Thị trưởng thành phố Minneapolis Jacob Frey quỳ bên quan tài của George Floyd - Ảnh: Reuters
Từ một đất nước phương Tây, em trai gọi telephone thuyết phục chị tham gia vào dự án mang tính từ thiện lẫn tâm linh: sưu tập các biểu hiện tâm lý tiêu biểu để sáng chế ra phần mềm an ủi, đối thoại với những người trầm cảm, giúp con người bớt cô đơn...
Chị không quan tâm nhiều lắm dự án (hơi viển vông) được tài trợ đến hai triệu đôla, bởi biết tính em cứ hay khai sinh các dự án to lớn rồi dang dở với bao đổ vỡ lòng tin, tài chính, dù lần này kế hoạch của em khá rõ ràng, khúc đầu chi bao nhiêu, khúc giữa bao nhiêu, hoàn tất bao nhiêu...
Để kiểm tra mức độ nghiêm túc của em, chị hỏi người tin cậy và tài trợ em là ai. Em nói một sư thầy lớn tuổi. Rằng sư thầy tích lũy tiền khá lâu, sau nhiều năm giúp đỡ phần xác, nay ông muốn giúp căn cơ phần hồn của con người và rất quyết tâm.
Khi chị hỏi lý do sư thầy quyết tâm, em ngần ngừ đôi giây trước khi buột miệng "ai cũng có điều để sám hối".
Bỏ qua dự án mà chị thấy khá hư vô, càng hư ảo trong mùa dịch, thì câu nói "ai cũng có điều để sám hối" chị tin ngay. Tin từ chính bản thân cho tới thế giới quanh mình. Ai mà không có những áy náy, ăn năn lớn, nhỏ - những tiếc nuối đôi khi phải mang theo xuống tuyền đài.
Nhớ hồi George Floyd - người đàn ông da màu chết sau khi bị cảnh sát khống chế, trong tang lễ của ông hôm 4-6 tại Minneapolis (bang Minnesota, Hoa Kỳ), Thị trưởng Jacob Frey quỳ một chân bên cạnh quan tài Floyd khóc nức nở và run lên bần bật trước sự có mặt của hàng trăm người.
Chị tin nước mắt của Jacob Frey thành thật. Là thị trưởng, ông không vô can trước một cái chết có mầm mống kỳ thị sâu xa mà cảnh sát Derek Chauvin - người trực tiếp ghì lên gáy Floyd - dù đã bị sa thải, bị buộc tội giết người cấp độ hai, chỉ là chỉ dấu.
Tiếng khóc của Jacob Frey là tiếng khóc tự vấn.
Chị có cô bạn. Bạn kể trong một lần nuôi ông nội hấp hối trong bệnh viện, ông đã nói với bạn ông có con với người giúp việc sau khi bà bạn mất vài năm. Rằng cả nhà đều biết sự tồn tại của cô gái ấy, biết cô ở bờ kia thị xã, sau một cây cầu; nhưng ai cũng làm lơ, đặc biệt người con lớn.
Cô Hai của bạn đau tim, cứ nghe cha gần xa nhắc nhở "em con" là ngất xỉu, nên ông đành im lặng. Trước phút ra đi, ông hụt hửi cầm tay đứa cháu cưng, nói muốn cô gái đó được về đội tang cha, rằng linh hồn ông không siêu thoát nếu ước nguyện kia không thành.
Lời trối của ông được đứa cháu thực hành đơn độc, dè dặt bước qua sông... Giờ phát tang ông, xuất hiện nữ doanh nhân có gương mặt giống hệt cha lặng lẽ nhận tang, lẳng lặng ra về vì không ai chào đón. Khi tiễn "cô Út" qua sông, bạn tin nơi xa nào đó ông nội bạn mỉm cười...
"Lỡ sai vẫn kịp sửa lại" là một lời trong bài hát Buồn làm chi em ơi của nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường, để khích lệ ca sĩ Hoài Lâm vượt qua biến cố. Biến cố của Hoài Lâm chị không theo dõi, chỉ nghe em chia tay vợ con, nhưng chị xúc động khi nghe Hoài Lâm hát bài hát nọ.
Giọng trong, sáng, hoang hoải, đôi chỗ như nghẹn lại, ngân dài ở cuối câu đầy chua xót: "Dù thời gian phôi phai, xin gói vào một tiếng thở dài...". Thấy rõ chàng ca sĩ trẻ đang tâm tình chân thật, tự vấn chân thành. Khi ta chân thành thì mọi cái sai đều có thể làm lại.
Trở lại câu chuyện liên quan đến vị sư. Dù không biết dự án kia có thành không sau những xúc tiến ngập ngừng, nhưng chị tin sư thầy đó thành tâm. Tin trong thế gian có biết bao người phởn phơ đang âm thầm sám hối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận