Du khách Nga gặp khó khăn khi nhiều quán ăn đóng cửa, nay thích thú khi nhận những suất cơm "free" - Ảnh: MINH CHIẾN
Cứ đúng 7h sáng, nhân viên nhà hàng Tuấn lại "nổi lửa" nấu hơn 300 phần ăn, mỗi phần có giá là 30.000 đồng. Mỗi suất cơm đảm bảo dinh dưỡng với canh, đồ mặn, trái cây tráng miệng được thay đổi từng ngày.
Khẩu phần ăn luôn được đảm bảo vệ sinh, chất lượng - Ảnh: MINH CHIẾN
Trước khi cho cơm canh vô hộp, các nhân viên và tình nguyện viên rửa tay sát khuẩn, đeo bao tay và bịt khẩu trang.
Đến 10h30 sáng, những suất cơm miễn phí được đặt gọn lên bàn. Như thường lệ, vào giờ trên có nhiều người nghèo, công nhân, tài xế Grab... gặp khó khăn trong mùa dịch đã tập trung đến đây để nhận những phần cơm trưa.
Để đảm bảo an toàn cho mọi người cũng như người phát cơm, chốc chốc lại có nhân viên yêu cầu mọi người đứng giãn cách với nhau và phải đeo khẩu trang mới nhận được cơm. Những người nhận cơm chung quy là những người nghèo, thu nhập thấp hoặc không có thu nhập, đặc biệt những suất cơm miễn phí còn được trao cho các vị khách Nga đang làm việc ngắn hạn hoặc bị mắc kẹt tại TP Nha Trang.
Chị Fedorova (37 tuổi), du khách Nga, chia sẻ: "Thật bất ngờ khi tôi nhận được những phần cơm miễn phí từ các bạn. Từ khi có lệnh cách ly, các nhà hàng, quán ăn đóng cửa khiến tôi rất khó khăn trong việc tìm kiếm địa chỉ ăn uống. Cảm ơn những người bạn đáng mến".
Ông Nguyễn Đại Thiện (61 tuổi, quê Kon Tum), làm nghề đạp xích lô, có mặt tại nhà hàng từ sớm. Cầm suất cơm trên tay, ông xúc động kể: "Từ ngày có dịch đến nay, tôi chả đi được chuyến nào, khách du lịch thì về nước hết. Ngay cả tiền ăn tôi còn không có, lấy đâu tiền mua vé về quê. May có nơi từ thiện này để cho tôi cùng mấy anh em khác có cái ăn vào buổi trưa, tối thì tôi ăn tạm bánh mì".
Vừa trao những hộp cơm cho người nghèo, anh Trần Anh Tuấn, chủ nhà hàng, tâm sự: "Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng, nhất là những người lao động nghèo, người vô gia cư... Bình thường họ đã khổ lắm rồi, bây giờ bùng dịch cuộc sống của họ càng khổ thêm".
"Nhà hàng tôi may mắn được giảm tiền thuê mặt bằng, dù tạm thời ngừng kinh doanh theo quy định nhưng tôi nghĩ mình được người khác giúp đỡ, tại sao mình lại không giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn? Nghĩ vậy tôi cùng mấy anh em bắt tay vào làm những suất cơm từ thiện cho bà con" - anh Tuấn chia sẻ.
Được biết, nhà hàng Tuấn sẽ phát cơm miễn phí từ ngày 3-4 đến hết 14-4, bên cạnh việc phát cơm trực tiếp trước cửa nhà hàng, những suất cơm nghĩa tình này còn được nhân viên nhà hàng đóng gói giao miễn phí cho nhà dưỡng lão Khánh Hòa.
Nhân viên và đầu bếp tất bật chuẩn bị những suất ăn - Ảnh: MINH CHIẾN
Tấm biển hướng dẫn được chủ nhà hàng đặt lên để bà con tuân theo - Ảnh: MINH CHIẾN
Những suất ăn miễn phí được trao tận tay người nghèo - Ảnh: MINH CHIẾN
Bà con xếp hàng giữ đúng khoảng cách nhận cơm trưa 7-4 trên đường Hùng Vương - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Tại Đà Nẵng, tầm 10h30, tại điểm phát cơm miễn phí trước Nhà hát Trưng Vương, cô ve chai lọc cọc đạp xe đến, chú xe thồ ghé qua, chốc lát có cụ ông đi xe lăn, cụ bà chống gậy… đến nhận cơm vui vẻ mang về.
500 suất cơm mỗi ngày sẽ được phát cho đến hết thời hạn cách ly xã hội. Đó có lẽ là tin mà những người đang chạy ăn từng bữa vui mừng hơn cả.
Bà V. mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai ở quận Hải Châu đạp chiếc xe chở mớ giấy bìa cũ lật đật chạy đến trước điểm phát cơm.
Bà V. nói về khó khăn của mình những ngày dịch và vui vì suất cơm miễn phí - Video: ĐOÀN NHẠN
Nhận suất cơm nóng hổi, bà buộc cẩn thận vào trước giỏ xe đạp nói như reo: "Trưa nay 2 con tui sẽ có cơm ngon ăn, còn tui mắm muối gì đó nữa là qua bữa. Mong sao có thêm nhiều nhà hảo tâm phát cơm nữa để đỡ được phần nào những ngày khó khăn".
Một mình bà V. nhặt ve chai nuôi 2 đứa con đang đi học. Bà bảo ngày thường cuộc sống có chật vật nhưng vẫn kiếm ngày vài chục ngàn mua thức ăn cho ba mẹ con. Thời điểm này tất cả các hàng quán đóng cửa, lượng ve chai bà thu được chẳng đủ để mấy mẹ con có bữa cơm đủ chất.
Ông N. (hơn 80 tuổi) một tay bị liệt, đạp xe đến xếp hàng nhận cơm - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Ông N. (hơn 80 tuổi) một tay bị liệt, đạp xe đến xếp hàng nhận cơm. Ông nói đang chăm vợ đột quỵ nằm trong bệnh viện. Thấy mọi người xem trên mạng có tin phát cơm miễn phí, ông hỏi địa chỉ và đạp xe qua lấy.
Những suất cơm ý nghĩa này do các thành viên hai câu lạc bộ Bạn thương nhau và Bếp cơm vạn tình cùng nấu và phát, hơn 30 tình nguyện viên tham gia.
Mọi người chia ra thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm nấu tại nhà một món ăn và cơm để đảm bảo hơn 10h đã có phát cho bà con.
Anh Nguyễn Bình Nam, chủ nhiệm câu lạc bộ Bạn thương nhau, nói: "Những ngày trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, chính mắt tôi và bạn bè đã chứng kiến cảnh một cụ già bới thùng rác tìm thấy một hộp cơm rồi mở ra trong vô vọng. Thật khó để kìm lòng, tôi nhủ phải làm gì đó thôi".
Và cơm là thứ thiết thực nhất lúc này. Anh Nam và anh Hồ Ngọc Thành, chủ nhiệm Bếp cơm vạn tình, cùng kêu gọi trên mạng xã hội gây quỹ để có được miếng khi đói bằng gói khi no. Thông qua mạng xã hội, các bạn đã kêu gọi được hơn 80 triệu đồng trong vòng 2 ngày.
Năm điểm phát cơm mỗi buổi trưa từ 10h30 gồm: ngã tư Phan Châu Trinh - Hùng Vương, bãi xe ngã tư Hải Phòng - Ông Ích Khiêm, số 512 Tôn Đức Thắng, 592 Điện Biên Phủ và ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Trưng Nữ Vương.
Tại các điểm phát cơm trưa 7-4, các tình nguyện viên vui mừng chia sẻ: "Bà con Đà Nẵng tuyệt vời lắm, họ rất ý thức giãn cách đúng 2 mét, đợi nhận cơm. Các anh quy tắc đô thị, dân phòng gặp nhóm phát cơm cũng hỗ trợ cùng và động viên, hướng dẫn mọi người".
Bà V. nhận hộp cơm mang về cho 2 con của mình, còn mình thì mắm muối qua những ngày khó khăn. Mùa dịch, những người mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai ở thành phố ai cũng chung khó khăn như bà - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Anh Lê Xuân Long (trái), thành viên CLB Bạn thương nhau, giúp ông N. đeo lại khẩu trang để nhận cơm. Long và hai tình nguyện viên điểm phát cơm này cho biết tất bật vừa phát cơm vừa điều tiết sao cho bà con không đứng tụ tập, các bạn còn để ý những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để sau dịch có những phần quà ủng hộ cho họ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Đa số mỗi người chỉ một hộp, nhưng biết người phụ nữ tàn tật này còn có mẹ già ở nhà, bạn tình nguyện viên nhanh nhẹn tặng thêm một hộp nữa để hai mẹ con cùng có cơm ăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận