Phóng to |
Kép đàn lừng danh một thuở Nguyễn Văn Hồng hằng tuần vẫn ôm cây đàn lên phố cổ biểu diễn dù đường xa và khách nghe ca trù ngày càng vắng. |
Lý do của việc nâng cấp này - theo những người trong cuộc - là để xứng tầm với danh hiệu.
Như vậy, theo đúng quy định hiện hành, ít nhất một năm nữa nghị định mới có thể ban hành và tới lúc đó mới có thể bàn đến việc phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân dân gian. Lời phát biểu của ông cục trưởng Cục Di sản văn hóa từ năm 2011 khi trả lời câu hỏi bao giờ phong tặng nghệ nhân - “Tôi nói 2-9 chứ có nói năm nào đâu” - một năm sau xem ra vẫn còn nguyên ý nghĩa.
Tháng 3 và tháng 10-2011, Tuổi Trẻ cũng đã có nhiều bài viết đề cập vấn đề này như: “Phần thưởng và sự biết ơn”, “Vinh danh nghệ nhân đâu quá khó”, “Bao giờ cho được... nghệ nhân?”... Chờ chính sách, năm nọ đã nối năm kia, còn các nghệ nhân, người nọ nối người kia đã ra đi một cách lặng lẽ.
Còn ai chờ nổi?
Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khi nghe tin này cũng phải thốt lên: “Các cụ đi gần hết rồi, còn ai chờ nổi “ông” nghị định!”. Sau những cái tên như Trần Kích, Trượng Tốn thì những nghệ nhân ca trù Phan Thị Mơn, Nguyễn Thị Kim cũng theo nhau về trời. Bà Mơn (ca trù Cổ Đạm, Hà Tĩnh) ra đi cuối năm 2011 mà chẳng ai biết. Nghệ nhân cuối cùng của lối hát ca trù Thanh Hóa Nguyễn Thị Kim mất đến nửa năm nay cũng chẳng ai hay…
Đó là số phận của rất nhiều người mà chúng ta vẫn gọi “báu vật dân gian sống”.
Cho đến ngày mất, chưa ai nhìn thấy chút danh hiệu của Nhà nước, chưa ai thấy mặt chính sách đãi ngộ như nhiều lời hứa hẹn. Dù rằng không có họ, ca trù khó trở thành di sản thế giới.
Tháng 10-2011, Liên hoan ca trù toàn quốc diễn ra ở Hà Nội, ca nương 89 tuổi Nguyễn Thị Kim được mời lên nhận danh hiệu nghệ nhân của Hội Văn nghệ dân gian. Bà không có mặt, mọi người mặc định là bà già yếu không ra Hà Nội được. Nhưng ít ai biết lúc đó bà Kim đã mất được vài tháng, chút danh hiệu cuối đời cũng thành truy tặng.
Bà Mơn, bà Kim được nhắc tên trong hồ sơ ca trù, tên họ có trên mọi bảng vàng thời kỳ ca trù được phục hồi để làm hồ sơ di sản. Hồ sơ trình Unesco cũng ghi âm đoạn hát của bà Kim, người được đánh giá “một lối hát đặc biệt, rung mịn, nhàn nhã, tròn vành rõ chữ, điều tiết hơi tốt và là người đang lưu giữ những giá trị nguyên gốc, hồn vía của nghệ thuật ca trù”. Nếu họ không giữ tiếng phách, giọng hát, ca trù khó được vinh danh di sản, dù là di sản đang ở dạng “cấp cứu”.
Thẻ bảo hiểm cũng phải chờ… sửa luật
Phóng to |
Ca nương Nguyễn Thị Sinh đang sống những ngày cuối đời trong đau ốm và nghèo khó - Ảnh: H.Hương |
Trong thời gian chờ được phong danh hiệu và những chính sách chăm lo từ phía Nhà nước, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng đề xuất nên cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các nghệ nhân. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết: “Cái cần không hẳn là tiền hỗ trợ, mà tuổi các cụ đã già, rất cần có một thẻ bảo hiểm y tế để các cụ có thể khám sức khỏe định kỳ và được hỗ trợ y tế khi cần thiết”.
Theo GS Ngô Đức Thịnh: “Mỗi tháng nghệ nhân quốc gia của Nhật Bản được nhận hàng nghìn USD trợ cấp, ngoài ra việc chữa bệnh, đi lại được miễn phí. Ở Việt Nam, chúng tôi đề xuất cấp sổ bảo hiểm y tế từ nhiều năm nay nhưng Bộ VH-TT&DL nói cấp bảo hiểm là việc của bên lao động - thương binh và xã hội”.
Riêng đại diện Cục Di sản văn hóa thì khẳng định việc cấp thẻ bảo hiểm không hề đơn giản, vì nó liên quan đến bên y tế, lao động - thương binh và xã hội. Không phải cứ đưa ra là được chấp thuận ngay. Muốn khác đi thì phải… sửa luật.
Gần như bị lãng quên Chưa có một con số thống kê đầy đủ về việc có bao nhiêu báu vật sống đã qua đời trong hai năm Bộ VH-TT&DL rục rịch làm thông tư. Hầu hết các nghệ nhân dân gian sống lặng lẽ ở quê, nếu không có chương trình hay việc trọng đại là làm hồ sơ di sản thì gần như họ bị lãng quên. Ngay cả việc truyền dạy cho thế hệ sau nếu không được hỗ trợ cũng rất khó thực hiện. Các mốc thời gian dự kiến ban hành thông tư để xét tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú lần lượt trôi qua. Cho đến nay, với việc soạn thảo một nghị định mới thì việc chờ đợi một danh hiệu nhà nước sẽ được tính tiếp bằng năm. Trong khi cuộc sống của người đợi - những nghệ nhân già - chỉ còn tính bằng ngày, bằng tháng! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận