Sự nghiệp của Ellie Goulding khởi sắc không phải từ khi cô hát quảng cáo cho John Lewis - Ảnh: Getty Images
1 Thay vì bàn cãi xem liệu Min có đạo nhạc của Đông Nhi trong Hòa nhịp Giáng sinh - một MV ca nhạc với mục đích truyền thông cho một thương hiệu lớn, chúng ta có thể nhìn ca khúc này theo một góc độ khác: sự giao thoa của nền âm nhạc giải trí và quảng cáo.
Không riêng Min, Trúc Nhân cũng mới phát hành ca khúc Thấy Tết lớn, mừng Tết lớn cho một nhãn hàng điện tử.
Còn chuỗi ca khúc Đi để trở về của Soobin Hoàng Sơn mỗi dịp cuối năm thì từ lâu đã gắn liền với thương hiệu một hãng giày dép.
Xem trên tivi, bạn cũng có thể bắt gặp rất nhiều bài hát được biến tấu để thành nhạc quảng cáo, như Ước gì của Mỹ Tâm cho một hãng giải khát, Bống bống bang bang của 365daband cho một hãng mỹ phẩm, Nhớ về Hà Nội do Hồng Nhung thể hiện cho một hãng phở ăn liền.
2 Mùa xuân năm 1988, huyền thoại Neil Young phát hành một album mang tên The note’s for you, nhại lại một câu slogan nổi tiếng của Hãng bia Budweiser là The Bud’s for you.
Và ngay ca khúc chủ đề, Young viết: "Không hát cho Pepsi / Không hát cho Coke / Không hát cho ai / Thành ra giống như thằng ngốc / Nốt nhạc này là cho bạn".
Đó là thời của Young. Còn hiện tại, âm nhạc và chủ nghĩa tiêu dùng sáp nhập vào nhau nhanh chóng.
Một trong những nguồn thu lớn nhất của các ca sĩ hiện đại đến từ "đồng bộ âm nhạc" (music synchronization) - một cụm từ chỉ việc đưa các bài hát vào sản phẩm nghe nhìn như phim ảnh, trò chơi điện tử và tất nhiên, quảng cáo.
Nhất là vào dịp Giáng Sinh, năm mới (hay ở các nước Á Đông là tết), thời điểm nước rút của nhiều chiến dịch quảng cáo và cũng là đỉnh điểm của mùa tiêu dùng, bạn sẽ càng thấy rõ hơn sức ảnh hưởng của quảng cáo lên âm nhạc.
Như một truyền thống, hằng năm cứ đến tầm này, chuỗi cửa hàng xa xỉ John Lewis tại Anh lại tung ra một đoạn quảng cáo với giai điệu một bản nhạc cũ.
Từ sau thành công của đoạn quảng cáo năm 2007 với bản cover ca khúc Somewhere only we know của Lily Allen (bài hát có 3 tuần xếp số 1 bảng xếp hàng đĩa đơn tại Anh), bất cứ ca sĩ nào cũng mong muốn có một "suất" hát quảng cáo cho John Lewis.
Thậm chí, sự nghiệp của Ellie Goulding đã khởi sắc không phải từ khi cô hát nhạc phim cho 50 sắc thái, mà từ khi cô hát Your song (bản gốc của Elton John) cho John Lewis năm 2010.
3 Đồng bộ hóa âm nhạc vẫn sẽ là xu hướng trong tương lai, khi các lĩnh vực giải trí, kinh doanh đang hội tụ để cùng định hình văn hóa đại chúng.
Nếu nói rộng hơn, không giới hạn trong phạm vi quảng cáo thì chẳng phải việc sử dụng Có chàng trai viết lên cây của Phan Mạnh Quỳnh trong Mắt biếc cũng là một hình thức đồng bộ?
Video ca khúc này mà êkip Mắt biếc tung ra đạt tới hơn 2 triệu lượt xem chỉ trong vài ngày. Không chỉ bộ phim được lợi, mà bản thân bài hát cũng có thêm một vòng đời.
Vẫn trong ca khúc This note’s for you, Neil Young sau khi tuyên bố mình không liên quan gì tới những nhãn hàng, mình không cần tiền và chỉ viết nhạc cho mọi người, ông hát tiếp đầy tự hào: "I’ve got the real thing", tạm hiểu là tôi đã có được giá trị thực sự. Nhưng có lẽ, khái niệm về giá trị thực sự đã hoàn toàn thay đổi, trong khi những giá trị khác đã ra đời.
Theo các thống kê của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế, doanh thu từ đồng bộ âm nhạc trên toàn cầu những năm qua liên tục tăng.
Ngày trước, ký một thỏa thuận đồng bộ, hay nói cách khác là thương mại hóa âm nhạc, bị coi là “bán mình cho quỷ dữ”. Giờ đây, những nghệ sĩ đã nhìn điều này theo cách khác và họ nhận ra lợi ích vô song từ việc đồng bộ âm nhạc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận