Lộ trình về việc dẫn đến tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc từ viện trợ nhân đạo của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM - Đồ họa: Như Khanh |
Thông tin từ Bộ Y tế cho hay hôm qua 7-5 là hạn chót Sở Y tế TP.HCM phải có báo cáo gửi Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý dược, giải trình về đường đi của lô thuốc gần 20.000 viên tồn kho của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM.
Lô thuốc trị ung thư đã hết hạn sử dụng từ tháng 5-2015 do một loạt quy trình lòng vòng của cơ quan nhận viện trợ và cấp phép nhận viện trợ, dẫn đến lãng phí 14 tỉ đồng (tính theo đơn giá xuất kho loại thuốc tương tự vào tháng 8-2015 là trên 700.000 đồng/viên).
Theo các chuyên gia pháp lý, trong vụ việc này vấn đề giải quyết thủ tục hành chính một cách máy móc, chậm chạp của các cơ quan nhà nước là nguyên nhân dẫn đến hậu quả lãng phí, ảnh hưởng đến cơ hội được chữa trị của người bệnh.
Theo Thanh tra TP.HCM, quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô hàng kéo dài quá lâu (từ tháng 11-2013 đến tháng 8-2014), cho nên thời gian đến khi thuốc hết hạn chỉ còn 10 tháng.
Trong đó tính riêng từ khi Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM xin chấp thuận cho bệnh viện thực hiện chương trình Tasigna là 3 tháng.
Tiếp đó, từ khi Sở Y tế TP.HCM có văn bản xin chấp thuận, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt tiếp nhận lô hàng cũng mất hơn 3 tháng. Như vậy, chỉ tính riêng mỗi thủ tục chấp thuận cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM tiếp nhận thuốc viện trợ đã mất hơn 6 tháng.
Ngoài ra từ khi Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM nhận được thư hiến tặng thuốc đến khi bệnh viện có đề nghị tiếp nhận viện trợ gửi Cục Quản lý dược là gần 4,5 tháng. Trách nhiệm này của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM.
Trong kết luận thanh tra hồi tháng 2-2017, Thanh tra TP.HCM đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của từng đơn vị liên quan.
Theo luật gia Phạm Văn Chung, trong vụ việc trên có đến 5 cơ quan cùng giải quyết nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê, vòng vo, dẫn đến thời gian giải quyết quá dài.
“Không thể chấp nhận tình trạng cơ quan hải quan - đơn vị không có chuyên môn về y tế - nhưng chỉ mất một thời gian ngắn để thông quan lô hàng, trong khi các cơ quan chuyên môn về y tế lại mất gần một năm trời cho việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức đối với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia giải quyết thủ tục đối với lô thuốc nhân đạo này là có vấn đề” - ông Chung nói.
Đồng quan điểm trên, nguyên một lãnh đạo Cục Quản lý dược cho rằng hiện còn quá nhiều cơ quan có thẩm quyền tham gia giải quyết các thủ tục trong quản lý thuốc nhập khẩu. Trong khi đó, khi xảy ra vụ việc, sự cố thì không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.
“Trong vụ việc này, ngoài vấn đề về tình người, tinh thần trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì chính thủ tục hành chính, sự máy móc, cứng nhắc của những cơ quan, tổ chức liên quan đã cướp đi cơ hội sống của rất nhiều người đang cận kề với cái chết” - vị này nói.
Chiều 7-5, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan, đại diện Bộ Y tế cho rằng sau khi có báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, bộ sẽ tiến hành xem xét.
Quy trình liên quan đến... con người Trong những ngày qua, báo chí đã nhiều lần đặt câu hỏi gửi Bộ Y tế, đặc biệt là hỏi Cục Quản lý dược, Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Bảo hiểm y tế về quy trình giải quyết đối với lô thuốc viện trợ nhân đạo. Đại diện các cơ quan này cho rằng quy trình hiện có gồm thông tư 47/2010, thông tư 45/2011, các tỉnh thành khác đều áp dụng và đã nhận nhiều viện trợ, vướng mắc chỉ xảy ra ở TP.HCM do “quy trình nào cũng còn liên quan đến con người thực hiện quy trình ấy”. Thanh tra TP.HCM đang giao Sở Tài chính chủ trì xây dựng quy trình tiếp nhận viện trợ để áp dụng thống nhất trên toàn TP. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận