Bộ Công thương cho rằng tăng giá điện lên 6,08% tác động không đáng kể đến các hộ sử dụng điện sinh hoạt - Ảnh: NGỌC AN
Theo tính toán của Bộ Công thương, giá điện tăng 6,08% sẽ tác động làm cho nhóm kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%, nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp bị tăng 4,97%.
Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể.
Tại cuộc họp báo về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2016 được tổ chức chiều 1-12 ở Hà Nội, Bộ Công thương cho biết trong năm 2016 tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 266.104 tỉ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng/kWh.
Tuy nhiên, doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510 tỉ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng/kWh.
Như vậy, riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ gần 600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do có thu nhập từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác liên quan đến điện là 3.251 tỉ đồng, giúp cho EVN lãi 2.658 tỉ đồng.
Đặc biệt, khoản chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ tính đến cuối năm 2016 vẫn lên tới trên 9.500 tỉ đồng.
Bộ Công thương cho biết sẽ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 6,08% từ ngày hôm nay 1-12, với mức giá bình quân là 1.720,65 đồng/kWh, đồng thời công bố giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, việc điều chỉnh tăng giá điện dựa trên nhiều yếu tố, trong đó chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện chỉ là một yếu tố để làm căn cứ tăng giá.
Ông Tuấn nói rằng dù tăng giá điện nhưng sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sản xuất, đặc biệt là các hộ sinh hoạt, hộ khó khăn và hộ nghèo.
Ông Tuấn cũng cho biết việc tăng giá điện sẽ tác động 0,07% chỉ số sản xuất và 0,08% chỉ số giá trong năm 2017.
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi về việc tăng giá điện có giúp EVN giải quyết dứt điểm khoản chênh lệch tỉ giá lên tới 9.500 tỉ đồng hay không.
Ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc EVN, cho biết theo quy định khoản chênh lệch tỉ giá được Chính phủ cho phép phân bổ từ nay đến năm 2020 tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh, nhằm giảm áp lực tăng giá điện.
Do đó, việc khoản chênh lệch tỉ giá sẽ được giãn phân bổ, căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của từng năm cho phù hợp.
Ông Lâm không trả lời câu hỏi của Tuổi trẻ Online đặt ra là đề nghị giải trình rõ khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2016 xuất phát từ những yếu tố nào.
Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể.
Cụ thể với hộ dùng 50 kWh/tháng tăng 3.250 đồng.
Hộ dùng 50 kWh/tháng đến 100 kWh là 6.600 đồng.
Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 13.800 đồng.
Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 23.600 đồng.
Hộ dùng 300 kWh là 34.800 đồng.
Hộ dùng từ 400 kWh trở lên chi phí tăng 34.800 đồng.
Ngoài ra, đối với 5,2 triệu hộ nghèo vẫn sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ là 51.000 đồng/tháng, với tổng số tiền hỗ trợ là 2.500 tỉ đồng/năm.
Đồ họa: TTO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận