15/12/2003 06:12 GMT+7

Ai được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội?

T.TU.
T.TU.

TT - TP.HCM vừa ra mắt Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP.HCM để đưa vốn ưu đãi của Nhà nước đến tay hộ nghèo và tạo cho mọi người có cơ hội để học tập và kiếm việc làm. Tuổi Trẻ giới thiệu các đối tượng được vay vốn của NHCSXH.

D7DsZO9o.jpgPhóng to
NHCSXH hỗ trợ để mọi người có cơ hội học tập và kiếm việc làm
TT - TP.HCM vừa ra mắt Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP.HCM để đưa vốn ưu đãi của Nhà nước đến tay hộ nghèo và tạo cho mọi người có cơ hội để học tập và kiếm việc làm. Tuổi Trẻ giới thiệu các đối tượng được vay vốn của NHCSXH.

Hiện nay NHCSXH đang thực hiện cho vay đối với các đối tượng sau: cho vay giải quyết việc làm, hộ nghèo, sinh viên - HS (gọi chung là HS) có hoàn cảnh khó khăn, người diện chính sách đi xuất khẩu lao động.

Các trường hợp này được vay vốn không cần thế chấp (trừ một số ít trường hợp) và lãi suất vay ưu đãi (phổ biến là 0,5%/tháng). Tùy đối tượng, các thủ tục vay có khác nhau. Cụ thể như sau:

Giải quyết việc làm

Đối tượng gồm các hộ gia đình, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại và dịch vụ; cơ sở sản xuất kinh doanh dành cho người tàn tật; tổ hợp sản xuất; hộ kinh doanh cá thể; doanh nghiệp nhỏ và vừa; hộ gia đình và cá nhân làm kinh tế trang trại. Trong các đối tượng trên, ưu tiên cho các dự án có đối tượng là người tàn tật, sử dụng nhiều lao động nữ, giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực đô thị hóa.

NHCSXH TP.HCM đặt trụ sở tại số 17 Bến Chương Dương (Q.1) bên trong tòa nhà Ngân hàng Nhà nước VN. Điện thoại: 9143329, 9143326.

NHCSXH TP.HCM sẽ lập 14 phòng giao dịch tại các quận, huyện để người dân khỏi phải đi lại.

Tuy nhiên, do chưa có mặt bằng, phải ở tạm hoặc thuê chờ thành phố bố trí nên đến nay mới có sáu phòng giao dịch hoạt động gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức, Cần Giờ.

Đối tượng vay phải có dự án vay vốn tạo việc làm mới, thu hút thêm lao động vào làm việc thường xuyên và phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án. Đối với hộ gia đình phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi thực hiện dự án.

Nếu vay dưới 15 triệu đồng thì không cần thế chấp nhưng phải có bảo lãnh bằng tín chấp của chủ tịch UBND cấp xã, huyện, hoặc người đứng đầu tổ chức đoàn thể, hội quần chúng tùy trường hợp. Nếu vay trên 15 triệu đồng phải có tài sản thế chấp.

Mục tiêu của chương trình là tạo thêm việc làm, do vậy phải có điều kiện cụ thể, nếu hộ gia đình vay dưới 15 triệu phải tạo ra ít nhất một chỗ làm mới hoặc tăng thêm thời gian làm việc tương ứng với một lao động.

Với dự án có nhiều hộ gia đình vay vốn, mức cho vay tùy thuộc số hộ thực hiện dự án nhưng mỗi hộ vay không quá 15 triệu đồng. Với các hợp tác xã, trường hợp làm kinh tế trang trại thì mức vay không quá 200 triệu đồng/dự án.

Hiện nay NHCSXH đang cho vay tạo việc làm trong các lĩnh vực: chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây lương thực, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày; sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến; nuôi thủy hải sản; dịch vụ, kinh doanh nhỏ; mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, phương tiện vận tải thủy bộ loại vừa và nhỏ, ngư cụ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Thời gian vay tối đa không quá 12 tháng (ngắn hạn) và 12-60 tháng (trung hạn). Trình tự làm thủ tục vay vốn, người vay có thể liên hệ phòng lao động - thương binh & xã hội và NHCSXH TP.HCM. Hiện TP.HCM có khoảng 12.200 hộ đang vay số tiền lên tới 104,2 tỉ đồng.

SV-HS có hoàn cảnh khó khăn

Các HS có hoàn cảnh khó khăn đang theo học hệ chính qui tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề công lập, bán công hoặc dân lập có thời gian đào tạo từ một năm trở lên đều được vay.

Các HS này phải được chính quyền địa phương nơi đăng ký hộ khẩu xác nhận có hoàn cảnh khó khăn và đang theo học tại các trường đào tạo có thời hạn trên một năm.

Đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu về điểm trung bình chung mở rộng, cụ thể: từ 5 điểm trở lên đối với HS diện chính sách, diện nghèo, hoặc không thuộc diện chính sách nhưng có hộ khẩu thường trú thuộc khu vực 1; từ 6 điểm trở lên đối với HS có hộ khẩu thường trú thuộc khu vực 2; từ 7 điểm trở lên đối với HS có hộ khẩu thường trú thuộc khu vực 3.

Kết quả học tập của năm trước liền kề là điều kiện để HS được tiếp tục vay vốn ở năm tiếp theo. Riêng năm học thứ nhất, nếu HS có kết quả học kỳ I đạt tiêu chuẩn qui định thì NHCSXH sẽ giải ngân số tiền vay cả năm.

Vào đầu các năm học hoặc đầu học kỳ II năm học thứ nhất, HS đăng ký để nhà trường nơi đang theo học lập danh sách vay vốn gửi NHCSXH để làm thủ tục vay. Ngoài các thủ tục như xác nhận của chính quyền phường xã, của ban giám hiệu còn phải có cam kết của đại diện gia đình HS, hoặc người đỡ đầu hợp pháp phải cam kết trách nhiệm trả nợ thay nếu HS không trả đủ nợ.

Thời hạn vay gồm thời gian ân hạn và thời hạn trả nợ. Thời gian ân hạn là từ khi HS nhận vốn vay đầu tiên đến khi kết thúc khóa học. Trong thời gian này HS chưa phải trả nợ gốc và lãi vay. Thời gian trả nợ được tính bằng số năm HS được ngân hàng cho vay vốn khi đang còn học ở trường. Kỳ trả nợ gốc và lãi vay đầu tiên được thực hiện trong thời hạn sáu tháng kể từ khi kết thúc năm học.

Ngân hàng vẫn thu nợ đối với các trường hợp HS không đủ tư cách thi tốt nghiệp hoặc ngay sau ngày HS chuyển trường, bỏ học, bị xóa tên khỏi danh sách cho đến khi trả hết nợ gốc.

Mức cho vay tối đa mỗi HS là 300.000 đồng/tháng, và tổng mức tiền cho vay tối đa được xác định trên cơ sở nhu cầu vay, khoảng thời gian kể từ khi được vay đến khi kết thúc khóa học.

Người đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài

NHCSXH cho vay thông qua hộ gia đình có người là đối tượng chính sách đi lao động hoặc trực tiếp cho vay đối với người lao động là độc thân.

Diện chính sách gồm: vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; thương binh, vợ hoặc chồng, con của thương binh; con của anh hùng, con của người tham gia kháng chiến, người có công được thưởng huân huy chương...; người lao động thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Bộ LĐ-TB&XH.

Mức cho vay tối đa bằng 80% tổng chi phí cần thiết ghi trong hợp đồng lao động. Riêng đối với người đi lao động tại Malaysia được vay tối đa 100% chi phí cần thiết.

Hiện mức cho vay chung tối đa của NHCSXH là 10 triệu đồng và thời hạn vay được căn cứ vào thời hạn lao động, khả năng trả nợ của người vay... Vì đây là tín dụng ưu đãi nên không yêu cầu thế chấp, do vậy thủ tục vay chủ yếu là các giấy tờ để xác nhận người vay thuộc diện chính sách và đúng là người đi xuất khẩu lao động.

Hộ nghèo

Hộ nghèo được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú hoặc có tạm trú dài hạn tại địa phương nơi cho vay, có tên trong danh sách hộ nghèo ở địa phương được xác định theo tiêu chuẩn hộ nghèo của Bộ LĐ-TB&XH.

Hộ nghèo vay cũng không cần thế chấp, được miễn lệ phí làm thủ tục vay vốn, mức vay tối đa là 7 triệu đồng. Hộ nghèo vay vốn để dùng vào các mục đích sản xuất - kinh doanh - dịch vụ; làm mới, sửa chữa nhà ở; gắn điện sinh hoạt; nước sạch; giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về học tập của con em hộ nghèo...

Hộ nghèo tự nguyện tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn và được vay khi tổ bình bầu và lập danh sách đề xuất được vay vốn. Hộ nghèo được vay ngắn hạn, trung hạn, với hộ có nhu cầu vay vốn cho chu kỳ sản xuất kinh doanh liền kề thì được vay lưu vụ.

kAogioLp.jpgPhóng to
Ông Lê Huy Dân
Ông Lê Huy Dân - Giám đốc NHCSXH TP.HCM: "Nên tăng mức cho vay"

Qua thực tế cho vay tại TP.HCM cho thấy cần phải nâng mức cho vay để phù hợp với đối tượng vay và nâng cao hiệu quả hỗ trợ của NHCSXH.

Hiện có những chương trình không đủ vốn để cho vay nhưng cũng có chương trình chưa cho vay được vì không có người vay. Như cho vay giải quyết việc làm, dù TP.HCM đã tạo được nguồn vốn xoay vòng gần 110 tỉ đồng nhưng chẳng thấm vào đâu so với số dự án gửi đến xin vay và nhu cầu vốn của dân.

Trong khi đó cho vay đối với người diện chính sách đi xuất khẩu lao động vẫn chưa mấy người vay vì mức cho vay quá thấp. Các trường hợp này thừa sức trả nợ, do vậy dù được ưu đãi nhưng họ vẫn thích vay thương mại để được vay đủ số tiền cần thiết trang trải các chi phí.

Ngay với sinh viên - học sinh, dù mức vay đã được nâng từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng nhưng cũng chưa đủ so với chi phí thực tế mà các em đang cần.

NHCSXH TP.HCM đã đề nghị với các cơ quan chức năng nên tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho TP.HCM thêm 20 tỉ đồng. Tăng mức cho vay đối với học sinh và tăng luôn cả lãi suất cho vay để vốn chỉ đến được đúng tay những trường hợp có nhu cầu.

Đổi lại cho kéo dài thời gian chưa thu lãi thêm sáu tháng kể từ khi ra trường. Vì trong thời gian này các em chưa kịp tìm được việc làm nên chưa có thu nhập để trả nợ. Với cho vay xuất khẩu lao động, mức cho vay thấp nhất cũng phải bằng với chi phí đi lao động có thời hạn ở Malaysia (khoảng 15 triệu đồng).

Riêng các đối tượng có nhu cầu vay cao hơn để đi lao động tại Nhật, Hàn Quốc... thì áp dụng biện pháp thế chấp vì những người này đủ khả năng để trả nợ.

T.TU.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp