Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) trong cuộc gặp với ông Abdullah Abdullah, đối thủ chính trị của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 23-3 - Ảnh: Reuters
Ngay sau chuyến thăm Afghanistan vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Pompeo đã thông báo Chính phủ Mỹ sẽ cắt giảm khoản viện trợ 1 tỉ USD cho chính quyền Afghanistan. Động thái này nói lên một điều: chuyến đi của ông Pompeo đã thất bại, và rằng tiến trình đạt được hòa bình lâu dài ở Afghanistan sẽ không hề dễ dàng.
Bổn cũ soạn lại: chia quyền lực
Chính phát ngôn của nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng nói lên điều này. Ông Pompeo cho biết sẽ sẵn sàng cắt thêm một khoản viện trợ tương tự vào năm 2021, vì tình trạng đối đầu dai dẳng giữa đương kim Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và đối thủ chính trị của ông Ghani là ông Abdullah Abdullah.
"Chúng tôi cũng sẽ bắt đầu xem xét lại tất cả chương trình và dự án để xác định những thứ cần cắt giảm thêm" - ông Pompeo cho hay. Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo đã có chuyến thăm bất ngờ tại Kabul nhằm giúp chấm dứt thế đối đầu giữa hai ông Ghani - Abdullah.
Theo lời của ông Pompeo, trong các cuộc gặp, cả ông Ghani và ông Abdullah đều thông báo "không thể nhất trí về một chính phủ gồm cả hai bên", dù ông Pompeo nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp này. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington "thất vọng" với động thái của cả hai nhân vật này và rằng "sự thất bại của họ đã gây tổn hại cho quan hệ Mỹ - Afghanistan".
Chính thế đối đầu giữa Ghani và Abdullah đã gây khó khăn cho những nỗ lực hòa bình của Mỹ ở Afghanistan, dù Mỹ và phiến quân Taliban đã đạt được một thỏa thuận lịch sử hồi cuối tháng 2.
Việc ông Pompeo tuyên bố cắt giảm viện trợ cho Afghanistan và dọa tăng thêm các trừng phạt được đánh giá nhằm gây áp lực để Afghanistan nhanh chóng bước vào cuộc đàm phán với Taliban, từ đó không đi chệch quỹ đạo hướng tới kết thúc cuộc chiến kéo dài 18 năm qua ở quốc gia này.
Nguy cơ thỏa thuận hòa bình sụp đổ
Giới phân tích đánh giá chuyến thăm của ông Pompeo rõ ràng là dấu hiệu cho thấy tình hình ở Afghanistan cần sự can thiệp từ cấp cao.
"Ngoại trưởng Pompeo và đội ngũ của ông chính là "keo dán", giúp kết dính toàn bộ thỏa thuận hòa bình ở Afghanistan. Ngay lúc này, họ muốn đảm bảo không bị mất đà" - Daniel Hoffman, cựu quan chức cấp cao tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và là chuyên gia về địa chính trị, nhận định.
Theo báo New York Times, việc một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ sẵn sàng đi nửa vòng Trái đất giữa dịch bệnh COVID-19 để đến Afghanistan cho thấy Mỹ đang nhìn nhận thế bế tắc chính trị bên trong nội bộ Afghanistan cũng như những nguy cơ đặt ra cho cả hai nước nghiêm trọng ra sao.
Theo những kỳ vọng ban đầu, khoảng 10 ngày sau khi thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban được ký kết ở Qatar hôm 29-2, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan sẽ được khởi động. Lầu Năm Góc cũng sẽ bắt đầu rút 1/3 trong số 13.000 binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan và số còn lại sẽ rút dần.
Các cuộc đàm phán tại Afghanistan cũng được mong đợi bắt đầu bằng hoạt động trao đổi tù nhân, trong đó Chính phủ Afghanistan trả tự do cho khoảng 5.000 tù nhân Taliban, còn Taliban thả 1.000 binh sĩ cùng quan chức Afghanistan.
Tuy nhiên, hoạt động trao đổi như vậy đến nay vẫn chưa diễn ra, còn tiến trình đàm phán vẫn chưa rõ thế nào. Một đội đàm phán đại diện cho tất cả các bên của Chính phủ Afghanistan vẫn chưa được bổ nhiệm.
Sau nỗ lực can thiệp thất bại của ông Pompeo, nhật báo Washington Times nhận định thỏa thuận hòa bình Afghanistan, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dường như đang "trên bờ vực sụp đổ".
Tuy nhiên, có lẽ Washington sẽ không khoanh tay đứng nhìn thành quả của họ với Taliban sụp đổ. Sau hơn tám giờ có mặt tại Kabul, Ngoại trưởng Pompeo đã bay tới Qatar và có cuộc gặp với nhà đàm phán hàng đầu của Taliban là ông Mullah Baradar. Ông này cho biết Taliban vẫn giữ các cam kết theo như thỏa thuận đã ký.
Đối đầu dai dẳng
Ông Ghani và ông Abdullah rơi vào tình trạng bế tắc trong cuộc tranh giành quyền lực kể từ cuộc bầu cử của Afghanistan hồi tháng 9-2019. Ủy ban bầu cử nước này tháng trước tuyên bố ông Ghani là người chiến thắng.
Tuy nhiên, ông Abdullah cáo buộc có gian lận bầu cử và đã thách thức kết quả này. Cả hai đều tổ chức các buổi lễ tuyên thệ vào đầu tháng này và ông Abdullah còn tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ song song.
Hai nhân vật này từng có bất đồng tương tự sau khi họ tranh cử tổng thống vào năm 2014. Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là John Kerry đã đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận mà theo đó ông Ghani trở thành tổng thống, còn ông Abdullah làm "quan chức điều hành cấp cao", vai trò mới tương đương chức thủ tướng. Họ đã nhất trí ký thỏa thuận thành lập "chính phủ đoàn kết dân tộc", chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài khoảng 4 tháng trời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận