói.

Theo ông Hiroshi Fukuda - đại sứ Nhật Bản tại VN, ở Nhật Bản có nhiều nhà hàng VN và nhiều người Nhật cũng ưa thích món ăn VN. Ngược lại, số nhà hàng Nhật Bản với món sushi trở thành món ăn quen thuộc của người dân VN.

“Chỉ tự hào ẩm thực của mình là không đủ, tìm hiểu ẩm thực của nhau cũng làm cho tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng thắt chặt hơn. Thông qua lễ hội văn hóa ẩm thực, sự hiểu biết giữa người dân Nhật Bản và VN càng thắt chặt hơn” - ông Hiroshi khẳng định.

Chia sẻ bí quyết

Trước đó, buổi hội thảo về “đặc trưng ẩm thực Nhật Bản” với chuyên đề Bento diễn ra sáng cùng ngày đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích về cách chế biến cũng như lựa chọn các nguyên liệu bổ dưỡng cho sức khỏe.

Ngay sau hội thảo kết thúc, rất nhiều khách tham dự đã nán lại, chụp hình các dụng cụ, nguyên liệu chế biến ra các món ăn Nhật cũng như làm ra cơm hộp bento đặc trưng. Mỗi người đều lăm lăm máy ảnh hoặc điện thoại di động để chụp những loại gia vị và nguyên liệu Nhật.

Bạn Nguyễn Trúc Vy (Q.7) cho biết mình khá may mắn khi được tham gia sự kiện này, bạn của Vy cũng đăng ký nhưng lại không được chọn. Bản thân Vy cũng thường làm các món cơm cuộn theo cách của người Nhật nên hội thảo hôm nay rất bổ ích vì cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về dinh dưỡng.

Vy cho biết tới đây sẽ lưu tâm hơn đến cách ăn uống, chọn và chế biến nguyên liệu sao cho thật an toàn.

Ngồi gần cuối hội trường, chị Huỳnh Ái Thơ (Cần Thơ) tỏ ra tiếc nuối khi không kịp có cơ hội thưởng thức món ăn do chính chuyên gia ẩm thực Makiko Fujino thực hiện trong hội thảo.

Nhưng chị Thơ cho biết cũng kịp lên phía trên xem các nguyên liệu chế biến nên các món bento, đặc biệt là tự tay bào cá khô katsuo (một loại gia vị đặc trưng của Nhật dùng trong phần lớn các món ăn) và chụp hình kỷ niệm với các chuyên gia ẩm thực.

Đứng nấn ná mãi để chờ được nói chuyện trực tiếp với chuyên gia ẩm thực Mikako Fujino, bạn Trang Phạm (Q.5) cho biết mình cũng thường xuyên mang cơm hộp chế biến theo kiểu bento nhưng điều mà cô quan tâm nhất là làm thế nào để có thể lưu giữ hộp cơm vẫn còn nguyên chất lượng, không bị thiu, ôi khi để từ sáng đến trưa, thậm chí buổi chiều.

Cuối cùng, chuyên gia Makiko Fujino cũng "bật mí": đặt một miếng mơ muối bên trong hộp đựng cơm, hộp cơm sẽ không bị thiu, ôi cho dù để đến cuối chiều.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Makiko Fujino cho biết cơm hộp kiểu Nhật (bento) là một nét đặc trưng văn hóa Nhật, chẳng những phổ biến ở Nhật mà còn bán ra nhiều ở các quốc gia. Hộp cơm lúc nào cũng có năm màu: trắng, đen, vàng, đỏ, xanh lam, đồng nghĩa có năm vị đặc trưng: ngọt, chua, mặn, đắng, unami.

Cơm hộp ở Nhật rất phổ biến, các em học sinh người Nhật khi đi học cũng được cha mẹ mình chuẩn bị món ăn mang theo.

“Khi chế biến các món ăn trong hộp cơm bento đều phải ninh cho các loại nước rút hẳn vào món ăn, hộp cơm phải đảm bảo khô, tránh làm cho món ăn bị ngả màu” - bà Makiko tiết lộ.

Ảnh: T.Tùng
   Ảnh: T.Tùng

* Ông KOICHI DEKURA (giám đốc bộ phận phát triển thị trường và văn hóa thực phẩm Nhật Bản - Bộ Nông, lâm, thủy hải sản Nhật Bản):

Sẽ giới thiệu nhiều món ăn Nhật

Đây là lần thứ hai Bộ Nông, lâm, thủy hải sản Nhật Bản đồng hành cùng với chương trình Lễ hội Nhật Bản tại VN. Thông qua các món ăn này, chúng tôi hi vọng người Việt cảm nhận sâu sắc hơn sự tinh túy của những món ăn, cách trình bày của ẩm thực Nhật cũng như ấn tượng tốt về nguyên vật liệu chế biến.

Để món Nhật đến gần người Việt, chúng tôi sẽ cố gắng giới thiệu nhiều hơn nữa thông qua các chương trình giao lưu văn hóa...

Trong hai năm gần đây, số nhà hàng Nhật trên thế giới tăng 1,6 lần với ước tính có khoảng 89.000 nhà hàng Nhật. Nhưng ở VN tốc độ tăng trưởng còn cao hơn, lên đến 2,1 lần, từ 330 nhà hàng lên hơn 770 nhà hàng Nhật, cho nên tôi cảm nhận món ăn Nhật cũng như nguyên liệu ẩm thực Nhật sẽ còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ở VN.

Bento ra đời vào cuối thời Kamakura (khoảng năm 1300). Trải qua nhiều biến cố từ thời Edo, Meiji, Taisho (1912 - 1926), bento đã được người Nhật đưa đến đỉnh cao nghệ thuật và là một nét đặc trưng của ẩm thực cung đình.

Cơm hộp bento hiện nay đã có mặt trong hầu hết hoạt động của đời sống quý tộc đến bình dân ở Nhật. Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy các loại cơm hộp xuất hiện trong bữa ăn của học sinh, sinh viên, công chức văn phòng…

Với người Nhật, bento là một hình thức ẩm thực tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ năng lượng trong đời sống công nghiệp hối hả.

LÊ NAM - NHƯ BÌNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp