Ba mẫu thiết kế máy bay không phát thải của Airbus - Ảnh: AIRBUS
Sáng kiến "ZEROe" bao gồm 2 loại máy bay có hình dáng thông thường và 1 loại máy bay có thiết kế đặc biệt, theo Đài BBC.
Một loại sử dụng động cơ tuabin phản lực cánh quạt, có khả năng chở từ 120 - 200 người trên hành trình bay dài hơn 2.000 hải lý (khoảng 3.700 km). Loại máy bay thứ hai được trang bị động cơ tuabin cánh quạt, có khả năng chở tới 100 người trên những chuyến hành trình ngắn hơn, vào khoảng 1.000 hải lý (khoảng 1.850 km).
Loại máy bay thứ ba là loại cải tiến có "thân cánh pha trộn" đặc biệt bắt mắt nhất trong 3 mẫu máy bay trên, có thiết kế tương tự với một dòng máy bay từng được Airbus giới thiệu hồi tháng 2, theo Reuters.
Tất cả các mẫu thiết kế mới trên đều được trang bị động cơ tuabin khí cải tiến để đốt nhiên liệu là hydro lỏng, hướng tới mục tiêu thúc đẩy công nghệ máy bay sạch và thân thiện với môi trường hơn của chính phủ các nước châu Âu.
Các thiết kế mới thân thiện với môi trường của Airbus là thành quả của dự án nghiên cứu chung với hãng hàng không EasyJet vào năm 2019, liên quan đến máy bay chạy bằng điện và máy bay hybrid (có thể chạy bằng xăng hoặc nhiên liệu khác).
Ông Guillaume Faury, giám đốc điều hành của Airbus, cho biết đây là "khoảnh khắc lịch sử" đối với ngành hàng không thương mại. Việc sử dụng nhiên liệu hydro có "tiềm năng giảm thiểu đáng kể tác động của ngành hàng không đến khí hậu".
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng đây không phải là lần đầu tiên hydro được xem là vị cứu tinh của du lịch hàng không hiện đại, theo Đài BBC.
Lịch sử của loại nhiên liệu này trong ngành hàng không đã bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 nhưng thảm họa cháy khinh khí cầu Hindenburg năm 1937 đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên này.
Gần hơn, từ năm 200 - 2002, Airbus tham gia dự án nghiên cứu tính khả thi của máy bay chạy bằng nhiên liệu hydro lỏng do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Tuy nhiên, ý tưởng này không được ưa chuộng và bị xếp xó cho đến ngày nay vì dùng hydro làm nhiên liệu quá đắt.
Nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này cũng thừa nhận để ý tưởng máy bay không phát thải đi vào hoạt động, các sân bay sẽ phải đầu tư một khoản tiền lớn vào cơ sở hạ tầng phục vụ việc tiếp nhiên liệu.
Airbus cũng cho biết hydro sử dụng trong ngành hàng không sẽ được sản xuất từ năng lượng tái tạo và tạo hydro từ nước bằng phương pháp điện phân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận