Đặng Thị Hồng Ngọc hiện là công nhân may ở Nghệ An...
Tính đến thời điểm được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài an toàn, những công nhân đã sống trong hầm tối và đối mặt với cái chết hơn 82 giờ. Với họ, đó là ký ức muốn quên, nhưng đến nay vẫn không quên được.
Một lần rắn cắn, mười năm sợ dây thừng!
Sáng 3-7, chúng tôi gặp lại Đặng Thị Hồng Ngọc. Cô là nữ nạn nhân duy nhất trong số 12 người bị mắc kẹt trong hầm hôm ấy. Ngọc vẫn đến xưởng may (huyện Thanh Chương, Nghệ An) nơi cô làm công nhân và không hề biết những thông tin ở Thái Lan.
Nghe kể có vụ mắc kẹt của các cầu thủ "nhí" Thái Lan, Ngọc liền mở điện thoại ra xem.
Những hình ảnh về các em nhỏ gầy trơ xương sau 10 ngày mắc kẹt đã khiến Ngọc xúc động thẫn thờ, ký ức cũ lại ùa về: "Em muốn quên đi giây phút đó, nhưng không tài nào quên được. Thời gian sống trong hầm rất đáng sợ, tới mức sau này ngủ còn chiêm bao".
Khi chúng tôi gặp lại những công nhân mắc nạn trong vụ sập hầm Đạ Dâng, họ đều quay về quê sống gần gia đình. Họ từ chối quay lại công trình và tìm một công việc khác, ngoại trừ anh Phạm Viết Nam.
Anh Nam bảo: "Phải lo cho con đi học nên buộc phải đi làm công nhân thủy điện, chứ hãi lắm. Ở gần nhà có việc làm khác mà lương khá thì tôi cũng làm rồi". Còn liên lạc với những công nhân khác, họ đều nói: "Quá sợ rồi!".
Hiện anh Nam vẫn làm công nhân xây dựng thủy điện ở một nơi khác. Đạ Dâng với anh vẫn là nỗi ám ảnh. Đến giờ, anh vẫn chưa dám quay lại nơi ấy.
82 giờ sinh tử trong hầm sập ẩm tối vẫn còn là hoài niệm kinh khiếp với những người liên quan, không chỉ là những công nhân ngày ấy mà còn cả đối với người thân.
"Một lần rắn cắn, mười năm sợ dây thừng" - Hồng Ngọc ví von. Sau khi được giải cứu, cô về quê đi làm công nhân may mặc cho một công ty gần nhà.
Cố tin là mình sẽ được cứu sống
Trước đó, sáng 16-12-2014, một đoạn ở cuối dài khoảng 700m đổ ập xuống trong tích tắc, Ngọc và 11 công nhân kẹt bên trong. Rất nhiều lực lượng được huy động để giải cứu họ.
Sau 82 giờ, họ đã được cứu thoát trong tình trạng suy kiệt, cần được chăm sóc y tế đặc biệt.
Lúc kẹt ở trong hầm, không ai trong số họ nghĩ mình đang sống trong một bọng nước lớn bị bịt kín bởi khối đất đá dày cả trăm mét. Sau cơn hốt hoảng ban đầu, họ hi vọng mình sẽ được cứu ra sớm.
"Ai cũng nghĩ chỉ đến trưa là được cứu" - Ngọc nhớ lại. Hi vọng là vậy, nhưng phải đến 82 giờ sau họ mới may mắn được cứu thoát.
Sau hàng chục giờ tuyệt vọng trong hầm tối, cuối cùng hi vọng của họ cũng mở ra khi có mũi khoan từ ngoài xuyên vào.
Mũi khoan nhỏ, chỉ đủ thông ống dẫn khí và bơm sữa vào. Có tiếng người hỏi vọng vào, mọi người bật dậy. Ai cũng muốn đến gần đường ống để nói vọng ra thông báo sự an toàn của mình.
Anh Phạm Viết Nam (41 tuổi, quê Nghệ An) nhớ lại: "Nước dâng rất nhanh trong đêm đầu tiên. Chúng tôi chen nhau trên thùng xe nhưng nước ngập tới gối. Ai cũng lo nước sẽ lấp ống dẫn khí nên bắt đầu hoang mang".
Sau đêm đầu tiên, mọi người hạ quyết tâm phải sống để đợi ngày được cứu. Họ phân công nhau chu đáo, ưu tiên cho người già yếu, mắc bệnh và phụ nữ.
Trong hầm có một vị trí cao khô ráo là bên trên một chiếc xe, Hồng Ngọc và Hoàng Đình Thịnh (lúc này 19 tuổi, quê Nam Định) được ưu tiên ngồi ở vị trí đó do bị hen suyễn. Còn những người khác thì thay phiên nhau.
"Cứ khoảng nửa tiếng chúng tôi thay nhau lên đó ngồi để đỡ cóng chân" - Phạm Viết Lành (quê Nghệ An) nhớ lại.
Sơ đồ đường hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập - Đồ họa: NHƯ KHANH
Sau 4 năm, giờ ngẫm lại Lành vẫn ám ảnh: "Có lần tôi đọc được câu: cái chết không đáng sợ bằng thời gian chờ chết. Đúng thật!".
Nhớ lại thời khắc sinh tử đó, anh Nam nói hai điều khiến họ hoang mang đến mức tuyệt vọng là sợ chết đuối do nước dâng cao và mái hầm đổ sập chôn cả nhóm.
"Hôm nay thì nói sắp cứu được rồi, ngày mai cũng nói sắp thông hầm rồi. Nghe bên ngoài nói thế, chúng tôi biết là anh em động viên mình nhưng vẫn thấy niềm tin cạn dần, cạn dần.
Đến sáng ngày thứ tư, nước bên dưới dâng cao quá, tôi nghĩ là chết đến 99% rồi. Có lúc chúng tôi nổi đóa, la lối, bức xúc nhưng rồi lại về an ủi, động viên nhau vượt qua, cố tin là mình sẽ được cứu sống".
Mỗi người một niềm riêng và cách vượt qua cũng khác nhau, nhưng 12 công nhân Đạ Dâng ngày ấy ai nấy cũng động viên mình bước qua chuyện cũ từng chút mỗi ngày.
Mỗi người một cách, họ đã vượt qua và trở về với cuộc sống thường nhật. Những hình ảnh cũ về vụ giải cứu không ai lưu giữ.
Những câu chuyện giải cứu ngày trước họ không tìm đọc, nhưng những gì liên quan đến lực lượng cứu hộ thì họ đều giữ lại trang trọng trong nhà vì trong ấy có ân tình.
Lữ đoàn công binh 293 là đơn vị tiếp cận sớm và giải cứu thành công 12 công nhân vào khoảng 16h ngày 19-12-2014.
Ông Lê Đình Hùng, khi đó là chỉ huy phó lữ đoàn 293, kể: “Khi tiếp cận họ, nước đã gần đến cổ. Họ mừng vì chúng tôi vào được bên trong, nhưng họ vẫn chưa tin được cứu. May mắn là họ không hoảng loạn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận