Một phụ nữ tưởng nhớ các nạn nhân vụ xả súng đẫm máu vào các nhà thờ Hồi giáo tại khu tưởng niệm đặt ở vườn bách thảo, thành phố Christchurch, New Zealand ngày 17-3 - Ảnh: Reuters
Hầu như tất cả những kẻ giết người hàng loạt hay thủ phạm hàng loạt đều không có dấu hiệu phạm tội từ trước. Thậm chí, truyền thông thi thoảng mô tả những máu lạnh này là , hiền lành.
Sát nhân không "ngây thơ"
"Làm thế nào một cậu nhóc ngây thơ biến thành tên sát nhân tồi tệ nhất thế giới?" là tít của một bản tin trên tờ Daily Mail (Anh) nói về nghi phạm Tarrant. Tờ báo "lá cải" của Anh đã bị chỉ trích dữ dội khi lột tả chân dung nghi phạm như "một cậu bé ngây thơ" và sau đó bị áp lực phải thay đổi tít bản tin.
Một số chuyên gia cho rằng không nên "tuyên dương" một kẻ như vậy, hay ca ngợi tuổi thơ của một tay súng giết người hàng loạt.
Các cuộc nghiên cứu từ trước tới nay đều chưa thể cho ra một phương pháp chuẩn mực nào để dự đoán hành vi của những kẻ thủ ác tiềm tàng và khuôn mặt ngây thơ không nói lên điều gì.
Cảnh sát khắp nơi, bao gồm những nước phát triển, cũng không làm cách nào ngăn được các vụ xả súng kiểu này.
Để chống lại cái ác, điều khả dĩ là ngăn chặn tư tưởng thù hằn phát tán. Chính vì vậy, các phương tiện truyền thông xã hội mới đang chịu áp lực lớn, khi biết rằng vừa qua tay súng ở New Zealand đã quay trực tiếp (livestream) cảnh bắn súng vào mọi người.
Và vai trò của báo chí cũng không nhỏ trong trường hợp này. Vào tháng 8-2018, chuyên trang về nghề báo Columbia Journalism Review từng chỉ trích Washington Post (Mỹ) khi tờ báo này thực hiện phóng sự về kẻ nổ súng bắn chết người ở Jacksonville, bang Florida.
Columbia Journalism Review đặt dấu hỏi về việc các phóng viên Washington Post bỏ công lột tả kẻ thủ ác theo cách gần như "tuyên dương" hắn.
Nôcle Dahmen - giáo sư báo chí tại Đại học Oregon, người chuyên nghiên cứu về các bài viết liên quan tới xả súng hàng loạt - nói: "Tại sao họ lại dành 8 đoạn văn để nói cho chúng ta biết về mức độ nổi tiếng và tài năng chơi game của nghi phạm?".
Để ngăn chặn những nội dung mang tính chất cổ xúy cho sự hằn học, hành động điên cuồng, báo chí rõ ràng cũng đóng vai trò lớn chứ không chỉ mạng xã hội. Ranh giới giữa việc đưa ra một bài viết lột tả tâm tính, hành động của kẻ thủ ác và hiện tượng vô tình "vẽ đường cho hươu chạy" rất mong manh.
Sẽ thay đổi luật dùng súng
Cú sốc xảy ra tại New Zealand có thể là cột mốc cho những thay đổi ở quốc gia vốn nổi tiếng yên bình này. Thủ tướng Jacinda Ardern vừa qua hé lộ khả năng sẽ thay đổi luật dùng súng.
Nghi phạm của vụ xả súng vừa qua đã có giấy phép dùng súng từ tháng 11-2017. Người này đã thực hiện màn thảm sát bằng hai loại vũ khí bán tự động, hai khẩu súng ngắn và loại súng nạp đạn bằng đòn bẩy.
Bà Ardern nói với phóng viên hôm 16-3: "Trong khi các nỗ lực xung quanh chuỗi sự kiện này đang được triển khai liên quan tới giấy phép và sở hữu súng, tôi có thể nói với các bạn một điều ngay lúc này: luật dùng súng của chúng tôi sẽ thay đổi. Đã đến lúc thay đổi rồi".
Tại New Zealand, giới quan sát đang lo ngại vụ việc kinh hoàng này sẽ gieo sự chia rẽ sâu sắc trong một xã hội vốn dĩ luôn muốn né tránh sự phân cực.
Trang tin tức News24.com (Nam Phi), từ góc độ "người ngoài" hôm 17-3 cũng có bài viết cho rằng màn xả súng tại đền thờ Hồi giáo nêu trên có thể sẽ chấm dứt sự "ngây thơ" của New Zealand về tư tưởng khủng bố cực hữu - gắn liền với tư duy của nghi phạm Brenton Tarrant, người mang trong mình suy nghĩ về chủng tộc thượng đẳng da trắng.
Trong khi một cuộc khảo sát thường niên của Asia New Zealand Foundation cho thấy đa số người New Zealand mở lòng với sự đa dạng, xem người nhập cư là những tác nhân có lợi cho quốc gia, chủ nghĩa cực đoan cũng tồn tại âm ỉ từ hàng chục năm trước.
Vụ việc lần này có thể sẽ tạo ra một cột mốc thay đổi trong xã hội, mà trước hết có thể diễn ra ở cảnh sát New Zealand - những người thực thi pháp luật hiếm hoi trên thế giới không được vũ trang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận