Việc phát triển nóng các nguồn năng lượng tái tạo đặt ra nhiều thách thức trong vận hành hệ thống, yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đó là thông tin được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra khi báo cáo tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế, năng lượng đầu ngành và các cơ quan báo chí chiều 4-5.
Ông Nguyễn Đức Ninh, giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho hay tăng trưởng điện 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục chịu ảnh hưởng của COVID-19, khi điện thương phẩm chỉ tăng 6,74%.
Tuy vậy, nguồn năng lượng tái tạo huy động dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh, lên tới 32 tỉ kWh, gấp đôi so với trước. Trong khi đó, các nguồn điện truyền thống như than, khí thấp hơn so với kế hoạch là 8 tỉ kWh, giảm hơn so với kế hoạch là 7-8%.
Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo đã gây ảnh hưởng vận hành hệ thống điện bởi tình trạng này có thể gây thừa nguồn/quá tải đường dây, chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm gây thiếu dự phòng công suất.
Trong khi đó, vẫn phải đảm bảo vận hành nghiêm thị trường điện, bao tiêu khí. Ngoài ra, do tính bất định của năng lượng tái tạo nên các tổ máy truyền thống phải điều chỉnh giảm công suất chạy ở chế độ với hiệu suất min rất thấp, hiệu suất thấp, tốn tiền, phải khởi động chi phí cao.
Dẫn chứng, năm 2019 có 74 lần khởi động nhà máy nhiệt điện, năm 2020 khởi động 192 lần và 4 tháng đầu năm khởi động 334 lần, gây nên nhiều quan ngại của chủ đầu tư, nhà máy BOT.
Trong bối cảnh đó, theo dự thảo tổng sơ đồ điện VIII, tỉ lệ năng lượng tái tạo tiếp tục tăng cao, đến năm 2025 công suất năng lượng tái tạo chiếm 44,7-61,5%, ông Ninh cho rằng sẽ gây khó khăn nhiều cho vận hành an toàn hệ thống trong giai đoạn tới. Công suất cao như vậy nhưng sản lượng chỉ chiếm 12-15%, nên 85% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn khác sẽ là bài toán khó đặt ra để điều độ hệ thống đảm bảo vận hành tin cậy, an toàn.
Cho rằng năng lượng tái tạo bùng nổ nhưng thiếu đồng bộ, phát triển không theo quy hoạch, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế trung ương, lại đặt câu hỏi về trách nhiệm.
"Vậy động lực nào, lợi ích nào để người ta đầu tư bằng mọi giá như vậy, thấy trách nhiệm của ai trong đầu tư hệ thống truyền tải đồng bộ với hệ thống nguồn điện" - ông Cung đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, chuyên gia thẩm định giá, thì cho rằng cần làm rõ các cơ chế chính sách khiến ngành điện gặp khó khăn. Việc cắt giảm điện năng lượng tái tạo như vậy thì cần cơ chế nào thúc đẩy nhanh, minh bạch để huy động trong bối cảnh phụ tải cao/thấp bởi tác động của COVID-19 sẽ khiến lượng tiêu thụ điện giảm. Vậy trách nhiệm của Bộ Công thương ra sao trong vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Cường, thành viên hội đồng thành viên EVN, cho rằng các quy hoạch điện gió, mặt trời vẫn đang rất "ngổn ngang". Mặc dù EVN đã có cảnh báo vấn đề thừa/thiếu điện nhưng nhà đầu tư vẫn "xông vào", bởi nhìn vào dài hạn việc đầu tư vẫn mang lại hiệu quả, lợi nhuận.
Do đó, ông cho rằng cơ chế tích trữ năng lượng khi nguồn năng lượng tái tạo tăng cao là xu hướng cần thiết, nhưng cần phải có cơ chế phù hợp cho nguồn năng lượng này, đồng thời thực hiện xã hội hóa truyền tải, cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận