Đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem xét, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế. Đồng thời nên tính đến chuyện giảm trừ gia cảnh theo vùng, theo khu vực, không nên "cào bằng" như hiện nay.
* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):
Nên giao Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế áp dụng từ ngày 1-7-2020 tới nay không còn phù hợp với thực tế của các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Việc này gây khó cho người dân nộp thuế, nhất là ở các thành phố lớn. Bên cạnh việc tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng và tăng lương tối thiểu vùng thì rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian qua đều tăng giá, thậm chí có mức giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập.
Do vậy, mức giảm trừ gia cảnh cần quy định lại để sát với thực tế hơn. Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân tới đây cần nghiên cứu quy định mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh phù hợp với mức lạm phát. Nếu không điều chỉnh hằng năm thì có thể 2-3 năm điều chỉnh/lần.
Đồng thời, nên nghiên cứu để Chính phủ tự động điều chỉnh chứ không phải cứ đến lúc cần Chính phủ lại phải xin ý kiến. Như vậy mọi việc sẽ linh hoạt, phù hợp hơn.
Cần nghiên cứu kỹ hơn để có giải pháp tổng thể sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thì ngay ở kỳ họp thứ 8 này Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội xem xét cho điều chỉnh ngay mức giảm trừ gia cảnh. Chúng ta cần xem xét sửa đổi sớm chứ không thể để mức giảm trừ gia cảnh như thế này đến năm 2025.
* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương):
Bộ Tài chính sớm rà soát, điều chỉnh kịp thời
Từ kỳ họp thứ 4, 5, 6 và gần đây nhất là kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, tôi và nhiều đại biểu đã nhiều lần có ý kiến về việc mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân đang rất lạc hậu so với tình hình chung.
Các đại biểu khi thảo luận ở Quốc hội cũng đề nghị cùng với tăng lương cần điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp.
Thực tế, mức giảm trừ gia cảnh áp dụng từ năm 2020 và phù hợp với mức lương cơ sở, tối thiểu vùng, chỉ số giá tiêu dùng của thời điểm đó.
Còn hiện nay, chúng ta điều chỉnh lương cơ sở, lương tối thiểu vùng và chỉ số giá tiêu dùng đã khác đi rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta không điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là không hợp lý, ảnh hưởng tới đời sống của người phải nộp thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi giải trình ở Quốc hội cho biết chưa trình tăng mức giảm trừ gia cảnh là đúng luật. Tuy nhiên, tôi và nhiều đại biểu thấy chưa nhất trí với giải trình này.
Bởi lương đã tăng lên nhiều, mặt bằng cuộc sống tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng mà giảm trừ gia cảnh vẫn như cũ là không hợp lý.
Chúng ta đã tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, lương hưu từ 1-7 thì cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để đồng bộ chính sách, giúp người được tăng lương có niềm vui trọn vẹn.
Nếu thống nhất được quan điểm của Bộ Tài chính về việc cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì hoàn toàn có thể thực hiện theo quy trình sửa đổi luật ở một kỳ họp hoặc theo quy trình rút gọn.
Hiện các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, đông đảo người dân đã có ý kiến kiến nghị thì Bộ Tài chính cần sớm rà soát, đánh giá tác động thật kỹ việc này để có đề xuất điều chỉnh kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế.
* Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú (chuyên gia về thuế):
Tăng ngay mức giảm trừ gia cảnh
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay 11 triệu đồng/người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc được duy trì từ năm 2020 đã quá lạc hậu so với tình hình kinh tế - xã hội, biến động giá cả và đợt tăng lương tối thiểu từ 1-7 vừa rồi.
Mức giảm trừ quá thấp so với chi phí thiết yếu của người nộp thuế, nhất là ở những đô thị đắt đỏ như Hà Nội, TP.HCM...
Như căn hộ chung cư 50 triệu đồng/m2 ở Hà Nội gần như là "tuyệt chủng". Để có nhà ở, thông thường người lao động phải vay vốn ngân hàng để mua.
Thế nhưng những chi phí như lãi vay ngân hàng... đâu được giảm trừ trước khi tính thuế như tại nhiều quốc gia đang áp dụng. Hay mức 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc cũng không đảm bảo chi trả ăn uống, học phí, sách vở, quần áo... cho một đứa trẻ ở đô thị.
Trường công chỉ đảm bảo 40-50% nhu cầu của người dân, nên con em phải đi học ở các trường tư với học phí rất đắt đỏ. Ngay cả trường công lập, nhiều trường đại học theo cơ chế tự chủ cũng có học phí 4-5 triệu đồng/tháng rồi.
Bên cạnh đó, chính sách tăng lương cơ sở từ 1-7 khiến người làm công ăn lương không hưởng trọn vẹn.
Ngay trong năm nay mức giảm trừ gia cảnh cần được bằng đúng mức tăng lương cơ sở là 30% so với hiện hành. Theo đó, giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 14,5 triệu đồng/tháng, còn cho người phụ thuộc là 6 triệu đồng/tháng.
Bộ Tài chính cần trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết nâng mức giảm trừ ngay trong năm nay.
Trường hợp để năm sau mới nâng mức giảm trừ gia cảnh thì tăng thêm 50% so với hiện tại: mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 16,5 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc là 6,5 triệu đồng/tháng.
Như đã phân tích, mức giảm trừ lạc hậu so với biến động kinh tế - xã hội, cộng với chính sách tăng lương cơ sở 30%, cùng với việc chỉ số giá từ năm 2020 đến nay vượt hơn 10% rồi.
Nếu chờ CPI tăng 20% như quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân mới nâng mức giảm trừ gia cảnh thì người nộp thuế làm công ăn lương quá thiệt thòi.
Thêm nữa, đó là một trong những vấn đề nóng mà cử tri kiến nghị và được đại biểu Quốc hội thảo luận tại ba kỳ họp Quốc hội trong hai năm trở lại đây. Hơn bao giờ hết, các chính sách cần phải khuyến khích, tạo thuận lợi cho người nộp thuế nỗ lực lao động.
* Anh Lê Nguyễn Hoàng Long (29 tuổi, quận 8, TP.HCM):
Phải làm thêm mới đủ nuôi hai con
Vợ chồng tôi có hai con nhỏ, được áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mỗi cháu 4,4 triệu đồng/tháng.
Nhưng rõ ràng số tiền này không đủ để xoay xở nuôi bé. Tiền học mỗi tháng trung bình là 2 triệu đồng, tiền sữa mỗi tuần 500.000 đồng, chưa kể còn tiền ăn uống, sinh hoạt...
Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không còn phù hợp trong đời sống thực tế. Tôi phải làm thêm việc mới đủ nuôi hai con nhỏ của mình.
Nếu giá cả tiếp tục tăng thì áp lực sẽ còn lớn hơn với những gia đình phải nuôi con nhỏ như chúng tôi. Hiện tạiNhân viên Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn một trường hợp khai người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh Ảnh: T.T.D. sau khi trừ số tiền giảm trừ gia cảnh, tôi vẫn nằm ngoài đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân. Nhưng mỗi khi có thưởng thì phải trích ra một khoản nữa để đóng thuế.
* Anh Trần Công Hùng (39 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM):
Nên tăng thêm ít nhất 30%
Lương hai vợ chồng tôi đều nằm trong diện phải đóng thuế thu nhập, tổng cộng khoảng 30 triệu đồng. Tuy vậy chúng tôi phải dè sẻn trong sinh hoạt hằng ngày. 30 triệu đồng cho gia đình bốn người sinh hoạt ở TP.HCM cũng chỉ ở mức cơ bản, từ học hành, ăn uống, khám chữa bệnh, đi lại...
Chúng tôi còn phải trả lãi gốc và lãi vay khi mua căn hộ ở vùng ven để làm nơi an cư sau gần 10 năm thuê trọ. Tháng nào hết tháng đó, không dư ra đồng nào.
Mức giảm trừ gia cảnh đứng yên một chỗ trong nhiều năm qua là một điều cực kỳ bất hợp lý. Chưa kể việc tính thuế mang tính "cào bằng", trong khi chi phí sinh hoạt ở các tỉnh thành có khác nhau, đặc biệt là các đô thị lớn chi phí sinh hoạt vô cùng đắt đỏ.
Mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc hiện tại chưa phản ánh đúng mức tiêu dùng của người dân ở các đô thị phải bỏ ra. Riêng học phí nhà trẻ tư thục cho một đứa con mỗi tháng tốn 7-8 triệu đồng.
Với mức sống cơ bản của gia đình tôi, mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc phải tăng thêm ít nhất 30% mới đảm bảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận