07/06/2015 08:50 GMT+7

​Ai cũng ở tuyến trên, ai sẽ lo tuyến dưới ?

DIỆU NGUYỄN ghi
DIỆU NGUYỄN ghi

TT - Nhiều trăn trở xung quanh câu chuyện “Có đãi ngộ, sinh viên y khoa dám dấn thân?” (Tuổi Trẻ ngày 6-6-2015) đã được chia sẻ với Nhịp sống trẻ.

Y bác sĩ và sinh viên tình nguyện ĐH Y dược TP.HCM khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo Củ Chi, tháng 2-2015 - Ảnh: Mỹ Duyên

* BS TRẦN VĂN KHANH (giám đốc Bệnh viện Q.2, TP.HCM):

Nếu tay nghề giỏi có thể nhận trọng trách

Trong điều kiện của đất nước còn thiếu thốn như hiện nay, không chỉ chăm lo sức khỏe y tế được chú trọng quan tâm mà nhiều vấn đề khác như điện, đường, trường, trạm và giáo dục cũng đang rất cần đến nguồn nhân lực tri thức trẻ.

Ở một số nước, bất kỳ người dân nào dù có học cao đến đâu thì họ vẫn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Vì họ ý thức được rằng nếu không có những người hi sinh thì ai sẽ giữ biên cương đất nước?

Đối với ngành y cũng thế, ai cũng đòi hỏi được làm ở các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện lớn thì những bệnh ban đầu ở các bệnh viện tuyến cơ sở ai sẽ chăm lo? Cho dù có 1.000 hay 1 triệu bệnh viện lớn cũng không đủ để giải quyết cho bệnh nhân.

Chúng ta chỉ chú trọng giải quyết phần ngọn là chữa bệnh mà quên đi phần quan trọng là chăm sóc sức khỏe ban đầu: tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, giúp người dân hiểu nên ăn uống làm sao, sinh hoạt thế nào, môi trường giúp ích gì cho sức khỏe...

Do đó, theo tôi, những bác sĩ trẻ tình nguyện về những nơi có điều kiện khó khăn cũng có những hi sinh nhất định. Nhưng để những hi sinh đó không mất đi vô ích, chúng ta khuyến khích người trẻ tiếp cận môi trường rèn luyện thực tế, sau đó lại tiếp tục đi học và luân chuyển công việc, thay đổi vị trí việc làm.

Không có sự hi sinh nào là vô ích, nếu tay nghề giỏi, hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ đánh giá và tạo điều kiện cho bạn mở rộng kiến thức hơn hoặc bạn tự chủ động đề xuất nếu bản thân đủ khả năng đảm nhiệm trọng trách.

* Bác sĩ trẻ LÊ HƯNG THỊNH (khóa Y07 Trường đại học Y dược TP.HCM):

Thể hiện bằng chính sách

Tôi cho rằng lý tưởng và hi sinh là đặc trưng của giới trẻ, không chỉ ở bác sĩ trẻ. Đòi hỏi người trẻ cống hiến, đặc biệt khi đất nước khó khăn là điều hợp lý. Song việc tiếp cận thực tế là một bắt buộc hay khuyến khích, điều đó phải được thể hiện bằng chính sách, chứ không phải lời kêu gọi chung chung.

Theo tôi được biết, ở một số quốc gia vấn đề này được giải quyết bằng phương thức hết sức rạch ròi: sinh viên y sau khi ra trường thường nợ một khoản học phí khổng lồ (do chi phí học y ở đây rất cao), nên họ có vài năm phục vụ ở các khu vực xa xôi với chế độ hấp dẫn, vừa giải quyết được nhu cầu cống hiến tự nhiên lại giải quyết được cả “bài toán” nợ nần.

* HỒ THÙY NHƯ (sinh viên khóa Y09 Trường đại học Y dược TP.HCM):

Cần nhiều bác sĩ giỏi hướng dẫn

Cho dù nhiều bệnh viện ở huyện, tỉnh có nhu cầu tuyển dụng bác sĩ trẻ với nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ hấp dẫn, nhưng bản thân một bác sĩ vừa ra trường không đủ bản lĩnh để đảm nhận trọng trách chữa bệnh một mình.

Cho dù biết công việc ở tuyến cơ sở là giải quyết những bệnh ban đầu nhưng nếu không có bác sĩ giỏi hướng dẫn cũng rất nguy hiểm. Đã có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra ở bệnh viện tuyến dưới tạo nên tâm lý không tin tưởng của người trẻ.

Mọi người cho rằng về các vùng sâu vùng xa sẽ là cơ hội thử thách, giúp nâng cao nghiệp vụ nhưng thực tế thì tay nghề nâng cao hơn hay không thì chưa thấy mà tâm trạng ray rứt “thí nghiệm trên tính mạng người khác” còn đau khổ hơn.

Xuất phát từ tâm mới lâu bền

Hằng năm, qua báo đài, tôi vẫn thấy hàng trăm, hàng nghìn y, bác sĩ trẻ tham gia các chiến dịch tình nguyện về thăm khám, chữa bệnh cho bà con vùng sâu, vùng xa.

Đó là tín hiệu rất đáng mừng, minh chứng cho lòng nhiệt huyết với công tác thiện nguyện, chăm lo cho đời sống người dân của một thế hệ trẻ, đồng thời cũng là động lực để chúng ta phát huy nhiều hơn nữa tinh thần dấn thân của người trẻ. 

Tôi nghĩ việc chăm lo đãi ngộ lương bổng nhằm thu hút các y, bác sĩ trẻ dấn thân về vùng sâu, vùng xa là điều cần thiết, bởi ông bà ta có câu “có thực mới vực được đạo”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của cá nhân tôi, việc khuyến khích về mặt tư tưởng và ý thức phục vụ cộng đồng trong những người trẻ cũng quan trọng không kém.

Mọi việc phải xuất phát từ tâm thì mới lâu bền. Tôi nghĩ Nhà nước, cơ quan, bệnh viện nên có những hoạt động tuyên dương về mặt tinh thần, trao tặng danh hiệu... cho các tấm gương dấn thân.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên y còn ngồi trên ghế nhà trường tham gia các chiến dịch thăm khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa cũng là một cách để truyền lửa nhiệt huyết vào các bạn, thế hệ tương lai của ngành y nước nhà.

Đây cũng là cơ hội để các bạn được thực hành thực tế lại có sự giám sát của những bác sĩ có kinh nghiệm sẽ giúp họ tự tin hơn khi thật sự bước vào nghề.

TRẦN THANH NGỌC (một người dân)

Một nhân viên y tế vùng Hobart hướng dẫn cho một sinh viên y khoa ĐH Tasmania (Úc) trong chương trình Y tế nông thôn của trường - Ảnh: The Advocate

Nông thôn Mỹ thiếu bác sĩ giỏi

Trên trang web ĐH Kentucky, sinh viên y khoa Ashley Loan khẳng định cô nóng lòng chờ đến ngày được làm việc tại phòng cấp cứu một bệnh viện nông thôn ở quê nhà. Khi còn nhỏ, cô chứng kiến mẹ cấp cứu cho một nông dân nên quyết tâm theo đuổi nghề y từ đó.

Cô tâm sự vì sống ở nông thôn nên cô hiểu rõ tình trạng thiếu thốn bác sĩ và nhân viên y tế giỏi tại đây. “Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ trở lại và giúp đỡ mọi người, bởi nông thôn rất cần các bác sĩ giỏi” - Ashley Loan nhấn mạnh.

Theo thống kê của Chính phủ Mỹ, nước này có khoảng 20% dân số sống tại vùng nông thôn, nhưng chỉ có 10% bác sĩ trên cả nước làm việc tại nông thôn. Trong số 2.050 hạt nông thôn ở Mỹ có tới 77% rơi vào tình trạng thiếu nhân viên y tế chuyên nghiệp. Hiện khu vực nông thôn tại Mỹ thiếu khoảng 4.000 bác sĩ chất lượng cao.

Một khảo sát gần đây cho thấy 30% nhân viên y tế ở các vùng nông thôn Mỹ đã gần đến tuổi nghỉ hưu, và chỉ 20% dưới 40 tuổi. Có nghĩa là các vùng nông thôn không thu hút được bác sĩ, y tá, nhân viên y tế trẻ. Thiếu bác sĩ là một trong những lý do khiến người dân Mỹ sống ở nông thôn có tỉ lệ tử vong và bệnh tật cao hơn người thành thị.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Canada hay nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới. Chính phủ các nước này phải áp dụng nhiều sáng kiến để khuyến khích những người trẻ theo đuổi ngành y.

Đầu tiên là hỗ trợ tài chính. Riêng ở Mỹ có 16 bang thực hiện chương trình hỗ trợ trả nợ học phí đại học cho các bác sĩ, nhân viên y tế trẻ tuổi muốn làm việc tại các vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh.

Tương tự, Chính phủ Canada có chương trình giảm hoặc miễn nợ sinh viên cho các bác sĩ, y tá làm việc ở vùng nông thôn. Một bác sĩ đến làm việc ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại Canada có thể được hỗ trợ 8.000 USD/năm trong bốn năm.

Y tá có thể được hỗ trợ 4.000 USD/năm trong năm năm. Các trường y cũng mở chương trình chú trọng đào tạo kỹ năng y tế nông thôn, nơi không có nhiều thiết bị y tế hiện đại như thành thị.  

Trường ĐH Missouri có chương trình đưa sinh viên làm việc tại nông thôn từ 2 - 8 tuần. Sinh viên năm hai Kayla Matzek của ĐH Missouri kể với chương trình này cô được làm nhiều việc mà sinh viên năm ba hoặc bốn không có cơ hội làm.

“Tôi được đỡ đẻ, được tham gia các cuộc phẫu thuật - Matzek kể - Những việc đó giúp sinh viên chúng tôi càng hiểu rõ rằng nghề y là để giúp người. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp tôi sẽ trở lại nông thôn làm việc”.

NGUYỆT PHƯƠNG

 

DIỆU NGUYỄN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp