04/06/2015 11:28 GMT+7

Ai sẽ thay “bố già”?

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Ông Blatter “bỏ của chạy lấy người” vì sợ nhà chức trách Mỹ sờ gáy? Và liệu FIFA thay đổi như thế nào sau khi “bố già” ra đi?

Sepp Blatter rời khỏi phòng họp báo sau khi công bố quyết định từ chức ngày 2-6 - Ảnh: AFP
Sepp Blatter rời khỏi phòng họp báo sau khi công bố quyết định từ chức ngày 2-6 - Ảnh: AFP

Cả thế giới bóng đá kinh ngạc và hân hoan khi chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố từ chức chỉ bốn ngày sau khi tái đắc cử. Phải chăng ông Blatter “bỏ của chạy lấy người” vì sợ nhà chức trách Mỹ sờ gáy? Và liệu FIFA thay đổi như thế nào sau khi “bố già” ra đi?

Bỏ của chạy lấy người?

Trong bài phát biểu dài bốn phút trước giới truyền thông tại Zurich (Thụy Sĩ) ngày 2-6, ông Blatter thừa nhận: “Dù tôi nhận được sự ủng hộ của các thành viên FIFA, nhưng tôi không có được sự tín nhiệm của cả thế giới bóng đá, các cổ động viên, cầu thủ, những người đã sống, thở và yêu bóng đá nhiều như chúng tôi ở FIFA. Do đó tôi quyết định rút lui trước một cuộc bầu cử chủ tịch bất thường. Từ nay đến cuộc bầu cử đó, tôi sẽ tiếp tục thực thi vai trò của mình ở FIFA”.

Đó là tuyên bố từ chức, dù ông Blatter không hề nhắc đến động từ này trong suốt bài phát biểu. Cả thế giới bóng đá choáng váng, giới truyền thông mô tả đây là “thông tin phi thường”.

Sự kiện ông Blatter rút lui chỉ bốn ngày sau khi rạng rỡ ăn mừng việc tái đắc cử khiến ngay cả những người căm ghét ông nhất cũng phải há hốc miệng kinh ngạc. Vậy nguyên nhân nào buộc ông vứt bỏ sự nghiệp cả đời mình, dứt khỏi chiếc ghế quyền lực nhất của thế giới bóng đá?

Giới truyền thông nhận định có nhiều nguyên nhân buộc ông Blatter phải vẫy cờ trắng đầu hàng. Thứ nhất, hôm 1-6 báo New York Times đưa tin tổng thư ký FIFA Jerome Valcke chính là người đã thông qua ba lượt chuyển khoản 10 triệu USD tiền FIFA hỗ trợ Nam Phi cho Liên đoàn Bóng đá Caribbean (CFU) của cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner hồi năm 2008. Theo kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ và FBI, đây là khoản tiền Nam Phi “trả ơn” ông Warner vì đã bỏ phiếu giúp Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010.

Ngay sau đó, Ủy ban Điều hành FIFA tuyên bố ông Valcke không hề dính líu gì đến số tiền 10 triệu USD này, và cựu chủ tịch Ủy ban Tài chính FIFA Julio Grondona, người qua đời hồi năm ngoái, mới là nhân vật thông qua khoản tiền này. Nhưng FIFA đã “há miệng mắc quai”. Giới truyền thông Anh sau đó đăng tải bức thư chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Phi Molefi Oliphant gửi ông Valcke hồi tháng 3-2008, đề nghị FIFA chuyển số tiền 10 triệu USD cho CFU để tiếp vốn cho một chương trình phát triển bóng đá do ông Warner “quản lý và thực hiện”. FIFA hết cửa chối cãi.

Bất thình lình ông Valcke trở thành tâm điểm của mọi nghi ngờ. Ông là “phó tướng” cực kỳ thân cận của ông Blatter, do đó dư luận quốc tế nhận định chủ tịch FIFA không thể không biết gì về vụ chuyển khoản 10 triệu USD hết sức bất thường này. Chưa hết, cả báo New York Times, báo USA Today và Hãng tin ABC News đều dẫn lời các quan chức tư pháp Mỹ giấu tên cho biết FBI cũng đang điều tra ông Blatter. Nguồn tin này tiết lộ cơ quan điều tra hi vọng một số quan chức FIFA bị truy tố sẽ khai báo thông tin có thể gây bất lợi cho ông Blatter.

“Họ muốn cứu bản thân nên sẽ có một cuộc đua xem ai là người phản thùng ông Blatter trước” - một quan chức Mỹ mô tả. Trang web thể thao Bleacher Report cũng đưa tin vài ngày qua, ông Blatter liên tục phải đón tiếp đại diện các công ty tài trợ FIFA ở Zurich (Thụy Sĩ). Các đại diện này bày tỏ lo ngại ông Blatter đã mất uy tín quá nhiều đến mức không thể khôi phục lại, và điều đó ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến FIFA.

Trước sức ép từ mọi phía, ông Blatter có thể đã quyết định “bỏ của chạy lấy người”. Một số chuyên gia nhận định có thể ông Blatter từ chức để giảm sức ép đang đổ dồn lên vai ông, qua đó có thể “hạ cánh an toàn”. Nhưng báo chí Mỹ cho rằng sẽ không có chuyện FBI dừng điều tra ông Blatter chỉ vì ông từ chức.

Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke (phải) và Blatter sẽ phải đối diện với ngày tháng sóng gió phía trước - Ảnh: Reuters
Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke (phải) và Blatter sẽ phải đối diện với ngày tháng sóng gió phía trước - Ảnh: Reuters

Platini hay hoàng tử Ali?

Có một điều chắc chắn là ông Blatter sẽ không lập tức rời trụ sở FIFA ở Zurich. Theo quy định, FIFA phải cần bốn tháng để thông báo cho các nước thành viên cuộc họp đặc biệt về việc bầu cử chủ tịch mới.

Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán FIFA Domenico Scala xác định cuộc họp đặc biệt chỉ có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2016. Như vậy, ông Blatter sẽ còn tại vị trong tối đa chín tháng nữa. Không ít người bày tỏ lo ngại ông Blatter có thể sẽ... đổi ý, không từ chức nữa hoặc tìm cách cản trở cuộc họp đặc biệt. Hồi năm 2011 ông Blatter từng hùng hồn cam kết sẽ không tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng rồi thất hứa.

Giới truyền thông đánh giá có một số ứng cử viên nổi bật có thể thay thế ông Blatter. Đầu tiên là phó chủ tịch FIFA Ali bin Al-Hussein, người bị ông Blatter đánh bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Hoàng tử Ali được đánh giá là một nhân vật đáng tin cậy, có đức độ, đủ sức khôi phục uy tín FIFA. Khi tranh cử ông cam kết sẽ cải tổ FIFA và tăng cường sự minh bạch của tổ chức này. Ứng cử viên thứ hai là chủ tịch UEFA Michel Platini, người từng đóng góp lớn lao cho bóng đá châu Âu. Ông Platini cũng không ít lần bày tỏ tham vọng lãnh đạo FIFA.

Một nhân vật khác có nhiều cơ hội là Jerome Champagne, cựu thành viên Ủy ban Điều hành FIFA, từng giữ chức cố vấn cho rất nhiều liên đoàn bóng đá. Ông được xem là người đóng vai trò quyết định trong rất nhiều chương trình phát triển bóng đá của FIFA ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi.

Báo chí cũng nhắc đến huyền thoại bóng đá Bồ Đào Nha Luis Figo, người từng tranh cử chủ tịch FIFA mới đây nhưng rút lui. Cũng không nên quên chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh Greg Dyke, người mở chiến dịch công kích ông Blatter dữ dội thời gian qua. Vấn đề là liệu FIFA có cải tổ hay không sau khi ông Blatter ra đi.

Theo nhà bình luận bóng đá Phil McNulty của trang BBC Sports, đây không phải là điều dễ dàng, bởi cơ cấu hiện tại của FIFA là 206 thành viên có quyền bỏ phiếu tương đương nhau, những nền bóng đá nghèo, chậm phát triển dễ trở thành đối tượng bị tham nhũng tấn công.

Ông McNulty cho rằng với việc ông Blatter từ chức, có thể các nền bóng đá lớn ở châu Âu sẽ phá bỏ cán cân quyền lực hiện tại ở FIFA để giành lợi thế cho mình. Tuy nhiên cũng có không ít tiếng nói bảo vệ quyền lợi của các nền bóng đá châu Á và châu Phi. Nói gì thì nói, ông Blatter vẫn có công toàn cầu hóa bóng đá.

Một số nhà phân tích cho rằng trước mắt FIFA có thể tẩy rửa hình ảnh bằng những hành động thiết thực, bao gồm minh bạch hóa toàn diện quy trình lựa chọn quốc gia đăng cai World Cup. Và FIFA cũng cần lập tức công bố báo cáo điều tra của cựu công tố viên Mỹ Michael Garcia về quá trình đấu thầu quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. Trước đó FIFA đã cản trở việc công bố báo cáo này.

Và giới truyền thông dự báo có khả năng Qatar sẽ bị tước quyền đăng cai World Cup 2022. Hiện chính quyền Thụy Sĩ vẫn đang điều tra quy trình đấu thầu đăng cai World Cup 2018 và 2022. Qatar bị chỉ trích dữ dội thời gian qua. Việc Nga đăng cai World Cup 2018 cũng gây tranh cãi nhưng đã quá trễ để thay đổi địa điểm.

______________

(*) Vì lý do ông Blatter từ chức đầy bất ngờ, nên chúng tôi kéo dài hồ sơ Những ngày đen tối của FIFA thêm một kỳ.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp