Xe đạp cũ thầy xin về được đem sửa... và tặng lại cho học trò - Ảnh: HÙNG CƯỜNG
Rồi từ đó sau giờ tan trường, khoảng sân nhỏ trước nhà công vụ giáo viên trở thành một "tiệm sửa xe" di động của các thầy giáo. Những chiếc xe đạp cũ lần lượt được các thầy giáo kiểm tra, sửa chữa từng bộ phận từ nhông xích, bánh xe đến hệ thống phanh.
Có chiếc xe đạp bị thủng săm hay mòn xích sau thời gian dài không sử dụng được các nam giáo viên vá, tra dầu lại một cách cẩn thận. Cạnh đó, một chiếc xe đạp bị gỉ sét cũng được thầy giáo tự tay sơn lại gần như mới. Đây đều là những chiếc xe đạp cũ được thầy Tài cùng những người bạn kêu gọi xin về cho học sinh nghèo của trường.
Gắn bó với việc gieo chữ cho học trò ở vùng cao Quế Phong gần 12 năm nay, thầy Tài thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn trong hành trình tìm con chữ của các học sinh nơi đây. "Có nhiều học trò ở xa phải đi bộ đến trường. Tôi mong muốn giúp đỡ các em có xe đi lại" - thầy Tài chia sẻ. Từ suy nghĩ đó, thầy đem câu chuyện "học trò miền núi cần xe đạp đến trường, ai có xe đạp cũ không dùng đến thì tiếp sức các em" chia sẻ lên Facebook cá nhân.
Sau gần một tháng kêu gọi, vận động, có 14 chiếc xe đạp cũ từ khắp nơi chuyển về cho trường trong niềm vui của thầy và trò. Thời gian dài không sử dụng nên những chiếc xe đạp gỉ sét, các thầy tranh thủ thời gian rảnh đem ra sửa chữa, thay thế phụ tùng.
Trong giờ chào cờ đầu tuần, những chiếc xe đạp cũ sau khi đã sửa sang lại được trao tận tay cho học sinh nghèo. Những chiếc xe này sẽ được các thầy giáo kiểm tra định kỳ mỗi tháng một lần để đảm bảo an toàn nhất cho các em khi sử dụng.
Thầy Hoàng Ngọc Thanh - hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú, THCS Tri Lễ - cho biết trường có hơn 750 học sinh, trong đó có hơn 300 học sinh ở bán trú. Nhiều em ở xa không có xe đạp phải đi bộ rất vất vả, nhất là những ngày mưa bão.
"Việc làm của thầy Tài và các giáo viên nhằm động viên, tiếp sức các em đến trường. Thời gian tới, nếu các thầy cô giáo kêu gọi được xe đạp cũ mà cần thay thế phụ tùng, nhà trường sẽ tiếp tục vận động thầy cô ủng hộ thêm để sửa chữa" - thầy Thanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận