06/10/2016 14:55 GMT+7

Ai sẽ lấy Nobel Hòa bình 2016?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Với 376 đề cử cho giải thưởng Nobel Hòa bình, năm nay có số đề cử kỷ lục. 228 cá nhân và 148 tổ chức, ai sẽ là chủ nhân giải thưởng cao quí này là câu hỏi không dễ trả lời.

Giải thưởng Nobel hòa bình 2016 sẽ được công bố trưa ngày 7-10 (vào khoảng 16g, giờ VN). Trái với các giải Nobel khác, giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra.

Xin điểm qua danh sách ứng viên sáng giá từ một số cơ quan, báo đài.

- Lựa chọn của Viện nghiên cứu hòa bình Oslo

Theo báo USA Today, kể từ năm 2002, Viện nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO) vẫn thường cung cấp một danh sách chốt những ứng cử viên mà họ cảm thấy xứng đáng hơn cả với giải thưởng danh giá này. Danh sách đó do giám đốc PRIO, ông Kristian Berg Harpviken lựa chọn.

Hôm 3-10, ông Harpviken đã loại bỏ Colombia khỏi danh sách của mình sau khi người dân Colombia bỏ phiếu phản đối thỏa thuận hòa bình lịch sử chấm dứt 52 năm xung đột giữa lực lượng chính phủ và lực lượng nổi dậy FARC.

Cũng theo ông Harviken, tỉ phú New York kiêm ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và nữ diễn viên Susan Sarandon cũng đã được đề cử.

Theo đó, ông Trump được đề cử vì "tinh thần hòa bình mãnh liệt thông qua việc lý tưởng mạnh mẽ của ông ấy đã được vận dụng như một thứ vũ khí chống lại Hồi giáo cực đoan, Nhà nước Hồi giáo, hạt nhân Iran và Trung Quốc", còn diễn viên Sarandon được đề cử vì "đã giúp đỡ người tị nạn ở Hi Lạp".

Trong danh sách chốt của ông Harviken, gồm có:

1. Svetlana Gannushkina (Nga)

Bà Svetlana Gannushkina trong một buổi họp báo tại Matxcơva - Ảnh: AFP
Bà Svetlana Gannushkina trong một buổi họp báo tại Matxcơva - Ảnh: AFP

Bà là nhà sáng lập Ủy ban hỗ trợ công dân, một tổ chức chuyên cung cấp hỗ trợ pháp lý, giáo dục và giúp đỡ những người di cư, tị nạn. Công việc của bà tập trung vào các vấn đề nhân quyền của những người buộc phải di dời chỗ ở và của các nhóm dân tộc thiểu số khác tại Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

2. Ali Akbar Salehi (Iran) và Ernest Moniz (Mỹ)

Phó tổng thống Iran kiêm giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi tại Brussels, Bỉ - Ảnh: EPA
Phó tổng thống Iran kiêm giám đốc Cơ quan năng lượng hạt nhân Iran, ông Ali Akbar Salehi - Ảnh: Reuters

Năm ngoái từng có phỏng đoán giải Nobel Hòa bình về tay ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif, ngoại trưởng Mỹ John Kerry hoặc bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu phụ trách ngoại giao và chính sách an ninh, do những nỗ lực đóng góp của họ trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông Harpviken cho rằng trong bối cảnh có vẻ như đang giảm bớt căng thẳng và các quan hệ ngoại giao giữa Iran và phương Tây có thêm sinh khí mới, giải thưởng Nobel hòa bình có thể sẽ được chia sẻ giữa các bộ trưởng năng lượng của Iran và Mỹ.

3. Tổ chức tình nguyện The White Helmets (Syria)

Các nhân viên cứu hộ của tổ chức Mũ bảo hiểm trắng đang khẩn trương ứng cứu các nạn nhân sau loạt không kích tại miền đông Aleppo, Syria - Ảnh: AP
Các nhân viên cứu hộ của tổ chức Mũ bảo hiểm trắng đang khẩn trương ứng cứu các nạn nhân sau loạt không kích tại miền đông Aleppo, Syria - Ảnh: AFP

Với các thành viên gồm toàn những người dân thường, tổ chức Phòng vệ dân sự Syria hay còn gọi là tổ chức The White Helmets (Mũ bảo hiểm trắng) là một nhóm các tình nguyện viên làm nhiệm vụ cứu hộ.

Họ là những người đã không quản sinh mệnh của mình, lao vào các tòa nhà đổ nát vì bom đạn tại Syria trong suốt 5 năm xảy ra nội chiến tại quốc gia này để cứu giúp những người bị nạn.

Mạng lưới hoạt động của tổ chức có khoảng 3.000 tình nguyện viên và đã cứu được khoảng 60.000 người.

4. "Người thổi còi" Edward Snowden (Mỹ)

Edward Snowden (giữa) phát biểu trong một hội nghị qua video với cử tọa tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ - Ảnh: AFP

Với một số người, Snowden là một kẻ phản bội đáng bị bỏ tù vì đã tiết lộ thông tin về chương trình do thám quy mô lớn của chính phủ Mỹ.

Nhưng với những người khác, anh lại là một "người thổi còi" anh hùng. Nhờ những tố cáo của anh đã dẫn tới những cải cách quan trọng về chính trị và luật pháp.

Và đương nhiên với những người ủng hộ, Edward Snowden hoàn toàn không đáng bị buộc phải sống lưu vong tại Nga.

5. Jeanne Nacatche Banyere, Jeannette Kahindo Bindu và tiến sĩ Denis Mukwege (CHDC Congo)

Ông Denis Mukwege phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp - Ảnh: AP
Ông Denis Mukwege phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp - Ảnh: AFP

Đây là ba bác sĩ phụ khoa chuyên hỗ trợ điều trị các nạn nhân bị cưỡng hiếp hoặc bị bạo lực tình dục tại CHDC Congo.

Hai bà Banyere và Bindu đã hỗ trợ cho những người phụ nữ bị tấn công tình dục trên toàn lãnh thổ CHDC Congo. Trong khi đó ông Mukwege thành lập một bệnh viện dành riêng cho công việc này và bản thân ông cũng trực tiếp điều trị cho hàng ngàn phụ nữ.

- Dự đoán của báo Guardian (Anh)

1. Tổ chức tình nguyện The White Helmets (Syria)

Trong 4 lựa chọn của báo Guardian, lựa chọn đầu tiên trùng quan điểm với Viện nghiên cứu hòa bình Oslo khi cho rằng tổ chức Mũ bảo hiểm trắng ở Syria xứng đáng được trao giải thưởng Nobel hòa bình năm nay.

2. Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: AFP

Năm ngoái, cùng với chính sách mở cửa với người tị nạn, thủ tướng Đức từng là gương mặt đáng kể nhất cho giải thưởng Nobel Hòa bình. Tuy nhiên năm nay, bất chấp việc chính sách nhập cư của bà được ca ngợi bên ngoài nước Đức thì trong nước, nó lại trở thành vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc.

Nhiều người dân Đức đang đặt câu hỏi liệu có phải vì làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ vào Đức hơn một năm qua nên nước Đức trở nên kém an toàn hơn không.

Bà Merkel có lẽ sẽ là người đầu tiên đồng ý rằng bà không cần một giải Nobel lúc này để gây thêm áp lực cho bản thân. Và hội đồng thẩm định nên ủng hộ bà và nước Đức bằng cách chờ thêm một thời gian nữa, ít nhất là cho tới lúc bà nghỉ hưu.

3. Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis - Ảnh: AFP

Trước đây chưa từng có Giáo hoàng nào được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình. Tuy nhiên theo quan sát của báo Guardian, có vẻ như giáo hoàng Francis là một ứng cử viên sáng giá của giải thưởng năm nay.

Kể từ khi trở thành lãnh đạo giáo hội ba năm rưỡi trước đây, Giáo hoàng Francis đã giành được lòng cảm mến của hàng triệu người trên thế giới, không chỉ với các tín đồ Thiên Chúa giáo, chính bởi lập trường mạnh mẽ của ông trong các vấn đề như người tị nạn, đói nghèo và biến đổi khí hậu.

4. Những người dân trên đảo Hi Lạp

Nằm ở ngay "tuyến đầu" của cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2, những người dân trên đảo Lesbos được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình vì trong lúc chính đời sống của họ còn vô vàn khó khăn, chật vật, họ vẫn sẵn lòng mở cửa cưu mang những người tị nạn Syria trong hành trình vượt biển tìm miền đất mới.

Một tình nguyện viên đưa một bé gái được cứu sống sau khi chiếc thuyền chở người tị nạn và di dân bị chìm gần đảo Lesbos của Hi Lạp - Ảnh: Reuters
Một tình nguyện viên hỗ trợ một bé gái được cứu sống sau khi chiếc thuyền chở người di dân bị chìm gần đảo Lesbos của Hi Lạp - Ảnh: Reuters

5. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và lãnh đạo lực lượng FARC, Rodrigo Londoño "Timochenko"

Tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos (trái), và lãnh đạo lực lượng FARC, Rodrigo Londoño, còn gọi là Timochenko, bắt tay nhau trong lễ ký thỏa thuận hòa bình lịch sử - Ảnh: AFP 

Đây là hai nhân vật đã đóng vai trò chính trong việc đạt được thỏa thuận lịch sử vừa qua chấm dứt 52 chiến tranh giữa quân đội chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC).

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp