Một cửa hàng bán bánh giầy của làng - Ảnh: Trần Trang |
Nhà nào cũng có chồng bánh giầy để ven đường quảng cáo. Bắt gặp cảnh tượng đó chẳng ai không đoán được đó là đặc sản của làng.
Một lần đi từ Nam Định lên Hà Nội, lỡ giờ cơm trưa tôi tạt vào cửa hàng bánh giầy ven đường nghỉ chân uống nước và ăn tấm bánh lót dạ.
Lúc đầu chỉ định thử xem bánh giầy ở đây có gì mà nhiều người khen ngon đến vậy. Ấy thế mà ăn một lần nhớ mãi, đến nỗi sau này lần nào đi qua tôi cũng tạt qua hàng chị chủ hàng quen mua một vài tấm bánh về ăn dần.
Gọi là một tấm bánh, nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài. Bên trong mỗi tấm bánh là sáu cái bánh nhỏ xếp khéo léo để khi gói tạo thành hình vuông vức, hoàn hảo giống như tấm bánh chưng ngày tết.
Tấm bánh giầy xanh mướt kèm chữ song hỉ đẹp mắt - Ảnh: Trần Trang |
Mua nhiều dần thành quen và cũng có nhiều dịp “buôn” chuyện, tôi mới biết mỗi tấm bánh giầy giá chỉ 20.000 - 25.000 đồng nhưng phải qua nhiều công đoạn vất vả.
Dân làng ở đây nhà nào cũng phải dậy từ tờ mờ sáng để làm bánh. Trong khi gạo nếp và đỗ xanh dề được ngâm từ đêm hôm trước. Lá dong cũng đã rửa sạch ráo nước. Các khâu này được chuẩn bị trước để hôm sau mọi thứ phải sẵn sàng cho ra những tấm bánh mới, thơm.
Để bánh ngon và dẻo, khâu quan trọng nhất phải chọn được loại gạo nếp ngon. Gạo nếp đồ thành xôi rồi mới đem ra nghiền thật mịn. Nhân bánh quyết định loại bánh. Thường có ba loại bánh chay, bánh mặn và bánh ngọt.
Nếu ăn bánh chay hay ăn với giò thì bánh giầy đơn giản chỉ gồm gạo nếp, không nhân. Người ăn chỉ cần thưởng thức vị dẻo ngọt của gạo nếp thơm nguyên chất.
Nếu là bánh ngọt thì có nhân đỗ xanh xào đường và ít dừa. Ăn bánh này sẽ nhớ mãi vị ngọt bùi của dừa, đậu hòa quyện vào nhau thơm và bùi.
Bánh mặn có lẽ nhiều người yêu thích hơn bởi nhân có thịt ba chỉ, hạt tiêu, muối rất dễ ăn. Thịt ba chỉ có vị ngậy nhưng không ngán bởi có hạt tiêu cay thơm lừng và muối lẩn khuất trong nhân đỗ xanh bở bùi.
Đổ hỗn hợp nhân bánh vào một nồi to rồi đảo nhanh mạnh đến khi các gia vị hòa quyện vào nhau. Một người nặn nhân bánh. Một người lồng nhân vào vỏ bánh và một người gói bánh. Tất cả đều được làm khẩn trương cho kịp giờ bán.
Sáu chiếc bánh nhỏ được xếp gọn thành một tấm bánh lớn - Ảnh: Trần Trang |
Dù làng nghề làm bánh giầy đã xuất hiện hàng trăm năm nay nhưng vẫn thu hút khách khắp nơi đổ về. Nhiều gia đình ở tận nội thành Hà Nội vẫn xuống làng để đặt mua trong những dịp cưới xin hay lễ lạt.
Bánh hợp với tất cả lứa tuổi vì bánh mềm dẻo mà không dính răng. Ăn lâu vẫn không ngán. Vì vậy, nếu ngang qua Thường Tín một lần, bạn hãy thử chọn bánh giầy Quán Gánh làm điểm dừng chân, bạn nhé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận