26/10/2015 18:32 GMT+7

Lẩu cá linh mùa nước muộn

MINH ĐỨC
MINH ĐỨC

TTO - Năm nay lũ về muộn, đầu tháng 10, những con sông vẫn mới xăm xắp nước. Để thỏa lòng mong ước, chúng tôi phải đến tận rừng tràm Trà Sư để tìm ăn cho được món lẩu cá linh đặc sản mùa nước nổi.

Lẩu cá linh kèm với bún và cơm... - Ảnh: Minh Đức

Nghe danh món ăn nổi tiếng đã lâu, chúng tôi quyết định phải thử món lẩu cá linh bông điên điển khi tới miền Tây. Mà ăn cá linh thì phải ăn đầu mùa, khi cá linh chưa lớn quá và xương chưa cứng, kích thước chỉ bằng ngón tay.

Cứ vào mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, những ngư dân trên các đoạn thượng nguồn của hai nhánh sông Tiền và sông Hậu lại rủ nhau đi bắt cá. 

Đặc biệt, cá linh chỉ tìm thấy nhiều ở các tỉnh thượng lưu, rất hiếm gặp ở các tỉnh hạ lưu, vì vậy muốn thưởng thức lẩu cá linh ngon, du khách phải đến các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... nơi mùa nước về cá linh bơi lội khắp kênh, rạch, sông, hồ, cả trong những cánh đồng ngập nước.

Ngày xưa, khi mùa nước nổi về, cá linh lại bơi từng đàn lớn về hạ nguồn sông Mekong. Giờ đây, con nước sông Cửu Long buồn tênh khi nhìn từng đàn cá thưa thớt dần. Có người nghĩ, rồi cá linh sẽ chỉ còn trong nỗi nhớ của người dân về mùa nước nổi…

Đầu mùa, cá linh được bán ở hầu khắp các chợ Đồng Tháp, An Giang với giá chỉ 15.000-30.000 đồng/kg. Càng về cuối mùa càng rẻ, do cá linh trưởng thành xương cứng hơn và người dân mua về chủ yếu chỉ để làm mắm.

Năm nay lũ về muộn, đầu tháng 10, những con sông vẫn mới xăm xắp nước. Những vạt rừng tràm trơ rễ, bong ra từng lớp thân cây đầy dầu. Lũ về muộn nên chúng tôi cũng không tìm được quán lẩu cá linh nào ở Châu Đốc. 

Cuối cùng, cả nhóm quyết định đi tới Trà Sư vì nghe nói nhà hàng ở đây lúc nào cũng có món lẩu cá linh phục vụ du khách.

Tới Trà Sư đôi ba lần, vẻ đẹp của những cánh rừng tràm luôn làm tôi choáng ngợp. Sau khi tham quan rừng tràm bằng xuồng máy và tản bộ qua con đường đất nhỏ, cả nhóm có mặt tại nhà hàng nhỏ giữa rừng tràm.

Chủ nhà hàng thiết kế những làn nhỏ cạnh bờ kênh, thích hợp cho khách vừa ăn vừa ngắm nhìn và tận hưởng khung cảnh mát mẻ khu rừng. May mắn cho chúng tôi là món lẩu cá linh hôm nay vẫn còn.

Đĩa cá linh với những con cá nhỏ, to bằng ngón tay út, màu trắng ánh bạc - Ảnh: Minh Đức

Do cá linh về chưa nhiều nên cá còn non. Cá nhỏ cỡ ngón tay út, thân có màu trắng sáng, đặc biệt bụng nhiều mỡ nên khi ăn có vị béo. Khi ăn cá linh cứ để nguyên con nên người chế biến chỉ cần làm sạch, không cần đánh vảy và bỏ hết phần ruột ra ngoài.

Bên cạnh đĩa cá linh bắt mắt là nồi nước dùng đang dần bốc hơi nghi ngút và đĩa rau. Nhắc tới lẩu cá linh bông điên điển thì không thể không nhắc tới loại hoa như “linh hồn” của món ăn: bông điên điển.

Bông điên điển mọc quanh các bờ mương, bờ sông thành từng khóm lớn khi mùa nước về. Những bông hoa vàng tươi màu nắng, chẳng cần bàn tay người chăm sóc mà vươn lên mạnh mẽ.

Thưởng thức bông điên điển phải từ từ nhai và cảm nhận. Khi vị hơi chát tan đi trong miệng, vị ngọt dịu nhẹ, thanh và trong của loài hoa này sẽ lan đều trong vòm miệng, đánh thức mọi giác quan.

Có thể nói, cả nồi lẩu như bản hợp ca của đồng quê sông nước. Tất cả đều là sản vật của dòng nước lũ ban cho người dân miền Tây: cá linh, bông điên điển, bông súng, đậu bắp, ngò gai... 

Thứ nước dùng thơm ngọt kia cũng được chắt lọc từ hương vị ngọt thơm của nước dừa tươi, vị chua mà cảm tưởng như mềm mại làm sao, đi kèm với những hương liệu khác như chanh, tỏi, ớt, tiêu... 

Bông điên điển và các loại rau ăn kèm món lẩu cá linh - Ảnh: Minh Đức

Nước vừa sôi, bạn tôi nhanh tay trút cá linh vào. Cá linh nhanh chín nên chỉ vài phút sau là có thể ăn được. Thịt cá linh mềm, có màu trắng và rất ngọt. Nồi nước dùng cũng vì thế mà đậm đà hơn.

Bông điên điển vừa gặp nước đã mềm và ngọt. Đậu bắp giòn, sần sật, ăn kèm với cọng bông súng mềm, xốp. Lẩu cá linh ăn nóng, cá cho vào thì vớt ra ăn ngay càng ngon. Nếu thích có thể chấm với muối ớt và chanh.

Lẩu cá linh có thể ăn kèm với bún hoặc cơm nóng. Nếu muốn thưởng thức thêm các món ăn đặc trưng của vùng sông nước, có thể thử các món như cá lóc nướng trui, cá kho tộ, lươn om… Những món ăn dân dã, bình dị như những người dân Nam bộ hào sảng, phóng khoáng.

Rời Trà Sư, hương vị của món cá linh bông điên điển vẫn theo tôi trên chuyến xe về Sài Gòn. Hương vị của món ăn là chất thơ của đồng quê, vẻ hồn hậu của đất và người Nam bộ.

Chợt bâng quơ nghĩ đến những năm sau này, khi các hồ nước ở thượng nguồn bị chặn, các con đập được xây nhiều hơn và lối khai thác tận diệt cá con, liệu thế hệ con cháu chúng ta còn được thưởng thức cá linh khi mùa nước về?

Hay liệu mùa nước nổi cũng chỉ còn lại trong những ký ức xưa?

MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp