14/06/2014 11:05 GMT+7

Ám ảnh "chăm mơ năm"

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Tháng 8-2013, không khí bình yên ở làng Lê Toan (xã Ngọc Linh) bị đảo lộn bởi một sự việc lạ đời: trưởng thôn A Ép sau bữa đi họp làng về đã đi thẳng một mạch vào rừng rồi biến mất hàng chục ngày trời. Người làng cất công đi tìm trong vô vọng.

HVsPxj4O.jpgPhóng to
Câu chuyện chăm mơ năm vẫn ám ảnh dân làng - Ảnh: T.B.D.

Tháng 4-2014, khi chúng tôi trở lại ngôi làng Lê Toan nằm cách gần hai giờ đi bộ trên đỉnh núi, người làng vẫn ngồi tụ tập trong các ngôi nhà gỗ để bàn kế hoạch đi tìm A Ép với nỗi sợ hãi, hoang mang thể hiện rõ trên nét mặt. Kể từ lần mất tích năm 2013, đầu tháng 4 này A Ép lại tiếp tục mất tích một cách bí ẩn. Người Lê Toan bán tín bán nghi rằng A Ép đã bị dẫn đi bởi nhân hình chăm mơ năm.

Từ xa xưa, người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh đã kể cho con cháu nghe về một nhân hình đầy ám ảnh: chăm mơ năm. Chăm mơ năm là tiếng Xê Đăng để chỉ con vật giống người, thường lởn vởn ở đầu làng, các bờ suối và dẫn dắt người làng về rừng làm bạn.

Cuộc tìm kiếm xuyên ngày đêm

Chiều. Mưa rừng ào ạt đổ về như trút nước. Những người đàn ông, trai tráng ở làng Lê Toan đang ngồi trong nhà của già làng A É để bàn kế hoạch lội rừng đi tìm A Ép sau nhiều ngày biệt tăm tích. “Phải tìm nó về rồi sắm heo, gà làm cái lễ cử như đợt trước thì con ma chăm mơ năm mới hết đưa nó đi, chứ không dân làng mình lại khổ nữa”. Phía bên kia, bà Y Noi và mấy đứa con ngồi trên nền đất nước mắt lưng tròng vì không biết phải tìm chồng ở nơi đâu giữa bốn bề rừng núi.

Già làng A É kể rằng từ trước đến nay làng Lê Toan sống yên ổn, luật lệ trong làng đều được con cháu chấp hành nghiêm chỉnh, không xảy ra sự cố lớn nào. Thế rồi giữa cơn mưa chiều tháng 8-2013, sau cuộc họp ở làng, A Ép uống rượu say bí tỉ, mặt đỏ phừng phừng. A Ép nói với người làng rằng trên đỉnh núi có một ngôi nhà, một ngôi làng và một con heo rừng đang đợi ông trên đó nên có thể vài ngày tới ông sẽ lên đó ở. Lũ làng nghe xong gạt tay bảo: “Ối, thằng Ép say rồi nói bậy, làm gì có cái nhà ở trên cái núi đó, chỉ có con ma rừng chăm mơ năm thì có”.

Lời nói trong cơn say của A Ép tưởng chỉ là bông đùa hóa ra lại là sự thật. Ba ngày sau cơn say, buổi sáng hôm ấy người làng đi lên ruộng hết chỉ còn A Ép ở nhà với lũ trẻ. Cái mặt trời vừa trèo qua đỉnh Ngọc Linh một đoạn, lũ trẻ thấy A Ép mặc đồ rồi đi thẳng một mạch vào dãy núi màu đen ở thung lũng Ngọc Linh. Lúc ra đi A Ép còn quay lại chào như tạm biệt ngôi làng.

Chiều tối mịt, người làng Lê Toan đi rẫy cùng bước xuống làng với vẻ uể oải sau một ngày cuốc ruộng, lấy nước. Vợ con A Ép cũng trở về ngôi nhà nhưng chẳng thấy chồng đâu nữa. Nghĩ chồng chỉ đi uống rượu loanh quanh đâu đó, Y Noi - vợ A Ép - cũng chẳng buồn tìm. Rồi giữa đêm, Y Noi không sao chợp mắt được. Vắt tay lên trán mà con mắt cứ mở. Cái bụng cứ thấy bồn chồn như làng sắp có chuyện gì đó. Gà gáy canh ba. Y Noi không ngủ được nữa, mở cửa ra chạy thẳng một mạch đến đập cửa già làng: “Ới già làng A É, chồng mình đi đâu giờ vẫn chưa thấy về. Có khi nào bị con chăm mơ năm...”. Như sực tỉnh ra mình vừa nói điều gì đó cấm kỵ, Y Noi khựng lại. Già làng trầm ngâm, khuôn mặt cũng lo lắng, lo cho Y Noi, lo cho thằng A Ép và lo cho cái làng Lê Toan không bình yên được nữa.

Rạng sáng hôm sau. Khi con gà trống vừa đứng lên mô đất đầu làng cất tiếng gáy thì làng Lê Toan đã rậm rịch bước chân người. Toàn bộ thanh niên trai tráng khỏe mạnh và những người giỏi đi rừng đã được tập hợp ở nhà rông, mang theo cơm nước, bật lửa, áo rét để theo lời già làng đi tìm A Ép. Ông A Tiên - phó bí thư Đảng ủy Ngọc Linh - nói rằng thời điểm ấy làng Lê Toan thật sự lo lắng và xôn xao. Câu chuyện của A Ép đã đánh động sự bình yên của Lê Toan, đánh thức sự sợ hãi về một nỗi ám ảnh nhân hình chăm mơ năm. Có người còn nói rằng A Ép chẳng phải bị chăm mơ năm dẫn đi mà bị Yàng núi phạt vì đã lấy hạt lúa cử trộn chung với hạt lúa gieo đầu mùa để nấu cơm ăn. Đây là điều cấm kỵ nhất đối với người Xê Đăng trên núi Ngọc Linh.

Sau cuộc tập hợp nhanh chóng, người làng đã tề tựu đông đủ. Già làng đứng đầu làng bảo lũ làng: “A Ép là người của làng nhưng đã bị nhân hình chăm mơ năm dẫn vào rừng từ hôm qua, trách nhiệm của làng là phải đi tìm cho được để đưa A Ép về với làng, làm lễ cúng để xin sự bình yên”. Những ngày đó, người Lê Toan tỏa ra hết các hướng núi, lùng hết từng hốc cây, đạp từng khóm cây rừng, gian khổ còn hơn cả đi tìm củ dấu nhưng bóng A Ép vẫn biền biệt. Đi hết các rặng núi, qua tận mạn Tu Mơ Rông nhưng không một dấu vết của A Ép. Ngày thứ chín, cái gạo mang theo đã hết, đuốc xà nu đã tàn, cái chân cũng đã mỏi, áo quần rách toét vì gai rừng, lần lượt lũ thanh niên bước lả vì mệt trở về làng, chấm dứt hành trình tìm kiếm xuyên ngày đêm. Người làng Lê Toan đã thuận theo ý Yàng, để A Ép đi với chăm mơ năm.

“Người rừng” trở về

Ngày thứ 12 kể từ lúc mất tích, một người làng Lê Toan đang đi lấy nước ruộng bỗng chạy như bay về làng cấp báo: “A Căm, người làng Ngọc La ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đã thấy A Ép lởn vởn ở bìa rừng”. Tin như sét đánh, người làng Lê Toan lại được tập hợp. Y Noi và những đứa con của A Ép khóc hết nước mắt ngóng theo đám trai tráng đi ngược về hướng Tu Mơ Rông để đưa A Ép về sau hơn chục ngày bị chăm mơ năm dẫn đi. Già làng A É nói rằng đường qua xã Măng Ri nơi có người bắt gặp A Ép xa hàng chục cây số, đám trai tráng phải lội rừng. Người làng ở Tu Mơ Rông kể rằng lúc họ đang đi rừng bắt thú thì thấy một người đàn ông trong bộ dạng lem luốc, đang nhai cành cây mục dưới đám cây lớn. Biết là người Xê Đăng, nhóm thợ săn đã truy đuổi và bắt lại được, hỏi ra mới biết đó là A Ép - người làng Lê Toan ở Ngọc Linh mà dân làng đã tìm kiếm nhiều ngày nay.

Ông A Căm - người Xê Đăng ở xã Măng Ri, người đã bắt được A Ép dưới tán rừng - kể lại khi bắt gặp A Ép, dù áo quần rách cũ nhưng A Ép vẫn rất tỉnh táo. Sau khi được bắt lại, ông và nhóm người đi rừng đã đưa A Ép vào chòi lúa, cho ăn cơm rồi báo về cho người làng Lê Toan. Ngày hôm sau, sau nhiều giờ lội rừng, người Lê Toan đã có mặt để đưa A Ép về.

Đêm đầu tiên A Ép trở về với làng, cả làng Lê Toan thắp đuốc sáng rực. Làng không ngủ để nghe A Ép kể về hành trình của mình. Nhiều người nghĩ A Ép bị điên. “Ông ấy không hề bị điên, vẫn tỉnh táo và kể về những ngày ở rừng của mình một cách rành rọt. Ông ấy nói rằng ông ấy đi giữa rừng, cũng có người dẫn đi, cũng có cái cơm để ăn, có cái nhà để ở. Nhưng nhà đâu giữa rừng núi thâm u như thế? Thật không thể hiểu nổi” - ông A Tiên kể. Già làng A É nói rằng mặc dù trở về làng tỉnh táo, nhưng được vài ngày A Ép lại ngồi nhìn mông lung ra các rặng núi. Cái nhìn man dại. A Ép muốn về rừng. Người làng bàn nhau phải sắm một cái lễ cúng, xin các Yàng để cho làng được yên. Kể từ đó A Ép trở lại bình thường, hằng ngày đi rẫy cuốc ruộng chăm vợ nuôi con, sống bình thường như một người Xê Đăng ở làng Lê Toan bấy lâu nay.

Hôm chúng tôi trở lên, hỏi thăm nhà người đàn ông được coi là bị “con ma rừng chăm mơ năm bắt mất linh hồn”, người làng Lê Toan đã đứng tập trung đầu làng bảo: Ôi, nó lại đi nữa rồi. Rồi họ chỉ tay vào hướng núi. Xa lắm. Đã mấy lần A Ép đi như thế, người làng lại phải cất công đi tìm, lại phải làm lễ cúng để đưa A Ép trở lại làng. A Ép lại đi rẫy, lại nuôi vợ con, nhưng được mấy bữa rồi lại đi. “Linh hồn của nó đã thuộc về chăm mơ năm rồi, không lấy lại được nữa” - người làng Lê Toan bảo nhau thế.

Chăm mơ năm là... đười ươi

Người Xê Đăng ở đỉnh Ngọc Linh khẳng định con ma rừng chăm mơ năm là có thật và đã nhiều lần có người bắt gặp. Người làng Lê Toan còn kể rằng đã một số lần đi đánh cá ở bờ suối bắt gặp chăm mơ năm: “Nó giống như người, có chân tay hẳn hoi, to lớn, rất nhiều lông màu đen. Và đặc biệt là dấu chân của chăm mơ năm đi ngược lại với bàn chân của con người mình”. A Hen, chủ tịch xã Ngọc Linh, cười nói: “Con đười ươi đấy, nó hay xuống suối uống nước, y hệt như người. Người dân chưa bao giờ thấy đười ươi trên tivi nên nghĩ đó là... con ma”. Còn câu chuyện của A Ép, A Tiên lắc đầu: “Mình chịu. Khó hiểu quá, nhưng chắc chắn một điều là ông ấy không bị điên”.

_____________________

Kỳ tới:Còn không, sâm Ngọc Linh?

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp