Phóng to |
Theo các chuyên gia, ngoài lý do lãi suất tăng vọt và vốn vào bất động sản (BĐS) đang tắc, việc áp dụng một số chính sách mới trong lĩnh vực BĐS cũng góp phần làm tình trạng giao dịch mua bán trên thị trường này ảm đạm...
“Ngậm hàng”
Chủ đầu tư một dự án căn hộ tại Q.Gò Vấp vừa quyết định hoãn việc chào bán sản phẩm căn hộ này vào giữa tháng 11-2010 như dự kiến, sau khi cân nhắc khả năng hấp thụ của thị trường. Theo vị giám đốc doanh nghiệp trên, đây là dự án căn hộ có vị trí khá tốt với giá bán rất hấp dẫn, từng được rất nhiều khách hàng quan tâm khi đưa ra giới thiệu cách nay vài tháng.
Trước đó, một dự án căn hộ giá trung bình tại Nhà Bè (TP.HCM)cũng tiếp tục hoãn kế hoạch bán hàng đến lần thứ hai, sau khi chủ đầu tư được một số ngân hàng hợp tác thông báo không cam kết giải ngân cho khách hàng vay mua căn hộ vào thời điểm này. Chủ đầu tư cho biết mặc dù dự án đã xong phần móng, vốn của doanh nghiệp cũng đã cạn nhưng chưa biết thời điểm nào mới có thể mở bán.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt, hàng loạt dự án căn hộ hiện đang bị “ngậm hàng” khiến nhiều chủ đầu tư rơi vào cảnh dở khóc dở mếu. Chủ đầu tư một dự án căn hộ tại Nhà Bè cho biết từng lên kế hoạch giá bán khoảng 18-19 triệu đồng/m2, nhưng giá công bố hiện chỉ xoay quanh 16 triệu đồng/m2 cũng không nhận được sự quan tâm của khách hàng.
Ông Phạm Văn Hải - tổng giám đốc Công ty bất động sản ACBR - cho rằng trong bối cảnh lãi suất ngân hàng lên quá cao và khó tiếp cận vốn như hiện nay, thị trường căn hộ ảm đạm là đương nhiên. “Những người có tiền vào thời điểm này đang có nhiều chọn lựa như gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao, ôm USD... thay vì đổ một khoản tiền lớn vào BĐS khi thị trường này vẫn chưa sáng sủa trong ngắn hạn” - ông Hải nói.
“Mắc kẹt” vì đã nhận bàn giao nhà
Một lý do khác cũng khiến thị trường căn hộ ảm đạm là do bị tác động bởi các quy định mới về giao dịch BĐS (thông tư 16 hướng dẫn nghị định 71). Theo đó, tất cả trường hợp mua căn hộ và đã nhận bàn giao nhà từ chủ đầu tư đều phải thực hiện việc mua bán nhà theo đúng thủ tục của Luật nhà ở, tức là bên bán phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở do cơ quan thẩm quyền cấp.
Giám đốc một sàn BĐS cho biết giao dịch thứ cấp (mua đi bán lại) đối với sản phẩm căn hộ đã bàn giao gần như “tê liệt” trong thời gian gần đây, do hàng loạt dự án đã giao nhà cho khách nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc cấp sổ. “Đã có không ít trường hợp khách hàng phải trở lại “năn nỉ” chủ đầu tư, thậm chí mất tiền để có được mảnh giấy xác nhận “chưa bàn giao”, với thủ tục chuyển nhượng đơn giản hơn...” - vị giám đốc này nói.
Ông H., một người chuyên đầu tư căn hộ, cho biết mới đây khi được chủ đầu tư bàn giao căn hộ của một dự án ở Tân Bình, anh đã tìm người bán lại. Tuy nhiên, hồ sơ mang đến đã bị phòng công chứng từ chối với lý do hồ sơ không đầy đủ.
Liên hệ với chủ đầu tư về chuyện cấp sổ hồng cho căn hộ, ông H. đành thất vọng ra về do chủ đầu tư viện đủ lý do giải thích cho sự chậm trễ trong việc làm giấy tờ. Điều oái oăm là nếu căn hộ chưa được bàn giao, thủ tục chuyển nhượng dễ dàng hơn nhiều, chỉ cần thực hiện theo mẫu quy định, có chứng nhận của cơ quan công chứng, xác nhận của chủ đầu tư... thay vì phải có sổ này sổ kia.
Hoạt động chuyển nhượng hợp đồng góp vốn cũng rơi vào tình trạng “đóng băng” trong thời gian gần đây, sau khi quy định cấm chuyển nhượng hợp đồng góp vốn có hiệu lực. Ông Thành - một khách hàng đang ôm ba hợp đồng góp vốn tại một dự án căn hộ ở Bình Chánh, cho biết đang lo sốt vó trong việc xoay tiền đóng theo tiến độ của dự án.
Khi dự án này chào bán cách nay ba tháng, ông Thành quyết định ôm hàng với kỳ vọng “lướt sóng” kiếm lời do thấy dự án thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Theo tổng giám đốc một sàn BĐS, lệnh cấm này không những khiến hàng loạt nhà đầu tư trắng tay do không có vốn theo dự án mà ngay cả các sàn BĐS và chủ dự án cũng gặp khó khăn, chưa kể phản ứng của khách hàng. Đã có một số chủ đầu tư bị nhiều khách hàng kéo đến làm dữ do không thực hiện chuyển đổi hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán, một loại hợp đồng được phép giao dịch.
Đừng đẩy khó cho dân Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) - cho rằng với một số chính sách mới được ban hành, thị trường BĐS chắc chắn sẽ phát triển một cách lành mạnh hơn, loại bỏ dần những chủ đầu tư thiếu khả năng tài chính, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng... Tuy nhiên theo ông Châu, trong một số trường hợp cũng cần có quy định linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế, việc giao dịch các hợp đồng góp vốn là một ví dụ. Trước thời điểm nghị định 71 và thông tư 16 ra đời, các hợp đồng góp vốn vẫn được giao dịch bình thường, người chuyển nhượng hợp đồng góp vốn cũng nộp thuế thu nhập cá nhân... Do đó, việc cấm chuyển nhượng hợp đồng góp vốn chỉ nên áp dụng với các dự án triển khai sau khi các văn bản này có hiệu lực, còn các hợp đồng góp vốn trước đó phải có thời gian với giải pháp tình thế phù hợp. Tương tự, quy định đối với nhà đã được chủ đầu tư bàn giao phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mới mua bán được, theo ông Châu, là đẩy cái khó về phía người dân. Bởi nếu chủ đầu tư “ngâm” việc hoàn tất giấy tờ nhà cho khách hàng trong thời gian vài tháng, thậm chí vài năm thì không ai mua bán được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận