Hai nhà khoa học Kip Thorne (phải) và Rainer Weiss (trái) trong buổi họp báo công bố sự tồn tại của sóng hấp dẫn ở Washington (Mỹ) ngày 11-2 vừa qua - Ảnh: AFP |
Theo AFP, các nhà nghiên cứu đã giúp phát hiện sóng hấp dẫn và những người từng chứng minh sự hiện diện của vật chất tối trong vũ trụ (công trình này đã có 40 năm trước) được xem là thuộc trong số các ứng viên xuất sắc có thể đón nhận giải Nobel Vật lý công bố lúc 11g45 ngày hôm nay (4-10) tại Stockholm (Thụy Điển), tức khoảng 16g45 giờ VN.
Nghiên cứu về sóng hấp dẫn của nhà khoa học Anh Ronald Drever và nhóm khoa học gia Mỹ Kip Thorne và Rainer Weiss đã nhận nhiều giải thưởng cao quí của ngành vật lý thiên văn trong năm nay.
Vào tháng 9-2015, lần đầu tiên họ quan sát được sóng hấp dẫn từ sự sáp nhập của hai lỗ đen ở một vị trí cách chúng ta khoảng hơn một tỉ năm ánh sáng. Đây là phát hiện mang tính đột phá kép bởi nó lần đầu tiên khẳng định một cách trực tiếp sự tồn tại của sóng hấp dẫn và sự sáp nhập của hai lỗ đen.
Phát hiện này giúp mở ra một cánh cửa mới nhìn vào vũ trụ cũng như hiểu thêm về những bí mật của vũ trụ. Nó cũng giúp củng cố thêm tiên đoán của bác học Albert Einstein trong thuyết tương đối ông từng trình bày cách đây 100 năm.
Theo thuyết tương đối của Albert Einstein, không gian và thời gian tạo thành một thể thống nhất gọi là không-thời gian. Sóng hấp dẫn là những gợn của độ cong không-thời gian lan truyền từ vật có khối lượng ra ngoài không gian. |
Khám phá của nhóm khoa học gia Anh và Mỹ mở ra một chương mới cho ngành thiên văn học hiện đại. Từ nay vũ trụ sẽ được quan sát bởi một công cụ mới đó là sóng hấp dẫn mà trước đây chúng ta không tiếp cận được. Trong tương lai gần, độ nhạy của các cảm biến ghi nhận sóng hấp dẫn sẽ tiếp tục được cải thiện.
Drever, Thorne và Weiss đã kêu gọi lập ra đài quan sát LIGO (viết tắt của Đài quan sát Sóng hấp dẫn Giao thoa kế Laser) do Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ. Hiện có hơn 1.000 nhà khoa học đến từ 16 nước tham gia dự án.
LIGO trị giá 620 triệu USD là đài quan sát sóng hấp dẫn lớn nhất trên thế giới và là một trong những thí nghiệm phức tạp nhất trên thế giới. Đài quan sát bao gồm hai giao thoa kế laser khổng lồ, giống hệt và được đặt cách nhau hơn 3.000 km tại Livingston (bang Lousiana) và Hanford (Washington).
LIGO được các nhà khoa học từ Viện Công nghệ California (Caltech) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đề xuất xây dựng vào năm 1992. Viện Công nghệ California (Caltech) rất lừng danh tại Mỹ và thế giới: các nhà khoa học của nơi này từng lấy được 17 giải Nobel các lĩnh vực cho đến nay.
Sóng hấp dẫn được Albert Einstein dự đoán tồn tại trên cơ sở thuyết tương đối tổng quát cách đây đúng một thế kỷ (1916). Từ đó đến nay nhiều nỗ lực đã được thực hiện để ghi nhận sóng hấp dẫn một cách trực tiếp nhưng đều thất bại.
Năm 1974, các nhà khoa học đã thu được bằng chứng không trực tiếp về sự tồn tại của sóng hấp dẫn từ nghiên cứu tốc độ suy giảm chu kì quay của một hệ hai sao xung PSR 1913+16. Giải Nobel Vật lý Năm 1993 được trao cho Russell A. Hulse và Joseph H. Taylor Jr. cho khám phá này.
Ngày hôm qua (3-10), giải Nobel Y học thứ 106 đã được quyết định trao cho ông Yoshinori Ohsumi, nhà khoa học người Nhật, nhờ khám phá các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Đây là thành tựu khám phá ra cơ chế tự thực, một quá trình cơ bản trong tế bào. Nghiên cứu này giúp mở ra nhiều hướng đi cho giới nghiên cứu trong việc tìm ra phương pháp mới chữa trị nhiều căn bệnh của con người.
Hai nhà khoa học Takaaki Kajita và Arthur McDonald, đồng đoạt giải Nobel Vật lý 2015 - Ảnh: AFP |
Điểm lại các giải của năm 2015 - Nobel Y học: Phương pháp điều trị sốt rét và ký sinh trùng Giải thưởng được chia hai, 1/2 trao cho ông William C Campbell (Mỹ) và ông Satoshi Omura (Nhật Bản) vì tìm ra liệu pháp mới chống nhiễm trùng do giun tròn kí sinh, và 1/2 còn lại trao cho bà Youyou Tu - Trung Quốc vì nghiên cứu phương thuốc mới chống lại sốt rét. - Nobel Vật lý: Giải mã "hạt ma" neutrino - siêu hạt cấu tạo nên vũ trụ Giải thưởng này được cùng trao cho hai nhà khoa học Takaaki Kajita, Arthur B. McDonald trong việc khám phá ra khối lượng của neutrino - siêu hạt cấu tạo nên vũ trụ và tính chất biến đổi của nó. - Nobel Hóa học: nghiên cứu ADN chữa ung thư Giải thưởng Nobel hóa học được trao cho Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar vì công trình nghiên cứu về cơ chế sửa chữa ADN trong tế bào - vật chất di truyền cơ bản của mọi sinh vật sống. - Nobel Văn học: khắc họa chân thực hình ảnh của Liên bang Xô viết trong lịch sử nhân loại Giải thưởng thuộc về nữ nhà văn Svetlana Alexievich người Ukraine cho công trình "Bách khoa toàn thư về thời kỳ Xô Viết". - Nobel Hòa bình: đóng góp mang tính quyết định để xây dựng nền dân chủ đa nguyên tại Tunisia. Giải thưởng được trao cho Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia, là một nhóm gồm bốn tổ chức khác nhau đóng vai trò trung tâm trong việc nỗ lực xây dựng nền dân chủ đa nguyên tại Tusinia. Bộ tứ này gồm 4 tổ chức quan trọng trong xã hội dân sự Tunisia: Tổng liên đoàn lao động Tunisia (UGTT), Liên đoàn công nghiệp Tunisia (UTICA), Liên đoàn nhân quyền Tunisia (LTDH) và Hiệp hội luật sư Tunisia. Với vai trò của mình, 4 tổ chức nói trên đã đóng vai trò là lực lượng trung gian hòa giải và thúc đẩy tiến trình dân chủ hòa bình ở quốc gia này. Trong bối cảnh nhiều nước đang lâm vào cảnh hỗn loạn, như Syria, Yemen... cùng với tác động của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, Ủy ban Nobel Na Uy đã chọn tôn vinh một đất nước chấp nhận đi con đường khác, từ đó hy vọng đây sẽ là tấm gương để những nước khác noi theo. - Nobel Kinh tế: mối quan hệ giữa tiêu dùng và đói nghèo Người được trao tặng giải thưởng này là Angus Deaton, nhà kinh tế học gốc Scotland, đồng thời là giáo sư Đại học Princeton, Mỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận