15/11/2010 06:51 GMT+7

Ai đã "bán đứng" các điệp viên Nga? - Viên tướng chân chính

NG.THANH tổng hợp (Theo Kommersant, Lenta.ru)
NG.THANH tổng hợp (Theo Kommersant, Lenta.ru)

TT - Ngày 18-10, điện Kremlin đã tổ chức buổi lễ trọng thể trao tặng huân chương cao quý cấp nhà nước cho các điệp viên nằm vùng bị trục xuất từ Mỹ. Đó là một sự thừa nhận chính thức công trạng của họ. Bí mật về họ đã bị “bóc vỏ” ra sao?

5XxPh8pj.jpgPhóng to

Hai con trai của Juan Lazaro bị báo chí bao quanh sau khi cha mình bị bắt giữ - Ảnh: Reuters

Sau vụ xìcăngđan tháng 6-2010, cái tên Scherbakov đã trở thành tiếng nguyền rủa ám chỉ sự phản bội trong Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR). Thế nhưng, vấn đề không phải ở chỗ ông ta đã bán đứng người của mình mà là bán đứng ra sao: Scherbakov đã đích thân tố cáo thân phận của một trong số 10 điệp viên kinh nghiệm và sáng giá nhất của SVR, đó là Mikhail Vasenkov, 65 tuổi, được biết đến với cái tên Juan Lazaro.

Dưới cái vỏ bọc chụp ảnh

Lazaro được cử tới Tây Ban Nha vào thập niên 1960, rồi từ đây tới Chile, nơi ông bắt đầu thu thập thông tin đối ngoại trong vai một nhà nhiếp ảnh. Công việc này giúp ông trôi nổi khắp Mỹ Latin, quen biết nhiều chính khách và doanh nhân.

Thập niên 1970, Lazaro kết hôn với Viki Pelaez, một nhà báo Peru. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chuyển sang Mỹ sinh sống. Cuộc định cư này nằm trong kế hoạch của SVR, và Pelaez có lẽ không hề hay biết. Ít ra là thế bởi sau khi chồng bị bắt, bà đã tuyên bố với báo giới rằng “không biết chồng mình thật sự là ai!”. Ở Mỹ, gia đình Lazaro sống khiêm tốn, chừng mực, mặc dù người vợ của điệp viên Nga này là một nhà báo có nhiều ảnh hưởng của tờ El Diaro, và trong số những người quen biết của họ có cả những nhân vật cấp cao của Đảng Dân chủ Mỹ. Nhờ những thông tin tình báo thành công mà Lazaro đã được bí mật phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào thập niên 1980.

Theo một nguồn tin được tiết lộ trên báo Kommersant, Lazaro có lần còn lấy được cả lịch trình công du nước ngoài của tổng thống Mỹ vài năm trước.

“Trong suốt thời gian công tác, Lazaro đã nhập vai tự nhiên đến độ gần như quên mất tiếng Nga - Kommersant tiết lộ - Đó là một nhà tình báo chuyên nghiệp cao cấp mà nếu không bị phản bội thì không bao giờ ông ta bị bại lộ ở Mỹ”. Ngay trước khi bị bắt, Lazaro đã được Nga bí mật phong tướng, mặc dù ông đã chính thức về hưu vài năm trước đó và có thể từ chối tiếp tục công tác tình báo. Nhưng ông đã không làm thế.

4pEaSp6G.jpgPhóng to

Juan Lazaro (bìa phải) tại tòa án Mỹ hồi tháng 7-2010 - Ảnh: EPA

Một điệp viên hoàn hảo

Lý lịch của Lazaro “sạch” và hoàn hảo đến mức khi đã bắt ông rồi, phía Mỹ cũng không cách nào chứng minh sự liên quan của điệp viên này với phía Nga. Trước các nhà điều tra là một người đàn ông với ba bằng đại học, có cả bằng chính trị học tại Mỹ, có một gia đình đáng kính, mà vợ con bè bạn, bạn học và rất nhiều người quen đầy ảnh hưởng khác sẵn sàng đứng ra làm chứng cho bất cứ sự kiện nào trong đời mà ông khai báo. Lazaro cứ một mực phủ định tất cả cáo buộc và tuyên bố mình vô tội. Nhiều đồng nghiệp của Lazaro đã tin rằng cuối cùng ông cũng được trả tự do... cho đến khi Scherbakov xuất hiện!

Cuộc gặp định mệnh này được mô tả như sau: “Người vừa tới đã gọi tên, chức vụ, nơi làm việc của người bị bắt bằng tiếng Nga, rồi sau đó nói: Mikhail Anatolievich, ông nên thú nhận và đầu hàng đi”. Người bị bắt đáp lại bằng tiếng Anh rằng ông ta không hiểu người kia nói gì. Người mới tới bèn lặp lại bằng tiếng Anh nhưng đã được đáp rằng: “Tôi là Juan Lazaro. Tất cả những điều đó chỉ là một sai lầm ngu xuẩn, tôi không biết gì hết làm sao mà thú nhận”.

Sau đó đại tá Scherbakov chuyển cho các điều tra viên Mỹ tập hồ sơ cá nhân của Vasenkov mà ông ta đích thân mang tới từ Matxcơva. Sau khi tập hồ sơ được đưa ra, Lazaro mới xưng tên mình, rồi bảo sẽ không nói thêm gì cả, kể cả sau đó khi các điều tra viên đã đánh ông gãy một chân cùng ba xương sườn trong những cuộc hỏi cung. Lazaro đã trở về Nga với những đoạn xương gãy này trong cuộc trao trả điệp viên hồi tháng 7-2010.

Các đồng nghiệp Vasenkov kể vừa về tới Nga, Vasenkov đã đề đạt với cấp trên rằng ông không muốn sống ở Nga. “Có thể hiểu tại sao như thế. Bởi những gì diễn ra không đơn giản là sự phản bội khi mà người ta mang toàn bộ hồ sơ điệp viên trình cho kẻ thù. Chưa bao giờ xảy ra một điều như thế”, một nguồn tin bình luận.

NG.THANH tổng hợp (Theo Kommersant, Lenta.ru)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp