Thật ra, xe chở quá tải phá nát đường và gây tai nạn giao thông là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vì sau nhiều lần báo chí phản ánh thì đâu vẫn vào đấy. Thực tế này khiến nhiều người ngán ngẩm đặt câu hỏi: “Ai cứu những con đường?”.
Bạn đọc có địa chỉ email khongsaubon@... cung cấp một thực tế và góp tiếng trả lời câu hỏi trên: “Tình trạng xe quá tải đã xảy ra nhiều năm lắm rồi, nó tàn phá nặng nề các con đường nhưng không ai làm gì được. Không riêng gì xe ben mà hầu như các loại xe tải đều chở quá tải đến 300% (xe 8 tấn chở 20-24 tấn, xe 12 tấn chở 36 tấn, xe 18 tấn chở 54 tấn). Theo tôi, trị xe quá tải không khó nếu cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông làm đúng chức trách. Vì vậy chỉ có ngành giao thông và cảnh sát giao thông mới cứu được những con đường”.
Liên quan đến chuyện này, khongsaubon@... còn chỉ ra trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm khi cơ quan này bỏ qua chuyện xe “đôn lốp”, “đôn nhíp” và “đôn gầm”. “Nếu để xe đúng như thiết kế ban đầu thì không xe nào dám chở quá tải đến thế” - khongsaubon@... nhận định.
Còn bạn đọc có địa chỉ email anhminh7878@... cho rằng sẽ dẹp được nạn xe chở quá tải để cứu những con đường nếu lực lượng chức năng không nhận tiền "hụi chết" từ những chủ xe vi phạm. “Nếu không đóng “hụi chết”, đố ông doanh nghiệp vận tải nào dám cho xe chở quá tải như vậy mà bon bon trên đường gây ra biết bao tai nạn cho người dân. Tại sao bắt người dân đóng phí bảo trì đường bộ để tu sửa đường cho những “hung thần” chở quá tải cày nát đường?” - anhminh7878@... đặt vấn đề.
Nhiều bạn đọc cho rằng xe quá tải là nguyên nhân chủ yếu thứ hai trực tiếp phá hoại cầu đường, chỉ đứng sau chất lượng làm cầu đường thôi. Đồng tình với nhận định này, bạn đọc có địa chỉ email tuong.phan@... khẳng định: “Chúng ta dư sức giải quyết nạn xe quá tải. Vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi bởi những xe này nếu không có sự tiếp tay của lực lượng chức năng thì không bao giờ dám lăn bánh chứ đừng nói tới hoạt động ngang nhiên. Vấn đề đặt ra là Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an có mạnh tay phạt, giam xe có hạn và tịch thu xe chở hàng quá tải không...?”.
Một bạn đọc là tài xế xe khách dưới 50 chỗ kể mỗi khi lái xe đi qua quốc lộ 1K, đoạn từ Thủ Đức, TP.HCM đi cầu Hóa An, Biên Hòa (Đồng Nai) anh phải mất phí 10.000 đồng, nhưng đoạn đường này hỏng hoài. “Các anh xe ben liên tục qua lại đoạn đường này với đầy xe đá từ núi Châu Thới đi ra... Xe ben không chỉ chở quá tải, làm rơi vãi đá trên đường mà còn chạy lấn ép các xe nhỏ, có khi lấn vào làn đường bên trong - làn đường chỉ xe buýt mới được chạy nhưng hầu như không thấy bóng dáng CSGT đâu cả...” - bác tài xe khách cung cấp thông tin này để lý giải vì sao đoạn đường trên liên tục hỏng.
Bạn đọc có địa chỉ email ruougiahuy79@... cho biết bản thân anh là tài xế nhưng khi nghe người em kể về chuyện chạy xe Dongfeng đổ đất ở Cẩm Lệ (Đà Nẵng) anh sởn gai ốc. “Đất cứ đổ đầy thùng xe, chạy có chuyến là có tiền nên thi nhau đua. Ngã ba, ngã tư gì cứ vượt ráo, ai tránh thì tránh, không tránh được thì ráng chịu. Lực lượng gác đường chủ xe đã chung chi rồi, gây tai nạn thì bỏ xe đó, điện chủ tới lo. Nói chung là hầu như tài xế không có trách nhiệm gì hết, chỉ khi nào gây chết người mới lo thôi. Còn va quẹt, tông nát đuôi xe, làm người khác bị thương thì cứ vứt xe đó cho chủ, mai nhận xe khác chạy tiếp...” - ruougiahuy79@... thuật lại lời kể của người em.
Bên cạnh những bạn đọc đưa ra giải pháp để cứu lấy các con đường, không ít bạn đọc tỏ ra bi quan trước nạn xe quá tải hoành hành và đặt vấn đề: Không lẽ các cơ quan chức năng bó tay? “Chuyện xe tải hạng nặng, xe container trở thành hung thần trên đường là nỗi ám ảnh của người dân. Rồi chuyện xe chở quá tải gây hư hỏng cầu đường là chuyện ai cũng biết nhưng nói mãi có giải quyết được gì đâu! Cứ kiểu này thì kinh phí làm đường, bảo trì có hàng trăm ngàn tỉ đồng cũng chẳng thấm vào đâu. Không lẽ các cơ quan chức năng bó tay?” - đây là ý kiến và câu hỏi mà bạn đọc có địa chỉ email huufu.70@... cũng như nhiều bạn đọc khác đặt ra cho các cơ quan chức năng.
4.413 Là số email bạn đọc phản hồi các tin bài trên Tuổi Trẻ trong tuần qua. Trong đó, vụ không trả thưởng cho tờ vé số bị rách tiếp tục thu hút bạn đọc với 703 ý kiến phân tích, bình luận. Ngoài ra, các tin bài sau đây cũng nhận được nhiều phản hồi: (262 ý kiến), (243 ý kiến), (177 ý kiến), (152 ý kiến), (147 ý kiến)... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận