08/10/2015 11:16 GMT+7

Ai sẽ nhận Nobel hòa bình?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Trong mùa Nobel, giải hòa bình luôn gây nhiều dự đoán và tranh cãi ồn ào nhất. Năm nay có tới 273 ứng cử viên cạnh tranh giải thưởng danh giá này bao gồm nhiều cái tên lớn.

Dòng người tị nạn xếp hàng chờ đăng ký ở Berlin, Đức. Khủng hoảng tị nạn dự báo sẽ là chủ đề chính của giải Nobel hòa bình năm nay - Ảnh: Reuters

Theo AFP, dự đoán người đoạt giải Nobel hòa bình luôn là nhiệm vụ bất khả thi, bởi danh sách bầu chọn được giữ bí mật liên tục từ suốt 50 năm qua. Năm nay có tới 273 người nằm trong danh sách này.

Một số chuyên gia nghiên cứu giải Nobel cho rằng vinh dự này nên được trao cho những người đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn làm chấn động châu Âu.

Đến nay, hơn 630.000 người tị nạn đã bỏ chạy khỏi châu Phi và Trung Đông để tìm đường đến châu Âu, khiến chính quyền các nước Liên minh châu Âu (EU) lao đao.

Theo chuyên gia Kristian Berg Harpviken, giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Prio), Thủ tướng Đức Angela Merkel là sự lựa chọn xứng đáng nhờ chính sách mở cửa tiếp đón người tị nạn.

Tuy nhiên nhóm Nobeliana của các sử gia nghiên cứu giải Nobel đánh giá Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và linh mục người Ertriea Mussie Zerai, người giúp giải cứu người tị nạn vượt Địa Trung Hải, mới xứng đáng với giải Nobel hòa bình năm 2015. UNHCR từng đoạt hai giải Nobel vào năm 1954 và 1981.

Năm qua, bạo lực bùng nổ ở Syria, Iraq, châu Phi và miền đông Ukraine, nhưng thế giới cũng đạt được những bước tiến đáng kể để xây dựng hòa bình. Hồi tháng 7, chính quyền Iran đạt thỏa thuận lịch sử với các cường quốc về việc hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế nghặt nghèo.

Cựu ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho rằng trong bối cảnh đó, Ủy ban Nobel sẽ dễ dàng lựa chọn người chiến thắng hơn nhiều. Trong trường hợp này, giải Nobel hòa bình có thể được trao cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif, và có thể cả Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini và người tiền nhiệm Catherine Ashton.

Ủy ban Nobel cũng có thể sẽ tôn vinh các nỗ lực chống vũ khí hạt nhân để kỷ niệm 70 năm hai vụ đánh bom hạt nhân thành phố Hiroshima và Nagasaki ở Nhật. Các giải Nobel hòa bình năm 1975, 1985, 1995 và 2005 đều đi theo con đường này.

AFP dẫn lời giáo sư Peter Wallensteen thuộc ĐH Uppsala (Thụy ĐIển) cho rằng tổ chức Chiến dịch Bãi bỏ vũ khí hạt nhân quốc tế (ICAN) sẽ là ứng cử viên lớn.

Một thỏa thuận hòa bình đột phá khác là thỏa thuận giữa chính quyền Colombia với tổ chức ly khai FARC đạt được hồi tháng trước. Tuy nhiên chuyên gia Asle Sveen thuộc nhóm Nobeliana cho rằng giải thưởng trao cho thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận Colombia sẽ là quá sớm.

Những cái tên khác được nhắc đến với công lao chống đói nghèo và bất công xã hội, bảo vệ môi trường.. cũng được nhắc đến là giáo hoàng Francis hay bác sĩ Denis Mukwege, người chữa trị cho hàng nghìn phụ nữ bị cưỡng hiếp tại miền đông CH Congo.

Cuộc chiến bảo vệ tự do ngôn luận cũng có thể là chủ đề chính của giải Nobel hòa bình năm nay, năm diễn ra vụ thảm sát đẫm máu ở tạp chí biếm Charlie Hebdo tại Pháp và vụ tấn công khủng bố ở Copenhagen (Đan Mạch).

Khi đó, nhà báo Đan Mạch Flemming Rose, người xuất bản biếm họa nhà tiên tri Mohammed hồi năm 2005, blogger người Saudi Arabia Raif Badawi hay “người thổi còi” Edward Snowden đều là các ứng cử viên nổi bật. 

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp