Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) triển khai chống lũ ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) ngày 11-10 - Ảnh: QUÂN KHU 4
Căn nhà của ông chỉ còn bà con lối xóm và đồng đội vào ra ngóng chờ tin. Bà Trần Thị Quảng Bình - vợ ông - và các con đã vào hiện trường ở Phong Điền để tìm chồng.
Lần ghé nhà sau cùng
Từ khi nghe tin thiếu tướng Nguyễn Văn Man và đoàn công tác tìm kiếm cứu nạn gặp chuyện, làng xóm không ai an lòng. Khi mưa gió vừa bùng lên, ông Man nhận nhiệm vụ lên đường chống bão lụt. Từ đơn vị, ông ghé tạt qua nhà lấy mấy bộ áo quần rồi đi thẳng vào Huế. "Ai ngờ đó là lần cuối cùng chú Man ghé nhà!" - ông Nguyễn Văn Phước, hàng xóm và là anh con bác ruột ông Man, buồn bã nói.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Ảnh: QUÂN KHU 4
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man sinh ngày 12-1-1966, quê tại TP Đồng Hới, Quảng Bình. Ông có trình độ chuyên môn cử nhân quân sự, chỉ huy tham mưu, binh chủng hợp thành. Ông được Thủ tướng bổ nhiệm làm phó tư lệnh Quân khu 4 từ tháng 5-2019. Trước khi ra Quân khu 4 làm phó tư lệnh, ông Man từng là chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình; chỉ huy trưởng Ban chỉ quân sự TP Đồng Hới.
Ông Phước cho biết chưa dám báo tin gì về tướng Man với mẹ, vì năm nay cụ đã 95 tuổi, sợ bà không chịu nổi. Bà cụ có sáu người con, ông Man là con út. Căn nhà của thiếu tướng Nguyễn Văn Man ở trong ngõ hẻm của xóm Làng, tên gọi của tổ dân phố 9 Nam Lý ngày xưa, được xây cất trên đất hương hỏa của ba mẹ.
Người làng quý mến ông bởi tính nết hiền hậu và vui vẻ. Ông Phạm San - một người trong làng - kể: "Mỗi lần từ quân khu về thăm nhà, chú ấy hỏi han khắp lượt mọi người. Khi còn ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, việc gì trong làng chú cũng đóng góp, khi rảnh thì xắn tay vào việc luôn".
Một người chỉ huy xem trọng trách nhiệm
Ông Tưởng Đức Nam, đại tá, nguyên phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự TP Đồng Hới, nhớ lại những ngày còn làm việc với đồng đội Nguyễn Văn Man. "Tôi làm việc với anh Man từ năm 2012. Nhớ nhất là phong cách làm việc của anh: quyết đoán, rất trách nhiệm với công việc, chưa khi nào thấy anh ấy đẩy trách nhiệm và công việc cho cấp dưới".
Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man kiểm tra bảo quản vũ khí ở Sư đoàn 968 - Ảnh: QUÂN KHU 4
Ông Nam kể, trước khi về Ban chỉ huy quân sự TP Đồng Hới, ông Man là trung đoàn trưởng Trung đoàn 996 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình). Khi còn ở trung đoàn, ông chỉ huy đơn vị xây dựng xong một số cơ sở vật chất và doanh trại. "Sau một cơn bão rất to vào năm 2013, anh nói với tôi là nóng ruột quá, muốn ra lại đơn vị cũ xem có bị bão phá gì không. Tôi và anh chạy ra doanh trại trung đoàn đóng ở xã Lộc Ninh, thấy cảnh tan hoang, anh buồn lắm. Anh bảo là xót xa và tiếc quá đi, vì mất bao công sức và tiền của".
Từng vật lộn với lụt sông Gianh
Ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, đại tá Hoàng Xuân Vĩnh, chính ủy, cho biết ông cùng thiếu tướng Nguyễn Văn Man làm việc với nhau gần 5 năm, ông là chính ủy và ông Man là chỉ huy trưởng.
Ông Vĩnh cho biết, chiều 12-10 ông gọi điện cho ông Man hỏi có vào Quảng Bình dự đại hội thi đua yêu nước vào ngày 13-10 không. Ông Man nói đang trên đường vào hiện trường để tìm cách cứu hộ công nhân thủy điện bị vùi lấp, nên không thể dự được. "Ai ngờ đó là cuộc điện thoại cuối cùng của chúng tôi", ông Vĩnh xót xa nói.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dù đã chuyển công tác ra quân khu, nhưng tỉnh vẫn trân trọng mời vào dự đại hội này với tư cách nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình. Đại tá Hoàng Xuân Vĩnh cho biết đối với ông Man, chuyện đi vào nơi khó khăn là rất bình thường.
Tướng Man (bên trái) thăm hỏi người dân bị lốc xoáy tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tháng 8-2019 - Ảnh: QUÂN KHU 4
Ông Man đã từng vật lộn với biết bao cơn bão lũ ở Quảng Bình. Chính vì vậy mà đến nay, nhiều người dân ở các vùng lũ lụt ở tỉnh Quảng Bình như "rốn lũ" Tân Hóa, dọc sông Gianh, vẫn luôn nhớ ông Man lội nước cùng bà con mỗi khi bão lũ.
Lũ lụt cũng hiểm nguy như bom đạn
Ngày 11-10, trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương đặt tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) do thiếu tướng Nguyễn Văn Man - phó tư lệnh quân khu - trực tiếp chỉ huy.
Trưa 12-10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế điện khẩn cho thiếu tướng Nguyễn Văn Man đề nghị hỗ trợ cứu nạn cho một nhóm công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở núi và mất liên lạc. Con đường 71 đi vào vùng thủy điện đã bị sạt lở và ngập nước nên không thể đi xe.
Sau khi hội ý với các sĩ quan tham mưu và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thiếu tướng Man quyết định phải đi bộ để càng sớm càng tốt tiếp cận khu vực bị nạn để thị sát, nhằm có kế hoạch cứu nạn. Ngay đầu giờ chiều, nhóm công tác do thiếu tướng Man chỉ huy, cùng các cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4, Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi ngay vào Rào Trăng.
Ngôi nhà nơi ông Man và đoàn công tác nghỉ đêm đã bị chôn lấp dưới bùn đất - Ảnh: TTO
Họ đã chọn Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 67, nơi có khu nhà ở kiên cố và cách thủy điện Rào Trăng khoảng 15km, để nghỉ qua đêm. Nhưng đến quá nửa đêm thì tai nạn kinh hoàng đã xảy ra, một mảng đất đá trượt xuống vùi lấp toàn bộ khu nhà. Lúc đó vào khoảng sau 0h rạng ngày 13-10. Tướng Man cùng một nửa đoàn công tác đã bị lũ chôn vùi.
Suốt cuộc đời binh nghiệp, vượt qua biết bao gian nan, hiểm nguy, ông vẫn vững vàng. Vậy mà, chỉ một vụ sạt trượt đất bất ngờ giữa đêm khuya do mưa lũ, vị tướng ấy cùng 12 thành viên đoàn công tác đã ngã xuống nơi Trạm bảo vệ rừng 67, trong vô vàn nỗi tiếc thương của gia đình, đồng chí, đồng đội. Mới thấy, thiên tai lũ lụt cũng hiểm nguy không kém gì bom đạn chiến trường!
"Anh ấy rất tốt, sống tình làng nghĩa xóm"
19h30 ngày 15-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đã tìm thấy thi thể 13 thành viên đoàn công tác hi sinh tại Trạm bảo vệ rừng 67 (Huế) khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Trong số 13 nạn nhân có đại tá Nguyễn Hữu Hùng - phó cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng tại một cuộc họp của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Ảnh: CHÍ TUỆ
Tháng 12-2014, khi đang là phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh công binh, ông chính là người được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng quân đội tham gia cứu hộ, cứu nạn vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng).
Đại tá Hùng đã trực tiếp chỉ huy hơn 300 người của các lực lượng quân đội, trong đó có 110 cán bộ, chiến sĩ công binh Lữ đoàn 293 và Tiểu đoàn 93, đào đường hầm dài 20m và tiếp cận, giải cứu thành công toàn bộ 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng.
Vị chỉ huy giải cứu 12 công nhân sập hầm thủy điện Đạ Dâng ngày nào giờ lại gặp nạn khi trên đường đi giải cứu những công nhân thủy điện khác bị sạt lở núi vùi lấp. Đau đớn thay, người chỉ huy tài ba đó giờ đã vĩnh viễn không trở về…
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Thụy - bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) - cho biết đại tá Hùng là người địa phương, đến khu vực UBND xã Sài Sơn hỏi nhà ai cũng biết.
Ông Hùng sinh ra trong gia đình có truyền thống tham gia lực lượng vũ trang. Bố ông Hùng là bộ đội, anh em ông người tham gia quân đội, người công tác trong lực lượng công an. Con trai lớn của đại tá Hùng cũng là sĩ quan công binh, con út đang học lớp 10, các con ông ai cũng học giỏi, năm nào cũng được nhận khen thưởng.
Ông Thụy cho biết sáng nay, đơn vị Cục Cứu hộ, cứu nạn cùng chính quyền địa phương đã đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình đại tá Hùng.
"Anh ấy là con người tốt, sống đúng mực, chững chạc, sống tình làng nghĩa xóm, anh em rất hòa thuận, rất thân thiết với địa phương", ông Thụy chia sẻ về người lính của xóm làng. Ngày nghỉ hay cuối tuần, ông Hùng vẫn hay về thăm nhà, mới đầu tháng ông về còn lên thăm anh em ở Đảng ủy và UBND xã Sài Sơn.
Từ lúc hay tin đại tá Hùng trực tiếp vào Huế tham gia đoàn công tác giải cứu công nhân mắc kẹt sau sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 nhưng không may gặp nạn, bà con hàng xóm láng giềng ai cũng túc trực mong ngóng thông tin từ Huế... (HÀ THANH - DUY THANH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận