Thương hiệu Huawei đang gặp rắc rối từ các quyết định của chính quyền ông Trump - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo đài CNBC, ngày 20-5 chính phủ Mỹ công bố cho tập đoàn Huawei thêm thời hạn 90 ngày để tiến hành các giao dịch mua hàng của Mỹ để duy trì hoạt động của các hệ thống mạng hiện có và cung cấp các phiên bản phần mềm cập nhất cho các thiết bị cầm tay hiện có.
Tuy nhiên, đài CNBC dẫn ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, bất kể khoảng thời gian gia hạn tới 3 tháng, đó cũng không phải thông tin có thể làm thay đổi tình thế nan giải hiện nay với Huawei.
3 tháng "hoãn thi hành án"
"Điều này sẽ không thể đảo ngược tình thế theo kiểu một sớm một chiều với Huawei", bà Nicole Peng - Phó chủ tịch phụ trách mảng di động tại công ty phân tích độc lập Canalys, nhận định.
"Vấn đề lớn nhất với họ ngay lúc này là sự thiếu chắc chắn", bà Peng cho biết thêm là các nhà cung cấp của Huawei đang rất lo lắng về tính liên tục trong hoạt động kinh doanh, căn cứ vào thực tế trong năm qua họ đã ngày càng tăng cường lệ thuộc hơn vào hãng công nghệ Trung Quốc.
Còn theo ông Anshel Sag, chuyên gia phân tích tại công ty Moor Insights & Strategy, việc Google tuyên bố ngừng hợp tác làm ăn với Huawei, kéo theo đó là các công ty như Intel, Qualcomm và Broadcom cũng thông báo ngừng cung cấp hàng cho Huawei đã khiến chính quyền ông Trump phải lập tức ban hành thông báo nới lỏng lệnh cấm với Huawei trong 90 ngày vì lo ngại hệ lụy khôn lường từ cái gọi là "hiệu ứng quả cầu tuyết" lớn nhanh khó kiểm soát.
Cũng theo chuyên gia Sag, tình thế hiện tại liên quan tới Huawei "có vẻ như rõ ràng mang tính chính trị và có liên quan tới chiến tranh thương mại".
Về phần mình, Huawei vẫn tỏ ra cứng cỏi trước sức ép dội đến từ Mỹ. Nhà sáng lập công ty này, ông Nhậm Chính Phi, phát biểu trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 21-5, cho rằng "các hành động của chính phủ Mỹ lúc này cho thấy họ đã đánh giá thấp năng lực của chúng tôi".
"Tôi không nghĩ là Huawei sẽ thay đổi định hướng của họ", ông Sag nói. "Rốt cuộc thì Huawei hiểu rõ điều gì là tốt nhất với doanh nghiệp của họ để hành động như thể không hề bận tâm tới khoảng ngưng 90 ngày".
Trong khi đó, về phần mình, công ty Google cho biết khoảng thời gian 3 tháng gia hạn sẽ giúp họ "tiếp tục cung cấp các bản cập nhật phần mềm và các bản vá bảo mật cho những dòng sản phẩm hiện có của Huawei".
Ai hưởng lợi?
Trong bối cảnh Huawei gặp phải "làn gió ngược" tại Mỹ, những thảo luận của giới chuyên gia phân tích lúc này chuyển sang vấn đề ai sẽ hưởng lợi từ thế khó của Huawei trong thời gian tới, cả về trước mắt lẫn lâu dài.
"Bên giành thắng lợi lớn nhất về lâu dài sẽ là các hãng công nghệ của Mỹ, tuy nhiên về ngắn hạn, quan hệ căng thẳng giữa hai nước sẽ gia tăng cơ hội cho Hàn Quốc", ông Daniel Yoo, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược toàn cầu tại công ty Kiwoom Securities, nhận định.
Ở phân khúc thị trường smartphone, nơi Huawei đang giữ vị thế là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, hãng Samsung của Hàn Quốc sẽ là bên hưởng lợi.
Dữ liệu của hãng Canalys cho thấy tỉ lệ tăng trưởng thường niên của Samsung về lượng hàng hóa bán đi trên toàn cầu đã giảm 10% trong quý đầu năm 2019, trong khi Huawei tăng 50,2% cùng kỳ. Cũng trong giai đoạn này, tăng trưởng doanh số bán điện thoại của Apple giảm 23,2%.
Bà Peng của công ty Canalys đồng tình với nhận định của ông Daniel Yoo, cho rằng Samsung là công ty có sự "chồng lấn" nhiều nhất với hãng công nghệ Trung Quốc cả về phương diện sản phẩm lẫn các phân khúc thị trường.
Ngoài ra ông Sag cũng nhắc tới những bên hưởng lợi khác là các đối thủ trong nước của Huawei như Vivo và Oppo. Đó cũng sẽ là những công ty được "tiếp thêm năng lượng" từ cú "hụt chân" của Huawei tại thị trường Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận