Miếng ngon ở Paris, Ý, Ả Rập, ở New York, Trung Đông hay ở Phi châu... tôi đều đã từng nếm, và rồi nhận ra rằng đồ ăn Việt Nam, ra khỏi biên giới vẫn ngon, rất ngon là đằng khác, vì đượm thêm sự thèm thuồng thiếu thốn và nỗi buồn tha hương.

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 1.

Cannes, thành phố nằm trên bờ Địa Trung Hải này thanh lịch không phải chỉ ở đại lộ De la Croisette, uốn cong dọc theo bờ biển với những cửa hàng xa xỉ và các khách sạn nguy nga hay Allée des Étoiles - con đường danh vọng của Cannes... mà còn ở những con phố nhỏ nhắn khuất nẻo, vắng bóng khách du lịch mà tôi yêu vô cùng...

Mỗi lần tham dự ILTM Cannes (ILTM: International Luxury Travel Market - Sự kiện thường niên của ngành du lịch Luxury tại Cannes, Pháp), tôi thường xén chút thời gian rảnh rỗi để thả bộ quanh những con phố êm đềm bóng cọ này.

Hơn chục năm trước, tôi hay ghé một tiệm nhỏ bán hải sản xuềnh xoàng ngay trên hè phố này. Nó làm tôi nghĩ đến mấy quán ốc vỉa hè ở Việt Nam.

Đặc sản ở Cannes phải kể đến món xúp cá bouillabaisse, có nguồn gốc xa xưa từ các mạch lô - thủy thủ thành phố Marseille.

Ngon cũng vì được nêm nếm với nhiều loại thảo mộc và gia vị, không khác gì canh chua ở nhà mình, phong phú đủ loại rau, mỗi miền mỗi khác.

Nhưng khoái khẩu của tôi là một mâm to kềnh càng nghêu sò ốc hến tươi rói ở đây - mâm chứ không phải đĩa.

Những thứ này được chế biến đơn giản chỉ với hai món xốt chấm: hành - dầu giấm hoặc mayonnaise. Ngon thì cũng ngon, nhưng không thể làm nguôi nỗi nhớ ốc bươu chấm nước mắm gừng cay xè thơm mùi sả.

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 2.

Nghêu Việt Nam

Tại cái quán nghêu sò ốc hến này, tôi đã gặp một người Đà Lạt tha hương. Anh gốc Hoa, sanh tại Chợ Lớn, lớn lên ở Đà Lạt, mấy mươi năm rồi chưa quay về quê cũ.

Ở đây có lẽ ít người Việt, gặp tôi, anh mừng mừng tủi tủi, lập cập hỏi chuyện bằng tiếng Việt đã ít nhiều phôi pha: "Đường Trần Hưng Đạo, chỗ cái "mái bai" trực thăng "té" xuống, giờ còn đó không?"...

Đời người có mấy lần hạnh ngộ vẹn tròn. Cố nhân "mái bai" giờ không biết nơi nao...

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 3.
Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 4.

Bánh mì Việt Nam

Tôi đạo bánh mì. Mỗi lần về Sài Gòn, đầu tiên là phải đi lùng mấy xe bánh mì thân quen. Bánh mì bình dân ở mấy xe vỉa hè thôi, không phải loại quý tộc gì đó mà nghe nói thời giá năm nay đã lên tới sáu, bảy chục ngàn, bằng mấy tô phở của giới cần lao.

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 5.

Bây giờ, bánh mì quận 13 trăm hoa đua nở chớ hồi trước, có mỗi tiệm Thieng Heng là đình đám nhất, đúng vị nhất.

Ổ bánh mì baguette Pháp đặc ruột vừa phải, cắt xéo vứt hai đầu bánh đi (tiếc hùi hụi), nhét nhân thịt xá xíu tẩm ướp màu đỏ viền tí mỡ, chả lụa cùng với cà rốt ngâm chua hài hòa, thanh nhã vừa đủ. Giờ thì Thieng Heng lịch sự hơn nhiều chứ hồi đấy chỉ độc một cái xe nép vào vỉa hè.

Từ đường xe điện ngầm chằng chịt thiên la địa võng dưới lòng đất Paris, qua ga Lyon (đèn vàng) rồi trồi lên, là đúng ngay con đường d'Ivry, mà cứ gọi vống lên là đại lộ - avenue. D’Ivry mùa hè sầm uất và vui mắt, mùa đông ướt át, trời thấp và xám ngắt, nhưng mùa nào cũng đầy rác rến, người và xe tải tấp nập đổ hàng vào những tiệm thực phẩm của người Hoa.

Trên hè phố nhớp nháp, thực khách của Thieng Heng co ro đứng xếp hàng mua bánh mì trong màn mưa lất phất, cũng nhiều khi chỉ vì "miếng (ăn là miếng) tồi tàn"!

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 6.

Bánh mì Thieng Heng Paris

Thú thiệt, phở (đại chúng) Paris dở òm, nhưng bánh mì thì ngon và duyên đủ để dẫn dắt ký ức quay lại Sài Gòn.

Hơn 20 năm trước, một cuối tuần đáp tàu cao tốc Thalys từ Bruxelles sang Paris, ung dung gặm ổ bánh mì rồi leo lầu sang Thúy Nga ngay sát bên, ngắm bà Marie Tô kiêu kỳ ngồi quầy, giọng sang sảng mắng một ông khách lơ ngơ nào đó trót dại hỏi về một cuộn video chưa kịp ra: "Em đứng ngay giữa Thúy Nga Paris mà dám hỏi vậy đó hả?!".

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 7.
Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 8.

Rời Việt Nam, ký ức mang theo làm khổ tì vị tôi nhất là đồ ăn ngoài cổng trường, thuở học trò.

Sau mấy ngày lang thang khắp thành phố Jerusalem, tôi tự thưởng cho mình một buổi chiều rảnh rỗi, ôm quyển sách ra công viên lá rơi ngồi đọc.

Khu này thuộc về lãnh thổ Palestine, hoàn toàn vắng bóng khách du lịch, chỉ có người địa phương lai vãng và bọn trẻ con tung tăng đi học.

Bạn đồng hành của tôi không thuộc dân mọt sách, nghiêng ngó sục sạo xung quanh một hồi rồi quay lại khều tôi, mắt sáng ngời: Ê, phá lấu!

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 9.

Phá lấu Sài Gòn

Tôi bán tín bán nghi, tìm đâu ra phá lấu (heo) ở cái khu Hồi giáo này? Mà quả thật! Một ông già bên cái xe đẩy tàng tàng cũ kỹ đậu khuất trong góc công viên.

Ông bán món phá lấu gia giảm thế nào đó mà hương vị không khác gì phá lấu vỉa hè Sài Gòn, chỉ thay ổ baguette bằng bánh mì dẹp taboon truyền thống của dân địa phương, nướng trong lò củi mà con mắt vệ sinh thực phẩm khe khắt phải chùn bước. Nhưng tôi bất chấp!

Ngôn ngữ bất đồng, hai bên trao đổi thông tin bằng hình vẽ, bằng tay chân, tôi hiểu là, lòng này từ dê. Khuya ông đã thức dậy nổi lửa, rồi đẩy xe đi bán lòng vòng ở quận này đã hơn ba mươi năm nay.

Kể từ buổi chiều đó, hai đứa tôi thành bạn thân thiết của ông. Ngày nào họp xong, dự tiệc trưa, tiệc chiều qua loa cho rồi chuyện để chạy vội ra, hóng nụ cười móm mém của ông già cùng dĩa phá lấu lòng dê bốc khói.

Ngày họp cuối cùng, tôi định bụng sẽ đến "hốt hụi" phá lấu dê cú chót và mua thêm một ít mang về Bỉ ăn tiếp nữa. Nhưng ở góc công viên chờ mãi, chờ mãi, vẫn không thấy ông già phá lấu đâu. Bịnh chăng? Đành ngậm ngùi rời đất thánh bay về Bỉ với cái bụng rỗng!

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 10.

Rồi mùa hè kế đó, tôi đi công tác ở quốc đảo Mauritius, cộng đồng Pháp ngữ gọi là L'île Maurice, nằm ngoài khơi bờ biển phía đông nam của lục địa châu Phi. Buổi sáng đó, sau khi xong việc ở một resort trên đảo, vừa bước chân ra cổng, tôi phát hiện xe bán há cảo đằng sau cây phượng vĩ.

Chủ nhân là một ông già Tàu, ông nội bà ngoại của ông lưu lạc từ Triều Châu tới đây từ thời khai hoang đồn điền, mấy đời rồi con cháu chưa có dịp quay về nguyên quán.

Như mọi dân đảo, ông nói thổ ngữ Creole, thêm chút tiếng Anh và Pháp (rất khó hiểu), nhưng vẫn giữ được tiếng Hoa, bắt buộc phải dùng trong gia đình từ hồi nhỏ, ông kể.

Há cảo của ông hấp trong xửng tre, rẻ tiền, viên bé xíu bằng đốt ngón tay, loại quà vặt bán cho con nít ở cổng trường, bột nhiều hơn nhân. Tôi bất chấp thể diện khách mời, sà ngay xuống hàng ăn liền hai dĩa.

Vừa ăn vừa trò chuyện với ông già Tàu bằng đủ thứ tiếng, kể cả tiếng Tàu bập bẹ, làm tôi tưởng như mình đang ăn vặt ở xe hàng vỉa hè Chợ Lớn.

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 11.

Há cảo Chợ Lớn

Bao nhiêu nước đã qua cầu... Mauritius không nằm trong ký ức tôi như một điểm đến xa hoa cho dân nhà giàu châu Âu đi trốn tuyết, mà chính là dĩa há cảo nhỏ xíu chiều hôm ấy với nụ cười hồn hậu của ông già Tàu cũng xa quê như tôi.

Ẩm thực dọc đường tha hương - Ảnh 12.

Chân ái ẩm thực nơi đâu?

Những món ăn quả là có sức sống diệu kỳ, lưu lạc khắp nẻo trên địa cầu, ở mọi xó xỉnh mình không ngờ tới nhất.

Nếm đủ món ngon nơi xứ người, đủ loại trái cây khắp địa cầu, thấy món nào cũng hơi giống với những món ăn vặt hồi còn đi học.

Giống mà dường như vẫn thiếu cái hương vị vỉa hè quê nhà. Cái chân ái ẩm thực đơn giản và hiển nhiên đó, tuổi đời càng chồng chất, càng biểu hiện rõ rệt.

Với tôi, để thấy những món ăn quê nhà đó ngon thật, thỏa mãn hết tất cả các giác quan của mình, thì phải được ăn ngay trong lòng Sài Gòn, Huế, Hà Nội...

Phải nhấp chén trà ở Hội An, duỗi chân ngồi uống bia vỉa hè Sài Gòn, xắn miếng bánh nậm cay xè bên bờ sông Hương...

Ăn ở xa, nó mất đi cái hương vị của đời sống tại chỗ, hằng ngày, cái bụi bặm, cái nồng nàn và sự thiết tha... Senses of place!


LÊ MINH NGUYỄN
NGỌC THÀNH
13-7-2022
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp