Nhà hàng Tây Nguyên với những món ăn đặc sản gà nướng lá é kết hợp với cơm lam, xúp gà cải thảo và tráng miệng bằng mía hấp gừng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Nhà hàng Tây Nguyên (Kon Tum) mang đến cuộc thi toàn những đặc sản của vùng đất Tây nguyên với thực đơn gồm tam ba chứng kiến, cá anh vũ nướng ống tre xốt lá ngãi cứu, gà nướng lá é kết hợp với cơm lam, xúp gà cải thảo và tráng miệng bằng mía hấp gừng.
“Chúng tôi muốn giới thiệu món truyền thống gia truyền của mình và cũng là những món ăn nổi tiếng của vùng đất Tây nguyên để mọi người cùng biết” - đầu bếp Trịnh Xuân Kỷ chia sẻ.
“Mở màn” là món khai vị trứng kiến - một đặc sản của vùng đất bắc Tây nguyên với chất dinh dưỡng rất cao, đặc biệt tốt cho phụ nữ giúp họ có một làn da đẹp. Còn cá anh vũ - một loài cá đặc biệt sống chủ yếu ở vùng nước sông chảy ngược trong khe đá lớn ở Sa Thầy, Kon Tum nên thịt rất săn chắc, thơm ngon - thì nướng ống tre xốt lá ngải cứu.
“Một lần tôi thấy đồng bào dân tộc Xê Đăng bắt loài cá này về chế biến món nướng ống tre nên đã học theo. Có cải biên là thêm lá ngải cứu vào để tạo nên hương vị khác lạ” - đầu bếp Kỷ cho biết.
Riêng món cơm lam với chất liệu gạo đã được ngâm 16 giờ, sau khi bỏ vào ống thì cho thêm một ít mỡ gà để cơm thơm, màu đẹp mắt hơn.
Và kết thúc bàn tiệc là đặc sản của vùng đất xứ Nghệ: mía hấp gừng - một “cái kết” ngọt ngào, thơm thảo vị ngọt của mía quấn quyện trong mùi thơm của gừng. Món tráng miệng này cũng là sự giao hòa ẩm thực của vùng đất Bắc Trung bộ và cao nguyên.
Món cá niên phi lê cuộn sả của khách sạn Cẩm Thành, Quảng Ngãi - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Khách sạn Cẩm Thành (Quảng Ngãi) của đầu bếp Nguyễn Minh Hiển mang đến cuộc thi toàn những nguyên liệu và món ăn đặc sắc vùng biển Quảng Ngãi.
Đó là rong biển đặc hữu chỉ có ở vùng biển Lý Sơn dưới những rặng đá ngầm. Hay con don ở vùng nước lợ trên sông Trà có vị ngọt, thanh mà mỗi khi có dịp đến Quảng Ngãi phải xì xụp húp cho được một tô don cay xòe, ngọt thanh kèm bánh tráng xứ Quảng.
Và một đặc sản khác của vùng đất này là cá niên, chỉ sống ở suối trên vùng núi của Quảng Ngãi. Đặc biệt là ruột cá niên với cái vị đắng nhẫn kết hợp với sả tạo nên món ăn thơm, vị lạ.
Món cá niên phi lê cuộn trái sả đẹp đẽ trên “bàn tiệc”, cá vừa được nướng chín tới tỏa ra mùi hương ngào ngạt, hòa thêm mùi hương của sả khiến người thưởng lãm cũng thèm thuồng.
Lâu nay cá niên vẫn được cư dân địa phương xem là đặc sản dùng để khoan đãi khách quý phương xa.
Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê (Đắk Lắk) với những món ăn đậm đà bản sắc Tây nguyên - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Đội Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê (Đắk Lắk) của đầu bếp Lê Văn Chuyền đã kỳ công lặn lội đi tìm những gia vị mới cho món ăn của mình như cà gai cho món canh cá lăng, đọt mây, lá bét, hoa phượng vàng để trang trí.
Chuyền cũng không quên mang theo rất nhiều bơ "đặc sản" để làm nguyên liệu chế biến cho món chả giò bơ và chè bơ lá cẩm.
Đặc biệt nhất trên mâm tiệc của đầu bếp Chuyền chính là món canh ống thụt. Món canh được bào chế, kết hợp của những nguyên liệu thiên nhiên lấy từ trên rẫy, trên rừng như rau, củ, quả cho đến cá suối, thịt nuôi vườn nhà.
Chuyền chia sẻ đây là món ăn truyền thống đặc biệt thơm ngon, bổ dưỡng và hấp dẫn của đồng bào M'Nông ở tỉnh Đắk Nông.
“Bàn tiệc” của nhà hàng Tây Nguyên - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận