14/01/2013 08:30 GMT+7

Ai trả lời câu hỏi của Thủ tướng?

Ông LÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)
Ông LÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

TT - “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”.

DNqpPOKr.jpgPhóng to
Ảnh: Việt Dũng - Q.Định

Đó là câu hỏi của Thủ tướng trước lãnh đạo ngành lao động - thương binh & xã hội trong hội nghị trực tuyến ngày 7-1. Câu hỏi này khiến dư luận rất day dứt, đòi hỏi phải tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục bằng được tình trạng “chết khát giữa dòng sông”.

Ông LÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Phải tìm nguyên nhân tại sao

"Tôi nghĩ câu hỏi của Thủ tướng đặt ra cho chúng ta, tất cả những người VN có lương tri, cần phải trả lời bằng những hành động cụ thể để giúp người đói, người nghèo"

Tôi nghĩ rằng câu hỏi của Thủ tướng đặt ra cho chúng ta, tất cả những người VN có lương tri, cần phải trả lời bằng những hành động cụ thể để giúp người đói, người nghèo. Nhưng câu hỏi ấy người phải giải đáp trước hết chính là lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan như Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính...

Hơn ai hết, những người làm chính sách, những người quản lý, điều hành, Chính phủ phải bàn bạc, tìm ra nguyên nhân tại sao với một đất nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, có quỹ lúa gạo để viện trợ cho nước khác mà một bộ phận nhân dân của mình lại thiếu cơm ăn. Chúng ta có hàng chục chương trình, mục tiêu quốc gia hướng về người nghèo, vùng nghèo, vậy thử hỏi những chương trình đó đã đúng chưa, trúng chưa, đủ chưa, đến tận tay và làm thay đổi cuộc sống của những nhóm người yếu thế chưa? Câu hỏi này cũng dành cho Quốc hội - nơi duyệt và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia.

Những người có trách nhiệm hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người nghèo, hãy thử nghĩ xem nếu những em nhỏ đang thiếu cơm ăn, những người già đang bị đứt bữa đó là con em, cha mẹ của mình thì lương tri sẽ thức tỉnh. Kinh tế phát triển, số người giàu ngày càng nhiều, nhưng một bộ phận người nghèo thì nghèo hơn. Chúng ta không chỉ trông chờ việc giải quyết cái đói, cái nghèo vào công tác thiện nguyện của xã hội dù nó rất quý. Chỉ có thể giúp những người nghèo xóa nghèo, thoát nghèo bằng các chính sách căn cơ, bền vững của Nhà nước. Bởi chỉ có chính sách đủ mạnh mới tạo cơ hội cho người nghèo, giúp họ tự vươn lên, tự lập trong cuộc sống. Nhưng trong khi chờ những chính sách có hiệu quả ra đời, tôi đề nghị Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Tài chính hãy xuất gạo, xuất tiền cứu tế cho người nghèo, hãy chia sẻ cái ăn, cái mặc với trẻ em, người già vùng đói. Nên coi đây là việc làm giống như dành phần cơm cho cha mẹ, con em của chính mình.

PGS.TS ĐẶNG NGỌC DINH (nhà nghiên cứu những vấn đề phát triển):

Cần xem lại chính sách xã hội

VN chúng ta lâu nay vẫn được khen là một quốc gia giải quyết tốt và nhanh vấn đề đói nghèo. Nhưng để người đứng đầu Chính phủ phải đặt ra câu hỏi đó thì chúng ta cần phải xem lại các chính sách xã hội. Để trả lời câu hỏi của Thủ tướng, trước hết chúng ta tìm hiểu nguyên nhân. Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo có thể là do một bộ phận nào đấy trong xã hội bị thua thiệt về điều kiện và cơ hội phát triển. Câu hỏi lớn nhất đặt ra với chúng ta là ở một số khu vực, người dân vẫn lao động sản xuất nhưng không đủ ăn. Câu hỏi này cần những người quản lý xã hội, những người đứng đầu chính quyền các cấp trả lời bằng chính sách.

Nước ta là một đất nước có nền kinh tế thị trường, chuyện có những người dư thừa lúa gạo để bán và có những người không đủ cơm ăn là chuyện bình thường. Việc thi thoảng Nhà nước ta viện trợ nước ngoài cũng là chuyện bình thường. Đó không phải là nghịch lý nếu đem so với chuyện đói nghèo trong nước.

Nước Mỹ rất giàu nhưng trong xã hội của họ có không ít người nghèo đói, các nước Bắc Âu ít người nghèo đói hơn bởi họ có những chính sách xã hội tốt hơn. Vì vậy, để trả lời câu hỏi của Thủ tướng thì từ chính quyền cơ sở đến Chính phủ đều phải tìm đúng nguyên nhân và đề ra chính sách thích hợp mới giải quyết được.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam):

Nên rà soát “từ gốc tới ngọn”

"Nên xem cấp chính quyền nào - từ địa phương đến trung ương - làm chưa tốt mục tiêu hàng đầu là không để người dân nào phải đói, rét mà Thủ tướng đã giao và mong mỏi"

Chúng ta đang là nước xuất khẩu gạo tầm cỡ. Nhưng cái mà đất nước thiếu chính là trách nhiệm, ý thức, kỷ cương của những người thừa hành công việc của chính quyền các cấp. Họ là những người ăn lương từ tiền đóng thuế của người dân nhưng không chăm lo chu đáo cho nhân dân. Điều đó đã dẫn đến nghịch lý trẻ em phải mang mì, mang ngô đến trường trong khi cả nước có gạo để xuất khẩu.

Câu hỏi của Thủ tướng rất nhức nhối, nhưng nhiều người dân có thể tìm ra được câu trả lời. Có thể nó nằm trong những vụ ăn chặn tiền chính sách, bớt xén quỹ xóa đói giảm nghèo, bớt đi từng bữa ăn của những đứa trẻ đến trường mà báo chí vẫn hay nêu. Cũng có thể nó nằm ở những cán bộ quan liêu hoặc không đủ năng lực điều hành, quản lý để tính toán vấn đề lương thực cho người dân. Vì thế, có lẽ Thủ tướng nên xem cấp chính quyền nào - từ địa phương đến trung ương - làm chưa tốt mục tiêu hàng đầu là không để người dân nào phải đói, rét mà Thủ tướng đã giao và mong mỏi.

* Theo ông, cách giải quyết phải bắt đầu từ đâu?

- Phải làm rõ cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc học sinh vùng xa thiếu gạo, phải ăn mì, ăn ngô thay cơm. Việc xem xét này phải đi từ gốc, từ chính quyền cấp xã trở lên. Nếu xã không sai thì sẽ là huyện, là tỉnh, là trung ương sai. Không xem xét “từ gốc đến ngọn” thì câu chuyện “chết khát giữa dòng sông” vẫn sẽ tiếp diễn.

Ở TP.HCM và rất nhiều nơi khác, nhiều cá nhân tự đứng ra giúp người dân vượt qua bằng những bếp ăn, bữa ăn từ thiện, miễn phí. Cá nhân còn làm được, lẽ nào một hệ thống chính quyền “của dân, do dân và vì dân” lại không làm được trong khi cả nước thừa gạo? Rõ ràng cái đói, cái thiếu mà Thủ tướng nói chỉ là cái đói, cái thiếu cục bộ, tạm thời, do cách thực thi chính sách thiếu trách nhiệm, chưa do dân và vì dân.

* Ông có nghĩ có sự vô cảm ở những người thừa hành chính sách?

- Điều đó chỉ đúng một phần, tôi nghĩ không nên đổ tất cả cho sự vô cảm, quả là có những cán bộ trực tiếp thực thi chính sách ở chính quyền các cấp thiếu cảm xúc, dẫn đến sự vô cảm với nỗi đói kém của người dân. Cảm xúc cần nhưng không thể giải quyết vấn đề. Cái cần nhất là cần một chính sách hợp lý, một hệ thống điều hành từ trên xuống dưới. Có đầy cảm xúc nhưng thiếu chính sách, thiếu cơ chế điều hành, thiếu kỷ cương trách nhiệm thì chuyện cả nước thừa gạo mà học sinh ở một địa phương phải mang mì, mang ngô đến trường sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Anh TRẦN ĐẠI LONG (nhân viên Ngân hàng Đông Á chi nhánh Tiền Giang):

Còn nhiều nghịch lý khác

Tôi cho rằng đây không chỉ là một câu hỏi mà còn là một lời tự vấn. Lời tự vấn ấy không chỉ Thủ tướng mà rất nhiều người dân cũng luôn tự hỏi, tự đặt ra. Trách nhiệm trả lời nằm ở tất cả chúng ta, vấn đề là chúng ta có dám đặt ra những câu hỏi, dám đối diện với những sự thật như vậy hay không?

Bởi đất nước hiện đâu chỉ có mỗi nghịch lý về chuyện xuất khẩu gạo mà trẻ em vẫn phải mang mì, mang khoai đến lớp. Còn bao nhiêu nghịch lý khác được báo chí nêu, người dân kêu, chắc Thủ tướng cũng nghe cấp dưới báo cáo mỗi ngày... Đó là những nghịch lý như chuyện thu phí giao thông, chuyện học hành của con em mỗi nhà, những con tàu hàng triệu USD nằm phơi sương gió... Tôi rất mừng nếu Thủ tướng đặt câu hỏi về những chuyện này.

Ông LÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp