04/08/2023 08:51 GMT+7

Ai đưa Nga quay lại thỏa thuận ngũ cốc?

Phương Tây kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò trung gian đưa Nga quay lại thỏa thuận ngũ cốc, nhưng đáp án lại nằm ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Hành lang ngũ cốc đi từ các cảng do Ukraine kiểm soát tới Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen - Ảnh: CNN - Đồ họa: T.ĐẠT

Hành lang ngũ cốc đi từ các cảng do Ukraine kiểm soát tới Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen - Ảnh: CNN - Đồ họa: T.ĐẠT

Nỗi lo về an ninh lương thực gia tăng sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen. Việc này trở thành tâm điểm trong cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về nạn đói và an ninh lương thực toàn cầu hôm 3-8.

Niềm tin Thổ Nhĩ Kỳ

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được đàm phán và ký vào tháng 7-2022 giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Quốc và Nga. Thỏa thuận này cho phép đảm bảo xuất khẩu phân bón, ngũ cốc và thực phẩm nói chung từ ba cảng chính của Ukraine tại Biển Đen để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên hôm 17-7, Nga tuyên bố ngừng gia hạn thỏa thuận, dẫn tới lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu.

Một số nước phương Tây chỉ trích quyết định của Nga, nhưng Matxcơva cho rằng thỏa thuận này không công bằng và trở nên vô nghĩa khi chỉ giúp ích cho Ukraine, trong khi bản thân việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga đang bị các lệnh trừng phạt của phương Tây bóp nghẹt.

Trong cuộc điện đàm hôm 2-8 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẵn sàng quay lại thỏa thuận ngũ cốc, nhưng chỉ khi phương Tây đáp ứng các nghĩa vụ liên quan tới xuất khẩu ngũ cốc của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các nước có thể làm trung gian cho những thỏa thuận giữa Nga và phương Tây. Ankara vẫn là đối tác quan trọng của Nga, và ông Erdogan là người có thể trao đổi sâu với ông Putin. 

Hai bên đã nhất trí về một cuộc gặp cấp cao cuối tháng 8 này, ông Putin có thể đến thăm Ankara. Đó là lúc thỏa thuận ngũ cốc sẽ nằm trong chương trình nghị sự, bên cạnh các thảo luận lớn hơn cho giải pháp hòa bình ở Ukraine.

Cuộc gặp đó cũng là dịp để Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tháo gỡ một số khác biệt song phương. Việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc gây hại cho hình ảnh trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara cũng khiến Matxcơva nóng mặt với việc ủng hộ Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời thả năm chỉ huy Ukraine sau khi tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Khó tìm giải pháp

Trong thông báo về khả năng quay lại thỏa thuận ngũ cốc, Điện Kremlin nhắc tới "các điều kiện" dành cho phương Tây, dù tương đối rõ ràng nhưng lại có vẻ khó được đáp ứng.

Đầu tiên phương Tây tố cáo Nga đang làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực tại các nước nghèo trên thế giới, bao gồm châu Phi. Đáp lại, hôm 27-7, Tổng thống Putin tuyên bố cung cấp ngũ cốc miễn phí cho sáu nước châu Phi.

Nhưng hôm 2-8, Hãng tin Reuters cho biết đã tiếp cận được một lá thư của ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, trong đó cảnh báo các nước đang phát triển rằng Nga đang muốn dùng ngũ cốc giá rẻ để "tạo ra sự lệ thuộc mới bằng cách làm trầm trọng thêm các tổn thương kinh tế và mất an ninh lương thực toàn cầu". Thái độ hoài nghi của EU với Nga báo hiệu khó khăn trong việc hai bên có thể thỏa hiệp.

Thực chất hiện nay Mỹ và EU không trừng phạt nông sản Nga. Song vấn đề nằm ở các lệnh trừng phạt lên các công ty Nga và vấn đề thanh toán. Nga khẳng định việc hạn chế với thanh toán, vận chuyển và bảo hiểm từ những lệnh trừng phạt đó đã tạo rào cản với nông sản của họ.

Đa số các nhà sản xuất ngũ cốc và phân bón của Nga đều liên quan với nhà nước, hoặc có lãnh đạo nằm trong danh sách trừng phạt. Điều này tạo ra một "lệnh trừng phạt" vô hình khác khi các công ty và hệ thống tài chính ở phương Tây không thể hợp tác với Nga như bình thường. 

Ngoài yêu cầu bỏ rào cản nói trên, Nga cũng muốn các ngân hàng của họ, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp Nga, phải được tái tham gia hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Tháng trước Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết các quan chức cơ quan này "gần đây đang làm trung gian cho một đề xuất cụ thể" với Ủy ban châu Âu, nhằm cho phép một công ty con của Ngân hàng Nông nghiệp Nga lấy lại quyền tham gia vào SWIFT. 

Trong thư của ông Borrell không nhắc tới đề xuất trên. Ông chỉ nói EU sẽ "tiếp tục ủng hộ các nỗ lực không ngừng nghỉ" của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để cứu thỏa thuận ngũ cốc.

Nga không kích các cảng miền nam Ukraine

Mới đây Romania đã phản ứng mạnh khi Nga tấn công cảng Izmail của Ukraine. Đây là vị trí nằm gần biên giới Romania. Phó thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cũng tố cáo vụ tấn công của Nga phá hủy gần 40.000 tấn ngũ cốc chuẩn bị xuất khẩu.

Trong khi đó Hãng tin RIA của Nga cho biết các mục tiêu bị tấn công ở Izmail vừa qua chỉ là các cơ sở Matxcơva xác định có lính đánh thuê và thiết bị quân sự của Ukraine.

Nga nêu điều kiện quay lại thỏa thuận ngũ cốcNga nêu điều kiện quay lại thỏa thuận ngũ cốc

Nga sẽ quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc ngay lập tức nếu được đáp ứng các điều kiện như gỡ bỏ hạn chế đối với xuất khẩu của nước này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp