Bà Vương Thị Việt Hoa - cháu ruột ông Vương Hồng Sển - cho biết 23 tủ sách chứa hàng trăm quyển sách quý, giá trị được niêm phong, đặt tại nhà cổ ông Vương Hồng Sển, đã mất.
Nhiều sách quý bị mất
Vụ việc được bà Việt Hoa phát hiện vào ngày 10-8 khi bà đại diện gia đình cùng đoàn công tác đến khảo sát hiện trạng ngôi nhà cổ tại địa chỉ số 11 (số cũ 9/1) đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Ngôi nhà cổ của ông Vương Hồng Sển được xếp hạng di tích cấp thành phố theo quyết định số 140/2003/QĐ-UB ngày 5-8-2003 là Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống.
Bà Vương Thị Việt Hoa nói với Tuổi Trẻ Online rằng bà lo hương khói, chăm sóc nhà cổ này từ năm 1996 đến 2004.
Trước khi rời khỏi nhà cổ, bà đã bàn giao lại chìa khóa ngôi nhà cho ba người cháu nội của ông Vương Hồng Sển.
Từ đó bà chưa quay lại ngôi nhà cổ này vì hoàn cảnh gia đình, cho tới ngày 10-8 vừa qua thì bà phát hiện mất 23 tủ sách.
Tường trình gửi cơ quan chức năng
Sau vụ việc, bà Việt Hoa viết đơn tường trình gửi cơ quan chức năng: "Sau khi bác tôi mất ngày 9-12-1996, nhà cổ được niêm phong, có công an canh giữ vòng ngoài.
Ngày 14-10-1996, đã có quyết định thành lập hội đồng giám định bộ sưu tập hiện vật của ông Vương Hồng Sển (lúc này ông Vương Hồng Sển còn sống), do giáo sư Hà Văn Tấn chủ trì.
Ngày 8-7-1997, hội đồng giám định kiểm kê hiện vật, kết quả đánh giá của hội đồng giám định đối với các hiện vật được hiến tặng gồm 849 cổ vật, trị giá trên 1 triệu 300 ngàn USD vào thời điểm đó.
Đến ngày 21-7-1997, Bảo tàng Lịch sử di dời đợt đầu tiên 770 hiện vật, còn để lại 79 hiện vật, giao gia đình chịu trách nhiệm bảo quản.
Suốt thời gian từ 1996 đến 2004, tôi đã giữ gìn nhà cổ, chăm lo nhang khói.
Để tiến hành kế hoạch trùng tu nhà cổ, ngày 13-8-2004, Bảo tàng Lịch sử tiếp nhận, di dời đợt hai 79 hiện vật còn lại.
Thời điểm này, bảo tàng di dời luôn tất cả hiện vật thuộc sở hữu của gia đình gồm 3 bộ bàn thờ cùng các đồ thờ phụng trên bàn thờ; các đồ vật gia dụng phục vụ cho sinh hoạt như giường, tủ, bàn, ghế... (198 hiện vật, trong đó có 77 hiện vật là tài sản hiến tặng).
Ngoài những cổ vật mà Bảo tàng Lịch sử đã tiếp nhận, ngôi nhà cổ còn chứa rất nhiều sách quý hiếm.
Sau khi ông Vương Hồng Sển qua đời, Thư viện Khoa học tổng hợp tiếp nhận một số, Bảo tàng Lịch sử tiếp nhận một số.
Số sách còn lại rất lớn nhưng vì quá cũ, dễ bị hỏng khi di chuyển nên được để lại tại nhà, chứa trong 23 chiếc tủ, có niêm phong.
Sau khi bàn giao 198 hiện vật, trong đó có cả bàn thờ và đồ thờ phụng, tôi tin tưởng rằng sắp tới sở sẽ tiếp quản bảo vệ ngôi nhà cổ để trùng tu nên yên tâm giao nhà, chìa khóa cho các cháu coi sóc.
Nhưng không ngờ, sau khi giao chìa khóa thì nhà cổ bị xâm hại nghiêm trọng.
Mọi hiện vật để lại trong nhà như: 23 tủ sách quý, 2 bộ ván gỗ (thuộc danh sách hiến tặng), 2 đi văng gỗ nguyên bản và một số đồ vật khác đều bị dọn đi mất".
Sách mất thuộc trách nhiệm con cháu ông Vương Hồng Sển
Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá giá trị những cổ vật và sách quý tại nhà ông Vương Hồng Sển (theo quyết định số 4692/QĐ-UB-VX ngày 14-10-1996).
"Vào tháng 7-1997, Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM đã thực hiện di dời các cổ vật về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM gồm 770 hiện vật (còn để lại 79 hiện vật), sách và các tài liệu khác về Thư viện Khoa học tổng hợp gồm 1.402 đầu tài liệu.
Tháng 8-2004, Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM tổ chức thực hiện việc di dời số hiện vật còn lại tại nhà số 9/1 (nay là số 11) đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh về Bảo tàng Lịch sử là 198 hiện vật (bao gồm 135 hiện vật theo danh sách đã kiểm kê năm 1997 và năm 2003, 63 hiện vật di dời bổ sung);
Các cổ vật, sách quý đã được đưa về Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Thư viện Tổng hợp TP.HCM lưu trữ, bảo quản.
Một số hiện vật gắn với sinh hoạt hằng ngày (sập, bàn, tủ, đồ thờ tự) được để lại cho gia đình ông Vương Hồng Sển sinh hoạt, thờ tự.
Kể từ khi xác lập quyền sở hữu nhà nước và được xếp hạng di tích cho đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM và các đơn vị liên quan chưa được nhận bàn giao quản lý trực tiếp công trình di tích.
Do đó, một số hiện vật gắn với sinh hoạt hằng ngày (sập, tủ, đồ thờ tự), sách có nhiều bản bị mất (nếu có) thuộc trách nhiệm của con cháu ông Vương Hồng Sển trực tiếp quản lý và lưu trú trong công trình di tích" - đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nói với Tuổi Trẻ Online.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận