Ngày 7-4, ông Dương Ngọc Lắm - chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, An Giang - cho biết UBND tỉnh An Giang đã giao trách nhiệm cho UBND huyện Thoại Sơn phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh và huyện để xử lý công trình nhà ở trái phép trên đỉnh núi Sập.
Xin làm kho dược liệu thành "biệt phủ"
"Hôm qua (6-4), Tỉnh ủy An Giang họp các ngành tư pháp nghe chúng tôi báo cáo về vụ "biệt phủ" xây dựng trái phép trên núi Sập. Sau đó, Tỉnh ủy An Giang đã giao cho huyện Thoại Sơn cùng với Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp xử lý dứt điểm vụ này. Có thể sẽ trả lại hiện trạng ban đầu, không thể cho tồn tại được. Hiện nay, chúng tôi đang chờ kết luận cuộc họp của Tỉnh ủy An Giang để bắt tay vào làm", ông Lắm nói.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, công trình trái phép này là hai căn nhà có quy mô khá lớn so với nhu cầu sinh hoạt thông thường của một hộ gia đình - nhiều người dân sở tại ví von gọi là "biệt phủ" trên lưng núi Sập.
Phần đất xây dựng có diện tích ngang 62m, dài 40m, toạ lạc bên lề đường lên chùa Duyên Phước trên núi Sập, thuộc khóm Đông Sơn 2, thị trấn Núi Sập. Khu đất này là đất lâm nghiệp.
Theo báo cáo của UBND thị trấn Núi Sập, trên thực tế phần đất này trước năm 1975 do ông Trần Văn Kiệu sử dụng. Sau đó đã được chuyển nhượng qua nhiều lần. Hiện nay, đất này đã được chuyển nhượng cho ông Trương Văn Thành (50 tuổi).
Video: Vụ 'biệt phủ' ở núi Sập, cựu lãnh đạo xây mà không dám thừa nhận, còn ‘núp bóng’ là không quân tử
Ngày 30-8-2021, ông Thành gửi đơn "xin phép về việc cải tạo, sửa chữa lại diện tích đất núi để tạo mặt bằng trồng cây rừng, cây dược liệu và làm nhà tiền chế để bảo quản nguồn dược liệu", đã được ông Tô Hoài Nam - phó chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập - chấp thuận.
Tuy nhiên, hai tháng sau, UBND thị trấn Núi Sập cử cán bộ đến kiểm tra thấy hiện trạng xây dựng là hai căn nhà với đầy đủ khung bê tông, tường gạch, mái lợp tôn, nền gạch men và phía trước có hàng rào kè đá, cổng sắt, cột bê tông, sân lát gạch vỉa hè…
"Người xin phép là trụ trì chùa dưới chân Núi Sập nên căn nhà này liên quan đến tôn giáo. Do đó, sau khi hội ý với lãnh đạo tỉnh thì chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Tôn giáo, Giáo hội Phật giáo tỉnh và huyện để xử lý nghiêm", ông Lắm nói thêm.
Vi phạm phải được tháo gỡ, xử lý nghiêm
Ông Đ., một cán bộ tại thị trấn Núi Sập, cho biết "biệt phủ" được xây dựng trên lưng chừng Núi Sập là của ông T., cựu lãnh đạo TP Long Xuyên, nhưng gần hai năm nay chính quyền không xử lý tháo dỡ khiến người dân bức xúc.
"Ông T. tự xây dựng nhà hoành tráng trên núi mà không dám thừa nhận, còn "núp bóng" dưới danh nghĩa thầy chùa là không quân tử. Nếu ngành chức năng điều tra kỹ các cơ sở vật liệu xây dựng xem ai là người mua sắt, đá để xây nhà sẽ biết ngay chủ thật sự của biệt phủ này thôi", ông Đ. bức xúc nói.
Luật sư Trần Ngọc Phước - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh An Giang - cho hay công trình xây dựng trên núi phục vụ công cộng hay dùng để phòng cháy chữa cháy là bình thường.
Còn công trình xây dựng phục vụ cá nhân mà không phép thì các cơ quan chức năng phải tháo dỡ, trả lại hiện trạng theo quy định. "Không cơ quan nào dám cấp phép công trình xây dựng phục vụ cho cá nhân trên núi.
Phải kiểm tra kỹ, đơn vị nào quản lý mà để tồn tại một công trình quy mô đồ sộ trong thời gian dài như vậy là không ổn. Vì đang tạo tiền lệ rất xấu cho lĩnh vực xây dựng ở địa phương. Cần xử lý cán bộ quản lý Núi Sập này đã để xảy ra như vậy", luật sư Phước nói.
Trước ý kiến dư luận cho rằng, "biệt phủ" trên núi Sập là của một lãnh đạo đã nghỉ hưu thì lãnh đạo UBND tỉnh An Giang khẳng định: "Xây dựng nhà kiên cố trên núi Sập là vi phạm phải được tháo gỡ, xử lý nghiêm, bất kể đó là ai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận