06/10/2014 08:43 GMT+7

​Món ăn ngoại xuống phố Sài Gòn

ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH
ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH

TT - Gần đây, các món ăn nước ngoài vốn dĩ chỉ xuất hiện trong nhà hàng sang trọng đã bắt đầu đổ bộ xuống phố, hòa vào thói quen thưởng thức ẩm thực đường phố của người Việt tại Sài Gòn.

Ông Dieter với xe máy bán xúc xích quen thuộc ở Q.4, TP.HCM - Ảnh: Yến Trinh

18g, khoảng sân trước quán Ụt Ụt bán đồ nướng kiểu Mỹ (American BBQ), đường Võ Văn Kiệt (Q.1, TP.HCM) đã đông chật khách đứng xếp hàng chờ vào quán. Bên cạnh họ, những thực khách người Việt lẫn người nước ngoài đang vui vẻ thưởng thức món ăn lạ này ngay trên vỉa hè, với mấy cái bàn con, ghế gỗ.

Món Tây ra quán nhậu

Thực đơn của quán Ụt Ụt chỉ vỏn vẹn trong một mặt giấy A4, gồm có những món truyền thống kiểu Mỹ như hamburger, thịt xông khói, nhưng cũng không thiếu những món Việt Nam như da gà chiên giòn, sườn nướng...

Tất cả dao động với mức giá 30.000-300.000 đồng, khá bình dân so với quy mô của một quán ăn ba tầng trên mặt tiền đường Võ Văn Kiệt. Đó cũng là lý do khiến quán dù định danh là bán đồ ăn Tây nhưng có đến 80% khách là người Việt, đặc biệt là dân văn phòng, giới sinh viên.

Tối nào quán cũng “quá tải” đến mức luôn có 20-30 người phải đứng xếp hàng chờ do quán không nhận đặt chỗ trước.

Bàn gỗ theo kiểu dã ngoại, thịt heo được nướng, xông khói ngay trên khoảng sân nhỏ trước quán, không khí chẳng khác gì một buổi dã ngoại tại Mỹ. Tuy nhiên, điểm biến tấu là khách không ngồi ăn uống trong không gian đóng của nhà hàng như ở nước ngoài, mà ngồi ngay trên vỉa hè và thoải mái với ly bia, đĩa đậu phộng.

Albin Deforges (đầu bếp người Pháp, một trong ba chủ quán, đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm) cho biết: “Nhắm đến đối tượng chính là người Việt, không phải người nước ngoài nên chúng tôi quyết định mở quán với món Mỹ mang không khí Việt, càng giống như một quán nhậu bình dân Việt Nam càng tốt, chứ không phải là một nhà hàng quá sang trọng và gợi cảm giác đắt tiền”.

Albin cũng cho biết anh lựa chọn thịt heo nướng là món chủ đạo vì người Việt vốn rất khoái khẩu món này và không hề cảm thấy quá lạ lẫm khi bước vào quán.

Anh Nguyễn Công Nhật (40 tuổi, nhân viên văn phòng) đứng chờ với một nhóm bạn vui vẻ chia sẻ: “Ở Sài Gòn, nói thật tôi cũng không quen đứng chờ như thế này, hết chỗ thì đi chỗ khác, đâu có thiếu quán ăn. Nhưng ở đây đứng xếp hàng như một... đặc sản vậy. 

Lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp, người cầm bia, người cầm rượu vang, vừa chờ vừa uống nên không thấy lâu, đồ ăn ở đây giá cả cũng chấp nhận được. Cả nhóm công ty tôi đi ăn thật ra cũng không đắt hơn vào các quán nhậu, beer club ở thành phố hiện nay là bao”.

Xúc xích Đức kẹp bánh mì Việt

Món ăn Tây còn len lỏi cả vào bữa ăn sáng của người Việt.

Ngày nào cũng vậy, lúc 6g người dân trên đường Hoàng Diệu, Q.4 đã rất quen thuộc với hình ảnh ông Dieter Engele (57 tuổi, người Đức) chạy xe tay ga với lỉnh kỉnh xúc xích, bánh mì dừng lại ở một góc ngã tư và bắt đầu buổi bán hàng của mình, không khác gì những người Việt bán bánh mì, bán xôi buổi sáng gần đó.

Xúc xích được đặt trên một lò nướng nhỏ nằm trên baga xe, bảng thực đơn với đầy đủ hình ảnh, giá cả bằng tiếng Việt treo phủ ngay trước xe và những ổ bánh mì được ông xếp gọn gàng bên trong.

Chị Lan Phương (có con đang học tại Trường THCS Vân Đồn, Q.4) cho biết: “Ở đây một ổ bánh mì xúc xích khoảng 25.000 đồng, xúc xích giòn, chắc, lạ miệng nên mấy đứa nhỏ thích. Với lại ông Tây bán ở đây hiền khô, ít nói nên mình thấy cũng thương, muốn mua ủng hộ”.

Ông Dieter bán từ 6g-20g, mỗi ngày được 70-100 ổ bánh mì kẹp xúc xích Đức. Ông cũng có những nỗi lo lắng không khác gì người Việt bán hàng trên vỉa hè: “Trời mưa khổ lắm, không ai mua hết, hôm đó sẽ phải ăn cơm với xúc xích”.

Với vốn tiếng Anh và tiếng Việt bập bẹ, ông cho biết thêm: “Tôi vốn sống ở Berlin, làm nghề bán hoa. Năm 2003, tôi sang Việt Nam lần đầu và rất thích. Đến năm 2013, tôi quay lại Việt Nam và có bạn gái tại đây, tôi muốn ở lại luôn nên tìm cách sinh sống và nghĩ ra việc bán món xúc xích Đức này.

Bạn gái tôi cũng hỗ trợ tôi nhiều trong việc ghi thực đơn, chỉ cách phối hợp xúc xích Đức với bánh mì Việt Nam cho dễ bán. Tôi rất thích bán hàng lưu động như thế này và hi vọng mình có thể ở Việt Nam suốt thời gian còn lại của đời mình”.

Được biết xúc xích ông Dieter mua tại Việt Nam, còn nước xốt, dưa chua ông tự làm theo công thức từ Đức và một số loại bánh mì, hamburger nhỏ cũng do ông tự tay làm và nướng tại nhà.

Khác với ông Dieter chỉ có một chiếc xe với lò nướng xúc xích nhỏ, anh Klaus Rutt (44 tuổi, người Đức) dù có hẳn nhà hàng Vua Xúc Xích - Leon King chuyên bán xúc xích Đức ở Q.Bình Thạnh cũng vẫn chịu khó bán xúc xích trên vỉa hè với chiếc xe tải nhỏ.

“Tôi chỉ muốn làm món xúc xích Đức đặc trưng của đất nước chúng tôi để mọi người Việt Nam cùng thưởng thức” - anh Klaus nói.

Năm 2007, anh Klaus kết hôn với chị Minh Nguyệt - một người Việt. Cách đây hai năm, anh cùng vợ lập Công ty sản xuất xúc xích Leon King. Toàn bộ nguyên liệu làm xúc xích Klaus nhập từ Đức, rồi tự tay làm ra những cây xúc xích mang mùi vị quê hương, vừa nướng bán lẻ vừa bỏ mối cho các nhà hàng tại TP.HCM.

Mỗi ngày Klaus đứng bán ở góc đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) từ 15g-21g, bán được 200-300 cây xúc xích. Anh nói dù hiện đã sở hữu một nhà hàng kiểu Đức có món xúc xích nướng, anh vẫn sẽ duy trì việc mở thêm các điểm bán xúc xích vỉa hè như bây giờ.

Thêm nhiều quán bình dân

Sài Gòn không thiếu những quán “nhỏ xinh” bán món ngoại nhập hoặc theo công thức nước ngoài do người Việt đứng bán hoặc hợp tác với người nước ngoài.

Có thể kể đến quán bán bánh flan Tây Ban Nha (Q.Gò Vấp), bánh mực nướng Takoyaki Nhật trên đường Nguyễn Thái Học (Q.1), quán sushi Nhật trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5)... Giá của các quán này thuộc loại bình dân nên cả khách Tây lẫn ta đều yêu thích.

Thời gian gần đây, người dân Việt Nam cũng bắt đầu quen thuộc với những kiôt, xe bán gà rán lưu động với thương hiệu Năm Sao (Five Star), vốn là một sản phẩm thuộc Tập đoàn C.P. (Charoen Pokphand Group) của Thái Lan, nhằm đẩy mạnh việc đưa sản phẩm gà của C.P. trực tiếp đến người dân bằng gà rán, gà quay, bên cạnh các sản phẩm thịt gà tươi.

Chỉ với số vốn 4-10 triệu đồng, một kiôt hoặc xe bán gà rán lưu động ra đời với sản phẩm là gà rán, xúc xích, cá viên theo công thức của Thái Lan.

Với cách làm nhượng quyền này, gà Năm Sao xuất hiện trên nhiều đường phố Sài Gòn, kể cả ở các huyện ngoại thành, như một địa điểm ăn uống bình dân, hợp túi tiền với đa số người Việt Nam, đặc biệt là giới học sinh - sinh viên.

Nguyễn Minh Ngọc (sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế TP.HCM, đang ăn cùng nhóm bạn tại kiôt gà Năm Sao trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1) cho biết: “Nếu vào các cửa hàng thức ăn nhanh, giá một miếng gà từ 30.000-50.000 đồng, trong khi tại đây chỉ 20.000 đồng, còn có thêm các món ăn vặt khác hợp với học trò.

Dù ăn ở mấy chỗ này có nóng nực và nắng gió bụi đường, chật chội nữa nhưng vì rẻ nên tụi mình hay chọn chỗ này họp mặt lắm”.

 

ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp