Không chỉ các quân nhân có thể tiếp cận một số máy bay quân sự để thoát thân, rất nhiều người Afghanistan đang tìm cách ra nước ngoài để tránh bị sự hà khắc của chính quyền mới - Ảnh: REUTERS
Người Mỹ và các nước đồng minh đã đến Afghanistan với một ý định tốt đẹp nhưng 20 năm sau đã phải ra đi với hai bàn tay trắng. Còn đối với người dân Afghanistan, lịch sử lặp lại khi lực lượng Taliban một lần nữa nắm quyền ở quốc gia Nam - Trung Á này.
Dấu hỏi tương lai
Hơn một tháng trước, khi những người lính trong lực lượng quốc tế trao lại quyền kiểm soát cho lực lượng quân đội Afghanistan, ít ai nghĩ đến việc lực lượng quân đội Afghanistan được trang bị và đào tạo đầy đủ như vậy lại có thể sụp đổ nhanh chóng và để thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban mà hầu như không có sự chống cự nào.
Hình ảnh hàng đoàn trực thăng nối đuôi nhau vội vã sơ tán những nhà ngoại giao và công dân nước ngoài rời khỏi các đại sứ quán ở thủ đô Kabul cho thấy cộng đồng quốc tế đã không hề có sự chuẩn bị gì.
Vào giờ phút này, cộng đồng quốc tế còn đang bận rộn với việc nhanh chóng di tản các nhà ngoại giao và công dân nước ngoài ra khỏi Kabul. Nhưng sau những hỗn loạn trong buổi giao thời này qua đi, câu hỏi sẽ được đặt ra là tương lai đất nước Afghanistan sẽ như thế nào dưới sự lãnh đạo của Taliban.
Cho dù những lãnh đạo Taliban đã lên tiếng trấn an người dân Afghanistan cũng như cộng đồng quốc tế là cuộc sống sẽ vẫn diễn ra như những gì vốn có. Nhưng có lẽ ít ai có thể tin vào những lời bảo đảm đó, nếu nhìn vào những gì mà Taliban đã làm. Việc những chiến binh Taliban quay trở lại hứa hẹn một tương lai u ám cho người dân ở Afghanistan.
Một điều có thể chắc chắn rằng những quyền tự do cơ bản nhất mà người dân Afghanistan được hưởng trong 20 năm qua dù luôn phải sống trong cảnh bom đạn có lẽ sẽ không còn tồn tại dưới chế độ của Taliban.
Lịch sử trước năm 2001 rất có thể sẽ lặp lại với việc phụ nữ sẽ phải ở nhà, không được đến trường học, không được làm việc bên ngoài và sẽ luôn phải có người đi cùng khi đi ra ngoài. Âm nhạc cũng như truyền hình bị coi là những thứ xấu xa và hoàn toàn bị cấm. Những hình phạt chỉ có ở thời Trung cổ như chặt chân, chặt tay và ném đá cho đến chết sẽ được áp dụng.
Là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, những chính sách khắc nghiệt của chính thể Taliban là chỉ dấu cho thấy sẽ còn rất lâu Afghanistan mới có thể thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển này. Khi những nhà máy được đập đi để thay bằng những giáo đường, sự nghèo đói sẽ trở thành điều bình thường trong xã hội.
Bóng ma khủng bố
Nhưng điều đáng lo ngại hơn là liệu Afghanistan dưới thời Taliban có lại trở thành "thánh địa" cho các lực lượng khủng bố như Al Qaeda không, để từ đó phát động các cuộc tấn công khủng bố đến Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới như đã làm trong những năm 1990 cho đến năm 2001 mà khủng khiếp nhất là vụ tấn công 11-9.
Các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá các lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan có thể tập hợp lại ở Afghanistan trong vòng 2 năm sau khi Taliban nắm quyền. Nhưng với những gì đang diễn ra cùng với những dự báo sai lệch về việc Kabul thất thủ, khả năng các lực lượng khủng bố tập hợp lại có thể sẽ diễn ra sớm hơn nhiều so với đánh giá của các cơ quan tình báo.
Do đó, ngay trong những giờ phút còn đang lộn xộn này đã bắt đầu có những nỗ lực từ các nước Mỹ, EU đến các nước vùng Vịnh như Qatar, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng như Iran, Pakistan để xây dựng một mặt trận chung nhằm tác động lên bộ máy lãnh đạo mới của Taliban để có sự thay đổi.
Nhưng liệu các lãnh đạo Taliban sẵn sàng thay đổi dưới sức ép từ bên ngoài. Bài học năm 2001, khi Taliban từ chối trao Bin Laden và sẵn sàng đương đầu với sức mạnh quân sự của lực lượng đồng minh, đã cho thấy việc làm thay đổi các lãnh đạo Taliban không phải là điều đơn giản.
Còn nếu không, một sự can thiệp lần thứ hai của cộng đồng quốc tế vào Afghanistan sẽ là điều không tránh khỏi. Nhưng như vậy vòng xoáy của lịch sử sẽ lại lặp lại, một cuộc chiến Afghanistan thứ hai là điều không ai mong đợi.
Nhưng cho đến lúc này, mọi việc đã vượt qua sự kiểm soát từ các nước bên ngoài. Một Afghanistan trong tương lai sẽ như thế nào sẽ chỉ có câu trả lời từ các lãnh đạo Taliban.
Cuộc chạy đua di tản khỏi Kabul
Đám đông người Afghanistan dừng bên ngoài sân bay Hamid Karzai vì hàng rào kẽm gai và các binh sĩ vũ trang Mỹ, ngày 16-8 - Ảnh: AFP
Thủ đô Kabul của Afghanistan bắt đầu ngày 16-8, ngày đầu tiên sau khi Taliban tiếp quản, bằng sự hỗn loạn tại sân bay quốc tế Hamid Karzai. Hàng trăm người Afghanistan đủ mọi lứa tuổi kéo về sân bay với hy vọng có được một suất rời khỏi đất nước. Tình hình có lúc vượt kiểm soát, buộc các binh sĩ Mỹ đang bảo vệ sân bay phải nổ súng chỉ thiên để giải tán.
66 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã ra tuyên bố chung kêu gọi các bên tại Afghanistan "tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút đi an toàn và có trật tự của công dân nước ngoài cũng như người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước".
Các chiến dịch sơ tán các nhà ngoại giao và công dân nước ngoài bằng máy bay quân sự vẫn tiếp diễn trong ngày 16-8. Mỹ xác nhận phần lớn nhân viên ngoại giao của nước này đã đến nơi an toàn, đồng thời triển khai thêm 1.000 quân đến sân bay Hamid Karzai, nâng tổng số quân tại đây lên 6.000.
Sự huyên náo tại sân bay trái ngược với cảnh yên ắng ở phần còn lại của thủ đô Kabul. Nhiều con đường mua bán nhộn nhịp giờ chìm trong im lặng và sự hoang mang.
Theo một thủ lĩnh Taliban, tình hình tại Kabul và các thành phố lớn khác của Afghanistan vẫn "ổn định" và không có cuộc giao tranh nào trong ngày 16-8.
Một thủ lĩnh của Taliban tuyên bố lực lượng này muốn tất cả người nước ngoài rời khỏi Afghanistan trước khi tiến hành xây dựng lại chính quyền.
BẢO DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận