Một người lính Armenia ở Martakert, Nagorno-Karabakh, năm 2016 - Ảnh: AAP
Theo báo Góc nhìn của Nga, tình hình chiến sự ở vùng Nagorno-Karabakh hiện tại được đánh giá là nguy hiểm nhất kể từ năm 1994 - khi Azerbaijan ký thỏa thuận ngừng bắn với Armenia dưới sự hòa giải của Nga, Mỹ và Pháp.
Về lịch sử, chính quyền Liên Xô sáp nhập vùng này vào lãnh thổ Azerbaijan năm 1921 dù đa số dân ở đó là người Armenia. Năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, lực lượng ly khai Armenia tách ra đòi độc lập dưới sự hỗ trợ của Yerevan.
Chiến tranh nổ ra sau đó khiến 30.000 người chết, hàng trăm ngàn người phải tha hương.
Thực tế, sau năm 1994 biên giới giữa Nagorno-Karabakh (hay nước Cộng hoà Artsakh đòi ly khai) và Azerbaijan chưa bao giờ yên tĩnh, các vụ đọ súng xảy ra thường xuyên.
Tuy nhiên, sáng 27-9, lần đầu tiên quân đội Azerbaijan tấn công trên toàn mặt trận với lý do đưa ra là Armenia tấn công khiêu khích trước, "có biểu hiện của chủ nghĩa phát xít".
Theo lời Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, lực lượng vũ trang Armenia dùng nhiều loại vũ khí, gồm pháo binh hạng nặng, tấn công các khu dân cư của họ từ nhiều hướng. Baku quyết định "tổng phản công" và "chiếm nhiều khu vực chiến lược" ở Cộng hòa Artsakh.
Ở chiều ngược lại, Armenia phủ nhận Cộng hòa Artsakh mất đất vào tay đối thủ, gọi đó là "trò khiêu khích của cỗ máy tuyên truyền Azerbaijan". Họ nói Baku vô cớ muốn chiếm đánh Nagorno-Karabakh nhưng đã chịu thất bại và mất nhiều khí tài trong giao tranh.
Tuy nhiên, Yerevan thừa nhận tình hình đang nghiêm trọng và đã ban bố thiết quân luật cùng với lệnh tổng động viên trên toàn quốc.
Quân tình nguyện Armenia tập trung ở thủ đô Yerevan để tiến ra chiến tuyến Nagorno-Karabakh ngày 27-9 - Ảnh: SBS.AU
Ai hưởng lợi?
Để hiểu được ai châm ngòi cuộc xung đột mới, chỉ cần đặt câu hỏi ai là người hưởng lợi khi phá vỡ hiện trạng.
Armenia chắc chắn không mong muốn điều này vì họ hài lòng với hiện trạng, còn Cộng hòa Artsakh thực tế đã độc lập trong 30 năm qua, trao quyền kiểm soát cho Baku không đời nào họ muốn. Các cuộc đàm phán vốn đã đóng băng từ lâu.
Một cách không chính thức, an ninh vùng Karabakh được Nga bảo đảm, vì Nga là đối tác của Armenia trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (Hiệp ước Tashkent, hay CSTO). Cộng hòa Artsakh muốn được quốc tế công nhận, nhưng mục tiêu này không thể đạt được bằng cách tấn công Azerbaijan.
Tổng thống Azerbaijan Aliyev chính là người không hài lòng với hiện trạng, bởi nước này không có trong tay cơ chế nào để thu hồi lãnh thổ đã mất. Baku đã "phóng đại" vấn đề Karabakh đến mức người dân Azerbaijan đòi phải lấy lại vùng lãnh thổ bằng mọi giá.
Không có đàm phán thì cách duy nhất còn lại là chiến tranh.
"Tâm lý chống Armenia mà chế độ Aliyev nhồi sọ người dân đã dẫn đến một kết quả tất yếu. Chính quyền Azerbaijan trở thành con tin của chính sách này, và họ cố giải quyết cuộc xung đột Karabakh bằng quân sự", Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bình luận.
Bản thân Tổng thống Azerbaijan cũng thừa nhận cuộc tổng tấn công rạng sáng 27-9 là "nguyện vọng của người dân". "Chiến dịch tổng phản công thắng lợi đặt dấu chấm hết cho sự chiếm đóng và bất công kéo dài 30 năm. Dân tộc Azerbaijan muốn sống trên mảnh đất của mình, họ sống vì ước mơ này...", ông nói.
Không làm điều này ngay bây giờ, khi mà giá năng lượng tiếp tục giảm và ngân sách thâm hụt, chính quyền Azerbaijan có thể gặp nguy. Hiện Internet trên cả nước Azerbaijan đã bị chặn vì lý do "chiến sự".
Một bà mẹ Azerbaijan khóc trước tượng đài liệt sĩ ở Baku tháng 2-2019 - Ảnh: SBS.AU
Bây giờ Nga làm gì?
Hầu hết các nước trên thế giới chọn cách theo dõi sát tình hình ở Kavkaz. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ lập tức ủng hộ và hứa hẹn viện trợ cho Baku, các đối tác châu Âu của họ sẽ chọn vị trí trung lập.
Hội đồng châu Âu đã kêu gọi các bên dừng mọi hành động quân sự, còn NATO nói xung đột không thể giải quyết bằng súng. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là thái độ của Nga.
Trên danh nghĩa, Maxtcơva là trung gian hòa giải trong xung đột Karabakh nên không thể can thiệp trực tiếp. Armenia là thành viên Hiệp ước Tashkent, nhưng đảm bảo của tổ chức này không có hiệu lực với Karabakh vốn được xem là lãnh thổ của Azerbaijan.
Baku hiểu rõ điều đó nên chỉ giới hạn hành động quân sự trên lãnh thổ Karabakh. "Nếu muốn, chúng tôi có thể tấn công Armenia, nhưng chúng tôi không có mục tiêu quân sự nào trên lãnh thổ Armenia", Tổng thống Aliyev nói.
Tuy nhiên, Armenia tuyên bố chiến sự đã vượt ra khỏi lãnh thổ Cộng hòa Artsakh. Bộ trưởng Quốc phòng Artsrun Hovhannisyan cho biết Azerbaijan tấn công chủ yếu các khu dân cư ở Artsakh, nhưng thị trấn Vardenis trên lãnh thổ Armenia cũng hứng đạn.
Yerevan chưa gửi yêu cầu bảo vệ lên CSTO, tuy nhiên Điên Kremlin không thể chọn cách đứng qua một bên mà nhìn. Trong trường hợp Azerbaijan giành thắng lợi quân sự, uy tín của Matxcơva sẽ bị tổn thương.
Cũng vì lý do đó mà Nga đang tiến hành các nỗ lực đàm phán căng thẳng. Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã liên lạc với Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan, người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov.
Theo website chính thức của Bộ Ngoại giao Nga thì lịch trình làm việc với từng vị ngoại trưởng theo đúng thứ tự kể trên.
Câu hỏi bây giờ là các bên sẽ ngừng bắn với điều kiện nào? Điều này phần nhiều sẽ phụ thuộc liệu quân đội Armenia có khả năng chặn đứng cuộc tấn công của Azerbaijan không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận