Háo hức, hồi hộp xen lẫn những nỗi âu lo khi không có người thân đi cùng, những đứa trẻ ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" chờ đợi được gặp cha mẹ ở điểm cuối bến xe.
Những vị khách nhí "xuôi Nam đi nghỉ hè"
Những ngày này, trên nhiều tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, bến xe ở các huyện miền núi Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông… xuất hiện không ít cháu bé đón xe khách vào miền Nam. Đây là những học sinh vừa nghỉ hè, được ông bà, người thân gửi nhà xe để vào với cha mẹ đang lao động ở các tỉnh xa.
Tay lỉnh kỉnh xách ba lô quần áo, một ít nông sản bí, ngô thu hoạch từ rẫy, bà Moong Thị Tình (58 tuổi, ngụ xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) đưa hai đứa cháu trai 5 tuổi và 7 tuổi ra bến xe trung tâm huyện để kịp chuyến xe vào Nam.
Bà Tình kể ở quê đất đai sản xuất ít, công việc lại bấp bênh nên vợ chồng con trai bà vào miền Nam làm công nhân may mặc.
Gần hai năm trước, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, mất việc làm nên anh Vừ Chông Lý (34 tuổi) cùng vợ đánh liều chở hai con nhỏ, chạy xe máy suốt hai ngày từ Bình Dương về Nghệ An để tránh dịch.
Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, vợ chồng anh Lý đành gửi hai con nhỏ cho ông bà, tiếp tục vào miền Nam kiếm việc làm trở lại.
"Đợt này, hai đứa nhỏ được nghỉ hè nên vợ chồng nó muốn đưa hai con vào ít tuần cho đỡ nhớ. Tôi già cả rồi nên không thể vào trong đó được, đành gửi các cháu cho nhà xe", bà Tình chia sẻ.
Cùng đi chuyến xe với hai cháu trai của bà Tình còn có hàng chục em nhỏ khác. Lần gần đây nhất có em gặp bố mẹ là đợt Tết Nguyên đán, có em thì từ đợt nghỉ hè năm ngoái.
Điểm chung của những đứa trẻ này là các em phần lớn ở miền núi vào thăm cha mẹ đang làm việc tại các khu công nghiệp mà không có người lớn đi kèm. Với nhiều em, có lẽ đây là chuyến đi xa nhất đầu đời.
Người thân đã thống nhất cụ thể với nhà xe ghi đầy đủ thông tin, địa điểm đón, cách liên lạc với bố mẹ, lộ trình đi lại của các em. Các bé sẽ được nhà xe chăm sóc, lo ăn uống dọc đường và đảm bảo an toàn đến khi bàn giao cho phụ huynh.
Ân tình của nhà xe, cộng đồng
Chị Hà Thị Hạnh, chủ một nhà xe chuyên chạy tuyến Nghệ An - TP.HCM, cho biết việc đón những vị khách nhí đặc biệt vào mùa hè đã thực hiện suốt tám năm nay.
Phần bố mẹ đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam đều không có điều kiện, thời gian để đưa đón con đi học. Do vậy, họ đành gửi các con về quê nhờ ông bà, người thân nuôi, đưa đến trường.
Dịp hè về, tranh thủ lúc các con nghỉ học, các cháu lại được gửi nhà xe vào miền Nam để gia đình đoàn tụ. Nhà xe chăm các em chu đáo từ bữa ăn cho đến giấc ngủ trên xe. Trên hành trình cả ngàn cây số kéo dài 2-3 ngày, nhiều cháu háo hức, vui mừng, nhưng cũng có cháu còn ít tuổi khóc vì nhớ cha, mẹ.
"Chúng tôi phải cho người liên hệ với bố, mẹ các cháu, rồi qua mạng xã hội liên tục cập nhật tình hình, quay video và chụp hình ảnh các cháu ăn, uống gửi cho bố, mẹ, người thân yên tâm. Đối với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi còn đưa đón miễn phí", chị Hạnh kể.
Công việc tuy vất vả nhưng khi chứng kiến niềm vui đoàn tụ của bố mẹ đối với con cái, những nhà xe như chị Hạnh cũng cảm thấy vui lây.
Cuối dịp nghỉ hè, các em lại được bố mẹ gửi nhà xe, nhờ đưa về Nghệ An với ông bà để tiếp tục hành trình đến trường.
"Chúng tôi hiểu các bậc phụ huynh cũng vì bất đắc dĩ mới để con đi một mình suốt chặng đường dài. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh để tiết kiệm chi phí đi lại nên họ đành nhờ cậy vào chúng tôi", chị Hạnh chia sẻ.
Ngay trong sáng 1-6, lực lượng Công an huyện Kỳ Sơn cùng chính quyền địa phương đã phát sữa, nước uống, bánh kẹo cho các cháu. Đồng thời tổ chức nắm danh sách các em đi đợt này, làm việc với các nhà xe đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển.
Những món quà các em nhận được trong Ngày Quốc tế thiếu nhi này khiến chuyến đi của các em càng thêm ấm lòng, hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận