27/08/2021 09:17 GMT+7

Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 5: Chiến hạm Mỹ nã tên lửa

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trưa 9-9-2001, tư lệnh Ahmad Shah Massoud - chỉ huy Liên minh phương Bắc (mặt trận kháng chiến chống Taliban) - trả lời phỏng vấn trong nhà khách tại hậu cứ ở làng Khadja Bahuddin thuộc huyện Darqad, tỉnh Takhar (miền bắc Afghanistan).

Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 5: Chiến hạm Mỹ nã tên lửa - Ảnh 1.

Quân Taliban bắn pháo vào quân kháng chiến gần Kabul ngày 25-10-1996 - Ảnh: Reuters

Ông không hề nghi ngờ một nhà báo và một nhân viên quay phim tự xưng là người của kênh truyền hình Arabic News International (ANI-TV). Gã nhà báo ngồi đối diện phỏng vấn ông: "Thưa tư lệnh, ông sẽ làm gì với Osama bin Laden nếu chiếm lại toàn bộ Afghanistan?".

5 năm kiểm soát Kabul

Massoud không khỏi bật cười với câu hỏi này. Vài giây sau, một vụ nổ long trời hất ông văng xuống đất. Mặt ông đầy mảnh vỡ, tứ chi bị xé toạc và sau đó tử vong. Tên quay phim giấu bom trong bụng chết tại chỗ với đôi chân đứt lìa. Nhiều người cạnh Massoud tử thương. Gã nhà báo giả danh gần như không hề hấn gì định tẩu thoát nhưng đã bị hai cận vệ Massoud bắn ba phát vào bụng. Hắn tên Dahmane Abd El-Sattar và đồng bọn quay phim tên Bouraoui El-Ouaer là người Tunisia.

Để hiểu rõ vì sao tư lệnh Massoud bị ám sát phải lần ngược lại lịch sử bảy năm về trước. Mùa thu năm 1994, khi Mohammed Omar dẫn quân Taliban đánh chiếm Kandahar (miền nam Afghanistan), Omar đã 31 tuổi. Các thế lực địa phương run sợ buông súng đầu hàng. Báo Le Monde Diplomatique (Pháp) thuật đến tháng 4-1996 ở Kandahar, trước hàng ngàn tay súng Taliban, Omar đã xưng danh "Amir al-Mu'minin ("thủ lĩnh các tín đồ") dù chưa học xong khóa thần học.

Với đà tiến như chẻ tre, Taliban chiếm được thủ đô Kabul vào ngày 17-9-1996 rồi tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, và thiết lập luật Hồi giáo (Sharia) theo cách giải thích của chúng ở Kabul. Song do chỉ mới kiểm soát hơn 50% lãnh thổ, Taliban tiếp tục đánh các nhóm chống Taliban ở các tỉnh.

Màn mở đầu cho các vụ tấn công vào New York và Washington, DC.

Chuyên gia PETER BERGEN nhận định về vụ ám sát tư lệnh Massoud

Chiến sự tiếp tục kéo dài. Sang năm sau, các nhóm chống Taliban vẫn duy trì sức ép lên Kabul bằng nhiều vụ pháo kích. Đến cuối năm 2000, Taliban đã kiểm soát 90% lãnh thổ và tiếp tục áp đặt luật Sharia tại các vùng mới kiểm soát. 

Liên minh phương Bắc mà trong đó có chính phủ được Liên Hiệp Quốc (LHQ) chính thức công nhận chỉ kiểm soát được số ít lãnh thổ còn lại ở miền bắc. Lực lượng này chỉ nhận được viện trợ hạn chế từ Ấn Độ, Iran và Nga nên sức mạnh quân sự kém hơn. Trong lực lượng lại bao gồm nhiều dân tộc, chủ yếu là người Uzbek và người Tajik trong khi mối liên kết với nhau tương đối yếu.

Ngoài đánh nhau với các nhóm chống Taliban, Taliban còn hỗ trợ cho nhiều nhóm chiến binh thánh chiến Hồi giáo (Mujahedin), chủ yếu là nhóm Al Qaeda của Osama bin Laden. Sau khi Taliban làm chủ Kabul, Bin Laden đã quay trở lại bắt tay với Omar. 

Trên bình diện quốc tế, chế độ Taliban mong muốn được cộng đồng quốc tế thừa nhận nhưng LHQ từ chối. Chỉ có ba quốc gia gồm Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất thừa nhận Taliban. Taliban càng bị cô lập sau khi Bin Laden bắt đầu tăng cường hoạt động khủng bố.

Sáng 7-8-1998, hai người đàn ông ướt đẫm mồ hôi lái một chiếc xe tải Toyota đến trước cửa bãi đậu xe ngầm của Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi (Kenya). Các nhân viên bảo vệ từ chối mở hàng rào. Một tên lập tức nổ súng và ném lựu đạn gây choáng. Vài giây sau, 900kg chất nổ giấu sau xe tải đã được kích hoạt. 

213 người, trong đó có 12 công dân Mỹ thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương với nhiều thi thể không toàn vẹn. Ít phút sau đó, một xe tải đông lạnh đã phát nổ trong khuôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Dar es Salaam (Tanzania) giết chết 11 người và làm 85 người bị thương. Đây chính là vụ gây thanh thế lớn đầu tiên của Bin Laden.

Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 5: Chiến hạm Mỹ nã tên lửa - Ảnh 3.

Binh lính Mỹ truy quét Taliban ở Mazar-e Sharif ngày 26-11-2001 - Ảnh: Getty Images

Chiến dịch Tự do bền vững

13 ngày sau hai vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, Mỹ tiến hành chiến dịch trả đũa mang mật danh Infinite Reach. Các tàu khu trục Mỹ trên biển Oman và biển Đỏ đã bắn 75 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào hai mục tiêu bị tình nghi là nơi huấn luyện khủng bố, cất giữ vũ khí và bào chế nguyên liệu sản xuất vũ khí hóa học ở Afghanistan và Sudan. 

Ngày 6-7-1999, Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt tài chính và thương mại đối với Afghanistan vì lý do hỗ trợ hai vụ tấn công kể trên.

Đến ngày 15-10-1999, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết 1267 thành lập ủy ban trừng phạt Al Qaeda và Taliban. Nghị quyết xác định hai nhóm Hồi giáo này là thực thể khủng bố có câu kết với nhau và áp đặt các biện pháp trừng phạt về tài chính, đi lại và vận chuyển vũ khí. Bin Laden chỉ đạo nhóm khủng bố Al Qaeda từ Afghanistan và Pakistan vào cuối thập niên 1980, ở Sudan vào năm 1991 và trở lại Afghanistan vào giữa thập niên 1990. Taliban đảm trách cung cấp mật khu cho Al Qaeda hoạt động. Hội đồng Bảo an LHQ đã yêu cầu dẫn độ Bin Laden.

Bin Laden không hề sợ hãi. Ngày 12-10-2000, Al Qaeda đánh bom tàu khu trục USS Cole ở cảng Aden (Yemen). Đúng một năm sau đó đã xảy ra vụ tấn công khủng bố nước Mỹ chấn động thế giới. Ngày 11-9-2001, tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc bị tấn công với gần 3.000 người thiệt mạng. Bin Laden là kẻ chủ mưu. 

Hắn đã tính trước sau vụ này chắc chắn Mỹ sẽ trả đũa và tư lệnh Massoud với tài năng bậc thầy chiến tranh du kích có thể tiếp sức với Mỹ săn lùng hắn ở Afghanistan. Ngoài ra, hắn xem Massoud là kẻ thù chính ở Afghanistan, vì Massoud đã đến châu Âu vận động chống Taliban và chống lại hắn. Từ đó Bin Laden đã lên kế hoạch ám sát Massoud với trên 30 tên tham gia.

Mỹ và Anh khẳng định Bin Laden là người chịu trách nhiệm vụ tấn công ngày 11-9-2001, cảnh báo Taliban rằng do ủng hộ Bin Laden, Taliban sẽ phải lãnh hậu quả, đồng thời yêu cầu Taliban dẫn độ Bin Laden. 

Nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Mỹ. Ngày 18-9-2001, Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu Taliban thực hiện nghị quyết 1.333 và dẫn độ Bin Laden.

Taliban từ chối yêu cầu dẫn độ, sau đó kêu gọi hội đồng giáo sĩ Hồi giáo họp quyết định số phận Bin Laden và tuyên bố sẵn sàng đáp trả nếu bị Mỹ tấn công. Hội đồng giáo sĩ chỉ yêu cầu Bin Laden rời khỏi Afghanistan. Ngày 21-9-2001, đại sứ Taliban tại Pakistan tuyên bố Taliban không giao nộp Bin Laden nếu không được cung cấp chứng cứ.

Giọt nước đã tràn ly, đêm 7-10-2001 Mỹ tiến hành chiến dịch Tự do bền vững tấn công Taliban. Máy bay Mỹ ồ ạt không kích Taliban với lực lượng yểm trợ gồm khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ, Liên minh phương Bắc và các nhóm bộ tộc Pashtun. Taliban bị nghiền nát dưới hỏa lực Mỹ phải tháo chạy về các tỉnh miền Nam, trong khi quân Al Qaeda rút về miền bắc. Ba ngày sau, quân Liên minh phương Bắc tiến vào Kabul. 12 ngày sau, bộ binh Mỹ đặt chân lên Afghanistan.

Ngày 5-12-2001, hội nghị ở Bonn (Đức) do LHQ bảo trợ quy tụ nhiều phe phái Afghanistan chống Taliban đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ lâm thời Afghanistan do ông Hamid Karzai (bộ tộc Pashtun) đứng đầu, và thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Lực lượng này mang tên Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO trực tiếp chỉ huy.

Chế độ Taliban chính thức kết thúc vào ngày 9-12-2001 khi quân Taliban đầu hàng ở Kandahar. Thủ lĩnh Omar đã nhanh chân đào thoát.

Sau khi theo dấu Bin Laden đến khu hang động Tora Bora ở đông nam Kabul, lực lượng tự vệ Afghanistan đã đánh một trận ác liệt với quân Al Qaeda kéo dài suốt hai tuần kể từ ngày 3-12-2001. Bin Laden đã đi ngựa đào thoát sang Pakistan một ngày trước khi 20 tay súng cuối cùng của hắn bị bắt.

-------------------------

Sau khi tháo chạy khỏi Kabul năm 2001, Taliban đã lột xác từ một lực lượng dân quân Hồi giáo đơn thuần thành một phong trào du kích hiện đại có tổ chức. Taliban đã làm như thế nào?

Kỳ tới: Bộ mặt mới của Taliban

Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 4: Huynh đệ chém giết, Taliban xuất hiện Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 4: Huynh đệ chém giết, Taliban xuất hiện

TTO - Sau khi Liên Xô tiến hành chiến dịch Cơn bão-333 ngày 27-12-1979 với cái chết của Chủ tịch Hội đồng cách mạng Hafizullah Amin, ông Babrak Karmal lên giữ chức chủ tịch Hội đồng cách mạng nước Cộng hòa dân chủ Afghanistan.


HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp