Phóng to |
Các tình nguyện viên của LIN giúp khách chọn đồ giá rẻ tại cửa hàng - Ảnh: Công Nhật |
Ra đời từ tháng 10-2012 với mô hình gây quỹ bằng cách quyên góp quần áo và bán lại với giá rẻ, cửa hàng Cơ hội thứ hai hiện trở thành người bạn thân thiết của người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn TP.
Một bộ đồ = 1 chén tàu hủ!
“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình. Mừng quá trời! Mua chục bộ quần áo mà chỉ tốn hơn trăm nghìn”, bà Đoàn Thị Nguyễn Phúc vừa cười tươi vừa khệ nệ bưng gói đồ bước ra khỏi văn phòng LIN ở số 180/47 Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Đều bị mất sức lao động sau thời gian dài làm thợ hồ, bà Phúc và chồng hiện chuyển sang kiếm sống bằng nghề may gia công, bảo vệ. “Thu nhập thấp trong khi nhà có tới ba đứa con đang tuổi ăn học nên phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Quần áo của cả nhà toàn do chòm xóm thương cho, tôi chỉ sắm nổi đồ đi học cho con. Không có cửa hàng này thì chẳng biết bao giờ tôi và người nhà mới có dịp mua đồ đẹp như vầy”, bà kể.
Tay thoăn thoắt hớt từng lát tàu hủ, bà Nga (60 tuổi, quê Quảng Ngãi) vẫn không giấu được vẻ xúc động khi nói về cửa hàng Cơ hội thứ hai. “Tui bán tàu hủ ở P.14 (Q.Bình Thạnh), lần đó đẩy xe ngang qua thấy người tụ tập đông quá cũng ghé mắt vào xem. Thấy họ bán đồ giá rẻ, tui định mua tấm áo cho đứa cháu nhưng khách gọi tàu hủ miết nên cứ lật đật chạy ra chạy vô, tưởng không mua được cái áo...”, bà Nga nhớ lại. “Vậy mà cuối buổi tụi nhỏ í ới gọi tôi lại đưa áo và tặng thêm một bộ áo quần bà ba. Tất cả chỉ có 5.000 đồng, giá rẻ như chén tàu hủ...”, bà cười.
Cho là nhận
Đen đúa, gầy gò và thường cọc cạch đi lại trên chiếc xe đạp cũ... Nguyễn Thành Trung (23 tuổi) khiến người đối diện ngạc nhiên khi biết bạn hiện là bí thư liên chi đoàn K52D (ĐH Ngoại thương TP.HCM). “Trung còn là tình nguyện viên duy nhất luôn giành vị trí... giữ xe cho khách và cũng là người luôn đến sự kiện sớm nhất để hỗ trợ sắp xếp bàn ghế, khuân vác đồ”, một điều phối viên tại LIN cho biết.
“Tôi nhớ mãi vẻ mặt rạng ngời của những cô chú lao động, công nhân vệ sinh lần đầu được cầm tấm áo mới trên tay... rồi cảm xúc khi ngồi nghe họ kể về những lát cắt cuộc đời mà người trẻ như tôi khó biết được”, Trung nói. Có lần thấy một chú bán hàng rong tần ngần đứng trước cửa, Trung liền chạy ra đề nghị giữ hộ chú... cọc vé số và giỏ đậu phộng “để chú thoải mái lựa đồ”.
Có thể bắt gặp những tình nguyện viên đam mê công tác xã hội, hết mình vì cộng đồng tương tự Trung ở cửa hàng Cơ hội thứ hai, như bạn Lại Hồng Vy (23 tuổi, khoa Đông phương học ĐH KHXH&NV TP.HCM), Hà Thị Kim Tuyền (21 tuổi, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)... Niềm ham thích tình nguyện quá lớn nên Hồng Vy đã nộp đơn vào vị trí điều phối viên tại LIN và trở thành người quản lý dự án cửa hàng Cơ hội thứ hai dù Vy từng tốt nghiệp hệ cử nhân tài năng với khóa luận đạt 9,5 điểm.
Tình nguyện viên của chương trình hầu hết là sinh viên nên đều rất bỡ ngỡ trước những công việc như liên lạc khắp nơi xin tài trợ đồ cũ, kiểm tra chất lượng và định giá đồ... “Nhiều khi chúng tôi như bơi giữa biển công việc như soạn đồ, phát tờ rơi, quảng bá thông tin đến đúng đối tượng thu nhập thấp...”, Kim Tuyền nhớ lại. Tuy nhiên, Kim Tuyền cho biết chính những áp lực đó đã giúp bạn hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu. “Hiện tôi đã biết cách thẩm định giá, nghiên cứu thị trường và tự tin vào bản thân hơn”, bạn nói.
Tất cả mặt hàng tại cửa hàng là đồ mới 80% và có chất lượng tốt nhưng đem về đây dao động chỉ từ 5.000-20.000 đồng/sản phẩm (ngoại trừ một số mặt hàng mới 100% do được tài trợ có giá 50.000 đồng) nên các tình nguyện viên cũng từng e ngại việc hàng tới tay không đúng đối tượng. “Nhưng rất may mắn là những người khá giả tìm đến cửa hàng sau đó lại trở thành cầu nối hoặc quay lại với tư cách nhà tài trợ. Vậy là cửa hàng đã lan tỏa yêu thương một cách hiệu quả, điều đó khiến chúng tôi càng thêm ấm lòng”, Hồng Vy nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận