Tuy nhiên, những phát biểu gay gắt này cũng không gây ngạc nhiên khi việc xâm phạm bản quyền vẫn tràn lan và phổ biến như hiện nay.
Đại diện Sở VH-TT&DL TP.HCM cho rằng: trên thực tế, ít người trong ngành hiểu về bản quyền chứ đừng nói đến người ngoài. Hiện nay, không mấy người có ý thức về việc tôn trọng quyền tác giả và quyền liên quan. Đại diện phía Bộ Công an chia sẻ: Chúng ta tuyên truyền rất nhiều nhưng không biết tuyên truyền có đến tai người cần không. Nhiều người sử dụng máy tính không có chút ý thức gì về bản quyền. Không nên chỉ tổ chức các hội thảo mà phải liên kết với địa phương, tuyên truyền về quyền tác giả, quyền liên quan đến những người sẽ phải trực tiếp trả tiền bản quyền như chủ các quán karaoke, nhà hàng, vũ trường...
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN - VCPMC) nêu thực trạng về sự chênh lệch giữa giá catsê của ca sĩ với tiền bản quyền của nhạc sĩ. “Ca sĩ được quyền ra giá cho ca khúc mình biểu diễn, sao nhạc sĩ thì không? Có ca sĩ hát đám cưới catsê 400 triệu đồng, nhưng nhạc sĩ chả có đồng nào. Trong khi đó nhiều người cứ phàn nàn tiền thu tác quyền quá cao” - ông Cẩn nói.
Theo thống kê, sự vi phạm bản quyền phổ biến từ lĩnh vực báo chí, xuất bản, điện ảnh, sân khấu âm nhạc đến các phần mềm máy tính. Trong khi đó khâu hậu kiểm và xử phạt chưa đủ tính răn đe. Theo Thanh tra Bộ VH-TT&DL, trong năm 2013 số tiền xử phạt vi phạm bản quyền hơn 2,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, bản thân ông Vũ Xuân Thành (chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL) cũng thừa nhận việc giải quyết, xử phạt không xuể. Gần nhất, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tiếp tục gửi kiến nghị về một số website vi phạm bản quyền các bộ phim. “Chúng tôi thật sự mong muốn và khuyến khích bên bị vi phạm khởi kiện ra tòa, nhưng hầu hết đều chỉ muốn giải quyết hành chính. Phần vì họ ngại thủ tục, nhưng một phần việc thẩm định, giải quyết vi phạm về bản quyền ở VN cũng chưa hoàn thiện” - ông Thành thừa nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận