Từ thị trường chứng khoán
Sau 20 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường, triệu phú USD tại nước ta ngày càng nhiều hơn. Không kể bất động sản và tài sản chìm, chỉ với số cổ phiếu (CP) đang nắm giữ, nhiều doanh nhân nổi tiếng làm ăn hợp pháp có hàng ngàn tỷ đồng/người tính đến thời điểm cuối năm 2006.
Nổi tiếng từ lâu sau sự kiện Bill Gates sang thăm Việt Nam, chính thức hợp tác với Microsoft và niêm yết trên thị trường chứng khoán vào tháng 10/2007, FPT đang là doanh nghiệp làm ăn phát đạt nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam.
“Thuyền lên nước lên”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc (TGĐ) FPT nằm trong số những doanh nhân hàng đầu Việt Nam. Ông Trương Gia Bình hiện giờ nắm giữ năm triệu CP của FPT trị giá 2.300 tỷ đồng (460.000 đồng/CP, tính đến phiên giao dịch cuối cùng của năm 2006 ngày 29/12/2006), giảm 100 tỷ đồng so với chỉ một ngày trước đó.
Chỉ cần giá CP lên xuống nhẹ, mỗi giờ ông Bình cũng có thể có thêm hoặc mất đi 4,5 tỷ đồng. Ba tháng trước đây, CP của FPT trên thị trường OCT chỉ trên dưới 250.000 đồng/CP và tài sản của ông Bình mới vượt qua con số 1.000 tỷ đồng nhưng cơn sốt chứng khoán làm tăng vọt khối tài sản khổng lồ này lên gấp đôi.
Khi Ngân hàng ACB bỏ hàng chục tỷ đồng ra tài trợ cho câu lạc bộ (CLB) bóng đá chuyên nghiệp của họ, nhiều người ồ lên kinh ngạc trước sự hào phóng của ngân hàng thương mại tốt nhất Việt Nam này. Nhưng ít ai biết ông Chủ tịch CLB ACB Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB Nguyễn Đức Kiên đang nắm giữ hơn 10 triệu CP của ACB trị giá trên 1.500 tỷ đồng.
Nhưng ông Kiên vẫn phải xếp sau ông Chủ tịch HĐQT ACB Trần Mạnh Hùng, người đang cùng gia đình sở hữu xấp xỉ 14 triệu CP ACB. Giá CP của ACB đang thấp hơn nhiều so với FPT nhưng chỉ nhích lên hay hạ nhẹ 1.000 đồng/CP, gia đình ông Hùng cũng hụt đi hay có thêm 1,4 tỷ đồng.
Chiến lược thu hút khách hàng của ông Chủ tịch HĐQT, từng là giảng viên cao cấp của trường nghiệp vụ ngân hàng TP Hồ Chí Minh, là nhắm vào người có thu nhập trung bình. Và ông chủ của ACB luôn kéo dài giờ làm qua 18 – 19 giờ để luôn là bạn của mọi nhà.
Nhắc đến SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn), dân chơi chứng khoán hiểu ngay là công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam hiện nay và đang quản lý hơn 60% số CP lưu ký trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đầu tháng 12/2006, SSI bắt đầu lên sàn chứng khoán Hà Nội và tạo ra cơn sốt với mức giá trên 190.000 đồng/CP. Hiện chỉ còn 154.000 đồng/CP vào ngày 29/12/2006 nhưng SSI vẫn chiếm vị trí số 1 trong hàng ngũ các công ty chứng khoán Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT SSI, ông Nguyễn Duy Hưng, đang sở hữu 5,2 triệu CP trị giá hơn 800 tỷ đồng. Nếu Công ty Thủy sản Minh Phú lên sàn Hà Nội sớm hơn sáu tháng thì Chủ tịch HĐQT Công ty này, ông Lê Văn Quang, có thể sánh ngang hàng với các tỷ phú trên.
Hiện chỉ còn nắm giữ 14,5 triệu CP của Minh Phú so với 30 triệu CP trước đây nhưng, với giá hiện tại 80.000 đồng/CP, ông Quang cũng đang có 1.116 tỷ đồng, chưa kể một số CP khá lớn trong các công ty liên doanh khác.
Tuy nhiên cô con gái mới 20 tuổi của ông vua thủy sản này với sáu triệu CP có giá 480 tỷ đồng xứng đáng là công chúa giàu nhất nước. Từ năm 2000 đến nay, Minh Phú luôn là công ty xuất tôm hàng đầu Việt Nam và tên tuổi được định hình tại Nhật, châu Âu.
Sau khi mua lại nhãn hiệu kem Wall nổi tiếng và Tribeco, Kinh Đô cũng đang xây dựng kế hoạch niêm yết tại trung tâm chứng khoán Singapore trong thời gian tới.
Để có được cơ ngơi ước tính hơn 200 triệu USD như hiện nay, gia tộc họ Trần trải qua khá nhiều thăng trầm. Vụ TGĐ Trần Lệ Nguyên dính vào vụ Năm Cam chỉ làm Kinh Đô chao đao nhẹ bởi tài điều khiển của tướng quân trong bóng tối, người anh cả Trần Kim Thành.
Sau một năm, ông Thành chính thức giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, Kinh Đô trở thành đại gia trong giới dân doanh Việt Nam. Chỉ trong vòng một năm từ mức giá trên dưới 70.000 đồng/CP giá CP của Kinh Đô miền Bắc lên 130.000 đồng/CP và Kinh Đô miền Nam lên 142.000 đồng/CP.
Đến những đại gia ẩn danh
Nhắc đến tỷ phú Việt không ai có thể quên những cái tên Võ Quốc Thắng gắn liền với Gạch Đồng Tâm hay Đoàn Nguyên Đức cùng Hoàng Anh – Gia Lai.
Ông Đức sẵn sàng chặt hạ 5ha cao su trị giá 10 tỷ đồng để chuẩn bị xây học viện bóng đá. Còn ông bầu Thắng đầu tư hàng chục tỷ đồng vào CLB bóng đá với mục đích quảng bá tên tuổi.
Một doanh nhân nức tiếng TP Hồ Chí Minh nhưng ít được dư luận biết đến là ông Trần Bê, cổ nhân chính của Ngân hàng Phương Nam và Bệnh viện Triều An. Vụ bắt cóc con trai ông Bê đòi lấy tiền chuộc 10 triệu USD của Bình Kiểm năm 2005 bắt nguồn từ tìm hiểu của tên du đãng này nghe nói ông ấy có hàng trăm triệu USD. Tỷ lệ cổ phần tại Phương Nam và Triều An của vị tỷ phú người Hoa này cũng có giá trên 1.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàn Cầu, không phải là nhà sản xuất, kinh doanh như các vị tỷ phú nam mà tài sản của bà chủ yếu là bất động sản.
Chỉ riêng khu du lịch sông Lô (Nha Trang), khu đất hàng ngàn m2 tại đường Cách mạng Tháng tám (quận 1, TP Hồ Chí Minh) và hàng chục dự án đất đai khác, giới kinh doanh bất động sản ước tính khối tài sản này của bà Hường xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.
Điều tra hay… “đoán mò”?
Mặc dù tờ báo trên không nói rõ danh sách những tỷ phú Việt đã dựa vào nguồn tài liệu nào. Tuy nhiên theo cách phân chia các loại tài sản, có thể nói giá trị tài sản của các “đại gia” được tính dựa vào hai nguồn: cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và những dự án đầu tư đã và sẽ triển khai. Một nguồn tin từ tờ báo này giải thích, đây không phải là việc bình bầu chính thức của tờ báo, mà chỉ là kết quả do phóng viên tự thu thập thông tin và đưa ra danh sách như một bài báo bình thường.
Trao đổi chiều 11-1, ông Đoàn Nguyên Đức khá bức xúc khi biết mình bị đưa vào danh sách người giàu nhất VN. “Họ làm sao biết chính xác tài sản của tôi có những gì mà nhận xét như vậy? Ngay cả thông tin của những người khác cũng không có cơ sở tin cậy. Đã có ai thống kê chi tiết của nổi, của chìm của các doanh nhân chưa và cơ sở nào để nói ai giàu, ai nghèo? Tài sản hiện nay của tôi nếu lên sàn (chứng khoán) chắc chắn phải hơn con số một ngàn tỷ đồng mà họ nói!”, ông Đức khẳng định.
Cũng theo ông Đức, để có thông tin chính xác tài sản của các “đại gia”, nhất thiết phải do cơ quan có thẩm quyền đứng ra xác định. Sau khi trừ các khoản công nợ mới có thể “gút” lại được giá trị tài sản thực có. “Nói tôi có một ngàn tỷ đồng nhưng nếu tôi đang nợ ngân hàng một ngàn mốt tỷ thì sao? Xếp hạng mà đoán mò, đoán ma như vậy là không chấp nhận được…”, ông Đức bực dọc.
Có xâm phạm đời tư?
Thông qua nhân viên PR của Công ty FPT ngày 10-1, ông Trương Gia Bình đã có ý kiến từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến thông tin ông là người giàu nhất VN. Lý do vì đây là những vấn đế rất riêng tư thuộc về cá nhân ông mà nguyên tắc làm việc của ông là không “bàn” đến những chuyện riêng tư của mình trên báo chí.
Ông Võ Quốc Thắng cũng rất bất ngờ khi nghe mình có tên trong TOP 10 người giàu nhất VN và ông cũng từ chối bình luận sự kiện này. “Ai nhận định sao thì nhận định. Tôi chỉ có thể nói mình bình thường như mọi người, không giàu đến mức như vậy”, ông Thắng phát biểu ngắn gọn. Cũng theo ông Thắng, với những thông tin báo chí đã tìm hiểu được liên quan đến cá nhân ông, lẽ ra họ cần trao đổi với ông để có sự chuẩn xác.
Khác với ông Thắng, ông Đức cho rằng việc báo chí tự ý công bố bí mật tài sản của người khác là vi phạm quyền riêng tư của cá nhân. “Chưa nói đến chuyện tôi có đồng ý công bố hay không, chỉ mỗi chuyện đưa ra thông tin không chính xác cũng đã sai trầm trọng, làm ảnh hưởng đến dư luận về tôi. Cứ nói Đoàn Nguyên Đức là đại gia nhưng họ chưa gặp tôi thì làm sao biết tôi giàu hay nghèo? Báo chí có quyền đưa tất cả những thông tin về tôi nhưng đó phải là những thông tin chính xác chứ không phải kiểu thông tin sai trầm trọng như vậy!”, ông Đức tiếp tục… bức xúc.
Ths Nguyễn Thị Hoài Phương, giảng viên khoa dân sự, trường ĐH Luật TP.HCM Tự ý công bố là vi phạm pháp luật! Cần phân biệt việc công bố tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng với các trường hợp khác (công khai theo qui định pháp luật). Nếu là trường hợp đầu tiên, về nguyên tắc phải có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản hoặc có quyết định cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong những trường hợp luật định. Một công dân bình thường nếu không vi phạm pháp luật nhưng lại bị công bố tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng để dư luận biết họ giàu đến mức nào thì hành vi công bố đó là sai. Pháp luật không cấm một người được sở hữu nhiều tài sản hợp pháp. Quyền tài sản được pháp luật bảo hộ bao gồm luôn cả những thông tin liên quan đến bí mật tài sản. Do đó, nếu báo chí tự ý tiết lộ bí mật tài sản của người khác mà không đáp ứng những điều kiện nói trên là vi phạm. Có thể việc công bố không có ý đồ xấu nhưng không chắc sẽ tốt cho người chủ sở hữu. Có rất nhiều người không hề muốn công khai tài sản của mình vì lo sợ những bất trắc, trộm cướp có thể xảy ra. Báo chí cũng không thể viện lý do những thông tin tài sản đã được công khai ở ngân hàng, trung tâm giao dịch chứng khoán… nên người khác có quyền thu thập, sử dụng mà không cần hỏi ý kiến của chủ sở hữu. Bởi lẽ thông tin đó chỉ giới hạn giữa hai bên biết với nhau. Việc công khai cho người thứ ba biết hoặc tiết lộ trên các phương tiện thông tin đại chúng đều phải được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản…” |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận