Dưới đây là chia sẻ của độc giả Hoài Nam, sống ở Hà Nội, về việc sử dụng hệ thống ADAS:
Một số chủ xe phàn nàn về những rắc rối xung quanh việc sử dụng ADAS. Một trong những phàn nàn thường thấy nhất có lẽ là việc bị thắng gấp.
Tôi cho rằng đổ lỗi cho đường đông, khó giữ khoảng cách an toàn chỉ là ngụy biện. Thực tế, nhiều người chỉ sợ người khác cướp mất đường rồi "dí" xe đằng trước. Số khác có thể là do lái kém. Dù là trường hợp nào thì những người như vậy cũng không nên lái xe.
Ra đường là phải giữ khoảng cách an toàn. Giả sử có vấn đề xảy ra, cái cớ đường đông khó giữ khoảng cách an toàn có được luật pháp công nhận hay không?
Đặt vào trường hợp chính mình là người bị hại do xe sau không giữ khoảng cách an toàn với lý do tương tự, ai chấp nhận và xí xóa cho người ta?
Nếu thấy khó giữ khoảng cách an toàn thì đi chậm lại, nới dần khoảng cách với xe đi đằng trước, chứ không nên trông chờ vào công nghệ giải quyết hộ để tránh va chạm, càng không nên đổ lỗi cho công nghệ vì vấn đề của bản thân.
Các hãng cũng đã để ngỏ khả năng cho người dùng tắt hệ thống nếu muốn. Việc hệ thống trở về mặc định mỗi khi khởi động lại xe nhằm đảm bảo an toàn cho những tài xế "đãng trí". Nếu tài xế quên tắt như mong muốn, thì vấn đề nằm ở tài, không phải ở xe.
Ngoài ra, việc hệ thống phanh gấp nhiều khi cũng nằm ở cách lái của tài xế. Đi xe cũng phải biết lúc nào nên rà phanh. Dù xe máy hay ô tô, sẵn sàng phanh khi nhận thấy khoảng cách không đủ tối ưu là thao tác hết sức bình thường.
Khi hệ thống nhận thấy tài xế đã nắm được tình hình và đưa ra cách xử lý, ít khi nào hệ thống can thiệp. Suy cho cùng, các công nghệ "tự lái" thường chỉ can thiệp quyền điều khiển khi nhận thấy tài xế không làm gì cả mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận