02/12/2015 16:30 GMT+7

Đà Lạt, có một mùa hồng...

TRÂN DUY
TRÂN DUY

TTO - Mùa này ngao du xe máy những con đường phủ mờ đất đỏ trong cái lạnh đầu đông xứ mù sương, lấp lánh trong nắng là những trái hồng thắp lửa trên cành.

Hồng ăn liền tại vườn thì không còn gì thú vị bằng - Ảnh: Thu Anh

Còn nhớ cách đây không lâu, thông tin trên báo nói về giá hồng Đà Lạt bị rớt giá mạnh, hồng giòn, hồng trứng các loại thu mua từ nhà vườn giá chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Tại khu vực trồng hồng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng là thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương và khu vực xã Xuân Trường (TP Đà Lạt), giá hồng giòn, hồng trứng các loại được chủ vựa thu mua sỉ từ nhà vườn chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, giảm khoảng 300% so với mức giá đầu vụ.

Cuối tháng 11, đầu tháng 12 (*), mùa của những cơn gió mùa đông, mùa của những cây hồng trụi lá. Mùa đẹp nhất của những vườn hồng Đà Lạt. Lên Đà Lạt ngắm hoa dã quỳ cuối mùa, du khách cũng có thể ghé qua ngắm các vườn hồng đầy trái chín đỏ ở khắp ngoại ô Đà Lạt.

Điện thoại hỏi thăm một người bạn có cửa hàng trái cây và hoa ở D’ran, bạn vẫn tươi vui: "Những loại  hồng rớt giá là loại dở chị ạ, trên Đà Lạt người ta không ăn nữa". Rồi bạn giải thích thêm: "Đó là loại hồng trứng lốc, thịt bở và vị lạt. Chất lượng thấp nên giá rẻ. Hồng loại ngon vẫn bán rất chạy".

Buông điện thoại xuống lại nhớ những chuyến đi về Đà Lạt vào tháng 10, 11.

Mùa này luôn có những cung đường ngao du xe máy qua những vườn hồng đầy trái chín đỏ trên các con đường đi vào xã Xuân Trường (đồi trà Cầu Đất), hay những khu vườn ở gần khu vực dinh III Bảo Đại (đường Triệu Việt Vương, phường 2) vào khu vực đèo Mimosa (đường đèo Prenn cũ)...

Cũng như khu vực D’ran, những con đường êm êm phủ mờ đất đỏ trong cái lạnh đầu đông với nắng vàng rực rỡ. Và lấp lánh trong nắng là những trái hồng thắp lửa trên các cành.

Những vườn hồng đầy trái này, chủ nhân thường để ngỏ cửa. Thậm chí rất vui vẻ đón những du khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm, thưởng thức trái chín tại chỗ và mua về làm quà cho người thân.

Chỉ có điều bạn không nên tùy tiện vào mà không xin phép, cũng như bẻ trái mà không hỏi qua người vun trồng.

Một chủ vườn ở khu vực đèo Mimosa giải thích: "Không phải cứ thấy hồng chín đỏ trên cây là ăn được. Có khi còn chát nên để đó chưa hái. Muốn ăn hồng ngon nên nói qua để được hướng dẫn, chứ người Đà Lạt hiếu khách không tiếc gì vài ký hồng. Vào không hỏi ai, chụp hình tạo dáng rồi bẻ lung tung, về vừa không ăn được lại tạo ấn tượng xấu”.

Những cành hồng trĩu trái trong nắng đầu đông - Ảnh: Trân Duy
Hồng trong vườn cây dọc theo đèo Pren - Ảnh: Trân Duy

Những người Đà Lạt xưa nói rằng cây hồng đến với vùng đất nầy từ nhiều nguồn, theo từng thời kỳ. Nhưng có lẽ chính thức là vào năm 1889, khi người Pháp lập một vườn ươm giống tại khu vực Dankia.

Rồi năm 1933 khi Đà Lạt có đường xe lửa rồi xe hơi, cây hồng được trồng thêm nhân rộng ra. Khoảng năm 1956 cho đến năm 1975 đã có rất nhiều giống hồng Nhật, Mỹ... được đưa về, ươm trồng trên đất Đà Lạt.

Người Đà Lạt xưa thích trồng hồng vì ngoài chuyện sống lâu, ít sâu bệnh. Trước mùa trái sẽ là mùa hoa thơm ngát (mùa hoa thường vào tháng 6, tháng 7), để sau hai tháng bắt đầu kết trái và ửng chín. Mùa hồng chín rộ nhất là độ cuối tháng 9, tháng 10.

Những người Đà Lạt xưa còn kể ngày xưa trái hồng Đà Lạt khi chín thường có màu vàng cam chứ không phải hồng đỏ như hiện nay. Tùy theo nhà vườn trồng mà cây hồng có nhiều loại và tên cũng khác nhau.

Loại được ưa chuộng là hồng vuông và hồng bánh xe. Hồng vuông trái to, ăn giòn và ngọt. Còn hồng bánh xe khi chín ăn vừa dẻo, vừa ngọt vừa thơm vị đường. Nhưng muốn ăn từ trên cây thì phải để cho trái chín thật chín, còn nếu không sẽ bị chát. Chính vì thế hồng tươi ở Đà Lạt ngày xưa thường ít có, chỉ có hồng khô và hồng sấy.

Còn ngày nay, cây hồng Đà Lạt có rất nhiều giống và chủng loại mới. Nhưng gọi chung lại có hồng nước, gồm các loại hồng dẻo, hồng dai (còn gọi là hồng trứng vì trong thịt có nhiều nước). Loại này thường ăn tươi, ép nước, ngâm rượu và cả làm giấm hồng (loại giấm dành cho các món rau trộn Đà Lạt).

Hồng giòn, loại được ưa chuộng nhất, còn được gọi là hồng vuông, hồng chén hay còn gọi là hồng ngọt. Loại này đang bị những trái hồng Trung Quốc to tướng, vuông vắn mạo danh. Tuy bên ngoài bóng loáng ngon mắt, khi chín mang sắc vàng cam nhưng ăn vào vẫn chát, thậm chí chát ngắt.

Những người Đà Lạt mến khách còn dặn chớ ham rẻ mua hồng bao đổ đống ven các con đường lộ, nơi có nhiều xe chạy. Đa số là hồng dạt, khó để lâu và không ngon.

Nếu mua hãy vào vựa, hay muốn mua nhiều nên nhờ người địa phương mua lại lò. Chất lượng sẽ ngon hơn, giá cũng không chênh nhau bao nhiêu.

Hồng vuông, loại dùng ép làm hồng khô cuối mùa - Ảnh: Trân Duy

Hồng giòn - đặc sản Đà Lạt cuối thu đầu đông

Khoảng mươi năm trở lại đây, người Đà Lạt chuyển sang thu hoạch các loại quả hồng khi trái vừa già (da đang chuyển dần sang màu vàng) và chế biến thành hồng giòn. Vừa dễ vận chuyển, vừa để lâu không úng hư, ăn lại rất ngon ngọt.

Cách chế biến cũng rất đơn giản. Quả hồng được hái từ trên cây xuống, sau đó được lựa lại thật cẩn thận, những quả bị trầy xước sẽ chuyển sang làm hồng khô, hồng sấy. Còn những quả đẹp, lành lặn sẽ được đem ủ làm hồng giòn.

Khi ủ không dùng nước vôi, chỉ cần cho hồng vào túi nilông trắng, sạch rồi cột chặt để khoảng 10 ngày, trái sẽ mất hẳn vị chát, chỉ còn lại vị giòn ngọt vừa ăn. Đây cũng là loại hồng giòn với vỏ xanh ửng, trái nhỏ vừa vào mùa tháng 9 - 10 vẫn được bày bán khắp chợ Đà Lạt.

(*) Tôi đã "dừng" lại khá lâu để gởi bài này, một lý do là không muốn có những vườn hồng tan hoang vì bước chân du khách. 

 

 

 

 

TRÂN DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp