Những người lớn tuổi sẽ được ôn lại ký ức về một thời Hà Nội còn nghèo khó mà thân thương ấy, còn người trẻ thì được khám phá một đời sống thật khó tin mà ông bà, cha mẹ mình đã sống trong triển lãm ảnh Hà Nội một thời để nhớ đang diễn ra tại Trung tâm văn hóa số 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Triển lãm do UBND quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng hai nhiếp ảnh gia Andy Soloman và Lê Bích tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm tiếp quản thủ đô.
Giữ giùm cho Hà Nội những thân thương ngày cũ
Hai nhiếp ảnh gia mang đến 86 bức ảnh đen trắng được họ chụp từ năm 1992 đến năm 2012, ghi lại cuộc sống của người dân Hà Nội trong thời kỳ thành phố đang dần bước vào một cuộc đổi thay nhanh chóng về kinh tế dẫn đến nhiều đổi thay về xã hội, đời sống.
Những bức ảnh thiên về nhiếp ảnh đường phố của Andy Soloman và Lê Bích mang đến một hình dung sống động về Hà Nội một thời thân thương nhưng cũng bắt đầu đón nhận nhiều đổi thay.
Sự đổi thay của thành phố thể hiện rõ trong các bức ảnh của Lê Bích khi anh hướng ống kính vào những vẻ đẹp lưu dấu ở những con người Hà Nội cũ cũng như những góc bề bộn của thành phố…
Nhưng càng sốt ruột về sự phá cũ xây mới, Lê Bích càng cố công tìm kiếm những vẻ đẹp dịu dàng của Hà Nội còn sót lại để cất giữ giùm cho thành phố.
Những bức ảnh của Lê Bích được chụp chủ yếu vào đầu những năm 2000.
Trong khi đó, Andy Soloman say sưa ghi lại một Hà Nội thời còn nghèo khó, trong trẻo những năm 1990.
Các bức ảnh được ông Andy chụp trong khoảng từ 1992 - 1999, nhiều nhất là trong hai năm 1992 - 1994, và chưa từng được công bố rộng rãi.
Con mắt của một phóng viên ảnh ngoài 30 tuổi đến từ một nền văn hóa rất khác đã lập tức bị thu hút bởi con người và nhịp sống của thành phố đầy mới lạ là Hà Nội.
Sức hút lớn tới mức khiến ông đã đổi kế hoạch, từ một chuyến đi ngắn ngày đã trở thành một tình yêu trọn đời của ông với thành phố này, và với Việt Nam nói chung.
Thành phố nhiều đổi thay nhưng tình người vẫn nồng ấm
Andy say mê thu vào ống kính những hình ảnh hấp dẫn ông bắt gặp trên đường phố Hà Nội: phút nghỉ ngơi của những người đàn ông đạp xích lô, giờ tan ca của hai người công nhân với quần áo, dép nhựa, mũ cối và xe đạp gần như giống hệt nhau…
Hay cô bé mải mê đan len ngay trên đường phố không biết tới việc mình đã lọt vào ống kính, những đứa trẻ bán báo dạo trên phố Tràng Tiền; những trung niên đang tập thể dục trong công viên Thống Nhất, bên xác chiếc máy bay còn lại từ thời chống Mỹ…
Chiếc taxi đầu tiên trên đường phố Hà Nội cũng được Andy ghi lại, rõ ràng là một dấu mốc quan trọng của thành phố bởi tới lúc đó người dân vẫn chủ yếu di chuyển bằng xe đạp và lác đác xe máy.
Hay những khung cảnh người dân phố cổ họp chợ đông đúc luôn cả đoạn phố, một người đàn ông ngồi nặn than cám (than bùn) trên đường. Thời ấy người Hà Nội vẫn chủ yếu đun nấu bằng than.
Andy Soloman cũng nhìn thấy những ngôi biệt thự Pháp, những ngôi nhà cổ bắt đầu nhường chỗ cho các dự án phát triển mới.
Thành phố đã thay đổi theo nhiều cách, nhưng ông tin rằng bản chất của nó vẫn không thay đổi.
Sự nồng ấm và tình người, những thứ mà thành phố này đã cuốn hút ông từ ngày đầu tiên năm 1992, vẫn sống động cho tới ngày nay.
Triển lãm mở cửa miễn phí từ nay đến hết 31-10-2024, đóng cửa các ngày thứ hai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận