09/10/2014 13:13 GMT+7

​Ám ảnh điểm đen tai nạn giao thông

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TT - Hiện tại TP.HCM đang tồn tại 25 “điểm đen” tai nạn giao thông và trở thành nỗi ám ảnh đối với người đi đường.

Giao thông hỗn loạn tại vòng xoay Mỹ Thủy, giữa đường vành đai nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Đồng Văn Cống, Q.2, TP.HCM (ảnh chụp chiều 7-10) - Ảnh: Quang Định

 

Đồ họa: V.Cường

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2014 trên địa bàn TP phát sinh thêm bốn điểm đen về tai nạn giao thông khiến mười người chết, bốn người bị thương, nâng số điểm tai nạn giao thông trên địa bàn lên 25 điểm.

Hẳn những người thường xuyên theo dõi tin tức về tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM không thể quên hai vụ tai nạn giao thông liên tiếp trong hai ngày tại nút giao thông Thủ Đức (giao lộ quốc lộ 1 - đường nhánh R4 từ quốc lộ 1 rẽ phải về xa lộ Hà Nội, Q.Thủ Đức, TP.HCM) làm chết ba người và bị thương ba người xảy ra tháng 4-2014.

Điểm mặt những đoạn đường “tử thần” mới 

Vụ thứ nhất xảy ra khoảng 20g30 ngày 6-4 khiến chị Trần Thị Thanh Huyền (20 tuổi, quê Đắk Nông) tử vong tại chỗ, người bạn đi cùng xe với chị Huyền bị thương.

Người dân chưa hết bàng hoàng với hình ảnh hai nữ sinh mình bê bết máu, bên cạnh là hai hộp cơm tối chưa kịp ăn và chiếc xe máy nát bươm thì hai ngày sau lại xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khác cũng tại đoạn đường này.

Vụ tai nạn xảy ra trưa 8-4 khiến bốn người trong một gia đình thương vong. Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 13g anh Hà Hữu Nghĩa (28 tuổi, quê Đồng Tháp) lái xe máy chở vợ cùng hai con gái lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ Trường đại học Nông lâm về cầu vượt trạm 2.

Khi chuẩn bị lên dốc cầu thì va chạm với xe đầu kéo chạy cùng chiều khiến cả bốn người trên xe máy ngã xuống đường. Chiếc xe đầu kéo này trờ tới cán chết hai con gái của anh Nghĩa là bé Hà Thị Kim Xuyến (6 tuổi) và Hà Thị Cẩm Tú (18 tháng tuổi). Riêng anh Nghĩa và vợ bị thương khá nặng.

Còn tại vòng xoay Mỹ Thủy (Q.2, TP.HCM), chỉ trong vòng hai tháng (tháng 5 và 6-2014) đã xảy ra ba vụ tai nạn giao thông làm ba người chết, một người bị thương. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 21-5 làm chết một người, tiếp đến ngày 15-6 xảy ra vụ tai nạn giữa ôtô và xe máy khiến một người chết, một người bị thương.

Đến ngày 24-6 tiếp tục xảy ra vụ tai nạn giữa ôtô và xe máy khiến một người chết.

Một người dân bán quán nước tại vòng xoay này cho biết ngoài ba vụ tai nạn chết người còn có hàng chục vụ va quẹt giao thông khác, trong đó nhiều vụ nạn nhân phải đưa đi cấp cứu.

Từ khi cầu vượt thép nút giao thông Cây Gõ (Q.6) đưa vào sử dụng, dù cơ quan chức năng khẳng định việc tổ chức giao thông xung quanh khu vực này hợp lý, tầm nhìn tốt nhưng đường Hồng Bàng đoạn gần cầu vượt liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn khiến hai người chết trong sáu tháng đầu năm 2014.

Vụ thứ nhất xảy ra ngày 7-1 trên đường Hồng Bàng, ngay dưới chân cầu vượt khiến một người chết. Đến ngày 4-4, tại giao lộ Hồng Bàng - Hoàng Lê Kha (cách cầu vượt gần100m) tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn khác cướp đi thêm một sinh mạng.

Những điểm đen kinh niên

Ngoài bốn điểm đen mới phát sinh trong năm 2013, 21 điểm đen phát hiện trong giai đoạn 2011-2013 đến nay vẫn chưa được xóa và đang là nỗi ám ảnh của người dân. Tại những điểm đen này cứ lần lượt cướp đi hàng chục sinh mạng và đang hằng ngày đe dọa đến sự an toàn của người dân.

Từ năm 2011-2013, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông tại 28 điểm đen về tai nạn giao thông khiến 64 người chết. Đến năm 2014 TP.HCM đã xóa được bảy điểm đen về tai nạn giao thông, tuy nhiên có bốn điểm đen về tai nạn giao thông phát sinh trong sáu tháng đầu năm 2014 khiến 10 người chết. Hiện số điểm đen về tai nạn giao thông tại TP.HCM là 25 điểm.

“Bất đắc dĩ phải đi qua đoạn đường này mỗi ngày để đi làm và cảm giác bất an, run sợ thường trực” là nhận xét của chị Nguyễn Thị Thi (31 tuổi, công nhân may tại Q.Bình Tân) khi nói về điểm đen tai nạn giao thông trên quốc lộ 1, đoạn từ đường Hồ Học Lãm đến hầm chui Tân Tạo (Q.Bình Tân).

Theo chị Thi, đoạn đường này xe chạy ngược chiều rất nhiều, ngoài ra người bán hàng rong lấn ra lòng đường, nước ngập thường xuyên trên làn xe hai bánh khiến xe máy phải chạy chung với ôtô, xe tải nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Từ tháng 3 đến tháng 5-2013, đoạn đường dài hơn 100m này xảy ra hai vụ tai nạn khiến hai người chết.

Cũng trên quốc lộ 1, đoạn từ đường Lê Đình Cẩn đến đường hương lộ 2 (Q.Bình Tân) trong năm 2012 xảy ra hai vụ tai nạn giao thông khiến ba người chết.

Ngày 7-10, chúng tôi quay lại đoạn đường này, một người dân bán nước bên đường cho biết thời gian qua chưa có vụ tai nạn nào chết người nhưng chuyện va quẹt, té ngã xuống đường xây xát xảy ra như cơm bữa.

Còn tại đoạn giao quốc lộ 22 - quốc lộ 1 (Q.12) từ năm 2011 đến 2013 xảy ra năm vụ tai nạn giao thông khiến sáu người chết, một người bị thương. Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, vòng xoay An Sương là cửa ngõ phía tây thành phố và là vị trí giao cắt giữa hai quốc lộ nên có lưu lượng xe rất lớn.

Tuy nhiên do thiết kế của vòng xoay nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của xe cộ dẫn đến thường xuyên xảy ra ùn ứ và tai nạn giao thông.

Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan hữu quan đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm kéo giảm các vụ tai nạn giao thông tại đây như lắp đặt đèn tín hiệu để điều tiết giao thông vào các giờ cao điểm để chế độ xanh - vàng - đỏ, cải tạo, cắt xén tiểu đảo mở rộng mặt đường xe chạy, mở ngã rẽ quay đầu xe phía dưới dạ cầu vượt An Sương (phía Thủ Đức) nhằm giảm bớt lưu lượng xe lưu thông vào vòng xoay nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.

“Bó tay”?

Quốc lộ 1 đoạn từ đường Hồ Học Lãm đến hầm chui Tân Tạo (Q.Bình Tân) là một trong những điểm đen giao thông của TP.HCM (ảnh chụp chiều 8-10) - Ảnh: Quang Định

Ngày 3-10, trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm đen tai nạn giao thông trên quốc lộ 1, ông Nguyễn Hồng Ninh, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO - đơn vị chủ đầu tư dự án BOT An Sương - An Lạc, cho biết đơn vị này đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an 

toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 thời gian qua. Tuy nhiên theo ông Ninh, các vụ tai nạn vẫn tiếp tục xảy ra tại các điểm đen, điển hình như điểm đen ở đầu đường Tân Kỳ Tân Quý từ đầu năm đến nay xảy ra trên ba vụ tai nạn giao thông, rất may không có người chết.

Riêng điểm đen trên quốc lộ 1, đoạn từ đường Hồ Học Lãm đến hầm chui Tân Tạo, ông Ninh cho biết sở dĩ đoạn đường này thường xảy ra tai nạn giao thông là do tình trạng người bán hàng hai bên quốc lộ 1 tràn ra đường, người đi đường dừng ngay trên đường mua hàng gây cản trở giao thông. Ngoài ra, đoạn đường này thường bị ngập nước, người dân buôn bán bên đường xả thẳng rác xuống cống thoát nước gây tắc dòng.

“Dù chúng tôi đã cử bốn nhân viên vệ sinh túc trực và hốt rác trên đoạn đường này, đồng thời mỗi tháng nạo vét cống một lần nhưng không xuể so với lượng rác người dân xả xuống cống. IDICO đã có nhiều buổi làm việc với chính quyền địa phương sở tại, làm văn bản gửi Q.Bình Tân để chấn chỉnh nhưng đến nay vẫn không có gì thay đổi. Do đó, việc xóa điểm đen trên đoạn đường này xem như bó tay!” - ông Ninh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết so với những năm trước đây, các điểm đen về tai nạn giao thông tại TP.HCM đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình xóa những điểm cũ lại phát sinh những điểm mới.

Theo ông Tường, qua thống kê có trên 70% số vụ tai nạn giao thông tại các điểm đen là do ý thức người tham gia giao thông. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như bất cập trong việc tổ chức giao thông, do phương tiện cũ kỹ...

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-10, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết TP.HCM là một đô thị diện tích rộng, giao thông phức tạp và đang trong quá trình hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông, nhiều công trình vừa khai thác vừa thi công thì số lượng các vụ tai nạn, số lượng các điểm đen tất nhiên phải phức tạp hơn các địa phương khác.

Qua con số 25 điểm đen về tai nạn giao thông hiện nay trên địa bàn, ông Khuất Việt Hùng đề nghị Ban An toàn giao thông TP.HCM tiếp tục rà soát, đánh giá lại, xác định rõ nguyên nhân những vụ tai nạn giao thông xảy ra tại những điểm đen có liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông (bán kính cong, mặt đường, tầm nhìn, đèn chiếu sáng...) hay không, để từ đó khắc phục kịp thời nhằm tiến tới xóa các điểm đen này.

Xóa điểm đen theo kiểu “thầy bói mù”

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng các giải pháp xóa điểm đen tại TP.HCM làm theo kiểu “thầy bói mù”, tức là thấy đoạn đường nào thường xảy ra tai nạn là tìm cách giải quyết tại điểm đó mà không nhìn tổng thể để đưa ra giải pháp căn cơ. Cách giải quyết mang tính chất tình thế này dẫn đến đẩy điểm đen từ vị trí này đến vị trí khác.

Do đó cơ quan chức năng cần có “sổ tay giao thông”, trong đó ghi chép theo dõi lưu lượng xe, mật độ xe biến động qua các năm trên từng tuyến đường, đoạn đường để đưa ra phán đoán, nắm bắt xu hướng giao thông, từ đó có những điều chỉnh cần thiết để ngăn ngừa những điểm đen mới phát sinh.

 

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp